Tối 19/8 theo giờ Hà Nội, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc (LHQ) và Quốc hội Cộng hòa Áo tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 5 với chủ đề "Sự lãnh đạo của nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên khai mạc và phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Việt Nam tiếp tục đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn
Trước thềm khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát đi thông điệp gửi đến hội nghị, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Những nguy cơ này ngày càng trở nên gay gắt, nhất là đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể. Từ đó, nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu.
Là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn.
Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0
Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các nhà lãnh đạo quốc hội các nước cần xây dựng các cơ chế chặt chẽ gắn trách nhiệm quốc gia với trách nhiệm quốc tế. Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể tại các diễn đàn đa phương với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu.
Bên cạnh đó, các thể chế, cơ chế hợp tác đa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng lợi ích chung của các thành viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, kênh ngoại giao nghị viện đa phương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, mở rộng hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả các nước.
Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu
Tại phiên thảo luận "Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu, chia sẻ với các phát biểu của các chuyên gia và Chủ tịch Quốc hội các nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng trở nên cấp bách hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới.
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với BĐKH. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc ứng phó với BĐKH thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình ứng phó BĐKH và phát triển bền vững.
Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Tháng 5/2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với IPU đã tổ chức thành cộng hội nghị chuyên đề về "Ứng phó với BĐKH - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững".
"Chúng tôi luôn mong muốn tăng cường hợp tác với các nước cũng như các tổ chức quốc tế nhằm đóng góp vào nỗ lực chung về ứng phó với BĐKH", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của BĐKH
Để thúc đẩy hơn nữa hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp do BĐKH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một số đề xuất tại phiên thảo luận.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, các nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với BĐKH; tăng cường phối hợp với IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về BĐKH của IPU phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của BĐKH. Song song với đó là ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Đề xuất của Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến nghị viện các nước tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển triển khai các giải pháp ứng phó BĐKH, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng.
Hội nghị các chủ tịch quốc hội thế giới là diễn đàn đối thoại nghị viện cấp cao nhất ở quy mô toàn cầu với sự tham dự của chủ tịch quốc hội các nước trên thế giới. Kể từ hội nghị lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000, đến nay hội nghị được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần.
Hội nghị lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 19-20/8, được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo Wolfgang Sobotka và Tổng thư ký LHQ António Guterres.