Buổi tọa đàm của Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương về: "Đổi mới nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng".
Kết quả bước đầu
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn chung, các đợt học tập Nghị quyết đã thu được những kết quả tích cực, từ việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch đến tổ chức triển khai học tập đáp ứng được yêu cầu đề ra. Về tài liệu được biên soạn kịp thời, chính xác, khoa học, phù hợp với từng loại đối tượng. Tài liệu còn giúp cho báo cáo viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững những nội dung cơ bản của Nghị quyết; nghiên cứu, nhận thức sâu sắc quan điểm tư tưởng của Đảng. Hình thức tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết thường xuyên được đổi mới. Nhiều địa phương, nhất là ở cấp tỉnh đã chuyển sang hình thức học tập trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin trong trình bày, có tác dụng nâng cao hiệu quả học tập, quán triệt Nghị quyết.
Qua theo dõi nhiều kỳ triển khai Nghị quyết của Đảng, PGS.TS, Ngô Văn Thạo (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: Chúng ta đã có nhiều đổi mới trong các khâu để nâng cao chất lượng học tập và triển khai nghị quyết của Đảng, trong đó có báo cáo viên, được các cấp ủy chọn lọc kỹ càng từ những người có năng lực, sở trường, có phương pháp sư phạm, thường xuyên được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, được tập huấn về nội dung, được cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, tạp chí và các phương tiện truyền đạt. Nhiều báo cáo viên dành thời gian hợp lý để trao đổi, đối thoại, giúp người học nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của họ.
Ngoài việc đối thoại, trao đổi trên lớp học, nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở còn tổ chức cho cán bộ, đảng viên trao đổi, thảo luận nội dung Nghị quyết và nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; tổ chức đánh giá kết quả bằng viết bản thu hoạch hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nội dung Nghị quyết. Đây là những cách làm sáng tạo, công phu, cần được tổng kết, nhân rộng.
Tinh thần, thái độ học tập của cán bộ, đảng viên khá nghiêm túc. Nhiều địa phương, cơ sở, số lượng đảng viên, cán bộ tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chiếm tỉ lệ rất cao (90% - 98%); số lượng quần chúng học tập Nghị quyết chiếm tỉ lệ trên 60%.
Thực tế ở cơ sở cho thấy, các Nghị quyết của Đảng còn được giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thông qua sinh hoạt hội họp của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chủ yếu là báo chí, kể cả đài truyền thanh ở các cơ sở. Các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các loại hình báo chí, dựa trên ưu thế của mình, bằng nhiều hình thức khác nhau có thể giới thiệu tóm tắt, giới thiệu toàn văn hoặc giới thiệu các bài viết chuyên sâu để truyền đạt, phân tích, lý giải các nội dung cơ bản của Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Những hạn chế cần khắc phục
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyên truyền, học tập Nghị quyết vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, như: Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt Nghị quyết nên có biểu hiện khoán trắng cho cơ quan Tuyên giáo. Công tác tổ chức triển khai học tập chưa chu đáo từ khâu xây dựng kế hoạch đến chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả. Phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết chưa chặt chẽ, hiệu quả không cao, còn hình thức" ở trên làm kỹ, ở dưới làm lướt". “còn có lớp học quá đông (gần 800 đảng viên/ lớp. Đối tượng học thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Một số đơn vị có tính đặc thù hoạt động trên phạm vi toàn quốc, công tác dài ngày, nên số lượng học viên tham dự không đầy đủ, chất lượng còn hạn chế, bất cập”- đồng chí Phùng Minh Cường – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.
Một số đơn vị tổ chức học tập còn dàn trải, chưa chú trọng đến đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Năng lực của nhiều báo cáo viên còn hạn chế, phương pháp triển khai ít sáng tạo; chưa coi trọng đến việc quán triệt nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động, liên hệ lý luận thực tiễn, giải đáp thắc mắc còn hạn chế; ít thảo luận, đối thoại, nặng về đọc tài liệu. Việc giới thiệu Nghị quyết còn nặng về độc thoại, thông tin một chiều, chưa dành thời gian thỏa đáng để trao đổi, đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Thời gian bố trí học tập ngắn, phương pháp tổ chức học tập chưa phù hợp, nhất là đảng viên ở nông thôn và các khu công nghiệp vẫn còn xảy ra.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cấp ủy và cán bộ chủ chốt, tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, thiếu gương mẫu, chưa coi trọng và tham dự đầy đủ các buổi học tập, thảo luận. Nhiều cán bộ, đảng viên tham dự đầy đủ các buổi học tập nghị quyết của Đảng nhưng vẫn không hiểu rõ nội dung nghị quyết. Nhiều nơi không tổ chức học bù cho các đối tượng vắng mặt trong lần học trước. Chưa chú trọng đúng mức việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, trước hết là kết quả nhận thức của cán bộ, đảng viên về các nội dung cơ bản của nghị quyết.
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng, cán bộ, đảng viên không nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng.
Một số giải pháp
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, trước hết cần khắc phục cho được sự thiếu kịp thời, khô cứng, chiếu lệ, hình thức, kém hiệu quả trong học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Khắc phục cho được tình trạng nội dung nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống, do đó, không chỉ tìm hiểu, nhận biết mà còn phải hiểu sâu, hiểu kỹ, nắm chắc tư tưởng, nội dung cơ bản và những vấn đề cốt lõi của nghị quyết; từ đó, xây dựng lòng tin và quyết tâm thực hiện nghị quyết một cách tự giác. Kiên quyết khắc phục lối học tập có tính sách vở, học chay, dạy suông. Học tập và triển khai nghị quyết phải gắn kết chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, đi liền với xây dựng chương trình hành động.
Nhấn mạnh vấn đề này, đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, “để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, báo cáo viên phải trình bày được cái tinh túy nhất, hồn cốt của Nghị quyết, phù hợp cho đúng đối tượng. Bám sát từng đối tượng, báo cáo viên phải đầu tư suy nghĩ để truyền đạt, có kèm theo ví dụ minh họa sinh động”. Sau khi học tập, viết thu hoạch, tổ chức đánh giá kết quả; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trong việc triển khai, quán triệt nghị quyết của đảng bộ đến từng cán bộ, đảng viên. Định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp ủy đảng.
Tuân thủ nghiêm các bước và thời gian triển khai học tập quán triệt nghị quyết của Trung ương. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị và đối tượng mà kết hợp linh hoạt các phương thức truyền đạt nghị quyết: Hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường); Hình thức trực tiếp (thông qua hệ thống truyền hình đang có); Hình thức trực tuyến (thông qua cầu truyền hình) nhằm tăng cường đối thoại với đối tượng, giải đáp những băn khoăn thắc mắc của người học.
Nâng cao vai trò trách nhiệm bí thư cấp ủy trong tổ chức và truyền đạt nghị quyết; trong trường hợp bí thư cấp ủy không trực tiếp truyền đạt, có thể mời báo cáo viên cấp trên hỗ trợ, song bí thư vẫn phải người chủ trì hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết.
Theo đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, kinh nghiệm cho thấy, trước hết phải tự đổi mới về nhận thức việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng vì đây là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Thực hiện việc phân cấp rõ ràng trong cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc học tập, nghiên cứu, quán triệt ở từng cấp. Đổi mới cách thức tổ chức các lớp học, cách học với 3 nội dung chủ yếu: Qua việc tổ chức lớp; qua sinh hoạt chi bộ; qua tự nghiên cứu tài liệu (theo từng đối tượng, thành phần, nội dung cụ thể). Bên cạnh việc tự học, tự nghiên cứu cần truyền đạt, nhấn mạnh những nội dung cốt lõi; đảng viên thuộc lĩnh vực nào học tập, quán triệt sâu lĩnh vực đó. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế hoạt động của báo cáo viên vì đây là “linh hồn” của lớp học.