Đổi mới và nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng

PV| 03/08/2016 11:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức tọa đàm “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Báo cáo đề dẫn tại buổi Tọa đàm nêu rõ: Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ này là đổi mới công tác tư tưởng lý luận. Trước đòi hỏi trên, công tác tuyên giáo của Đảng bộ Khối có ý nghĩa quan trọng, với những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong đó, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối là một trong những lĩnh vực cần phải ưu tiên trước hết. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó cần khắc phục cho được sự thiếu kịp thời, khô cứng, chiếu lệ, hình thức, kém hiệu quả trong học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Tìm ra được phương pháp, cách thức, mô hình thực sự hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của các cấp ủy đảng, vừa phù hợp với điều kiện, nguyện vọng, nhiệm vụ chính trị, nhu cầu tiếp nhận thông tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở; hướng tới sự tự giác, tự nguyện, nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, để sau việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của bản thân. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương khẳng định nhân tố quyết định nhất cho thành công của việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, đó là nhân tố con người và nhân tố nghị quyết. Đồng chí Hà Đăng nhấn mạnh, sở dĩ nghị quyết không đưa được vào cuộc sống là vì cuộc sống đã không được đưa vào nghị quyết. Nói cuộc sống không được đưa vào nghị quyết là nói đến những nghị quyết được xây dựng nên không phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, do cuộc sống đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết mà là những nghị quyết sản sinh từ ý nghĩ và lòng mong muốn chủ quan của các cấp lãnh đạo, tuy được viết rất hay nhưng ít có khả năng thực hiện. Để cho nghị quyết trở thành một nhấn tố quyết định thành công của việc học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng thì nghị quyết đó phải là một nghị quyết đúng, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chính là một nghị quyết như vậy. Điều quan trọng lúc này là đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống.

Theo GS,TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương: Trước hết, cần phải nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa và khó khăn của công việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong trong bối cảnh hiện nay. Trong quá trình đổi mới, cần đổi mới tổ chức lớp thế nào cho thiết thực, hiệu quả không hình thức. Lựa chọn hình thức như thế nào (hình thức trực tuyến, truyền hình trực tiếp, hội thảo…) cho phù hợp với đối tượng (lớp dành cán bộ chủ chốt, cán bộ chủ chốt mở rộng…). Xây dựng kế hoạch chương trình học tập, quán triệt phải thật sát, tỷ mỉ… Báo cáo viên phải có lý luận và thực tiễn cao, nói trúng, đúng và vận dụng vào tình hình địa phương, đơn vị để giải quyết vấn đề đang đặt ra. Tăng cường đối thoại, tránh độc thoại tạo không khí sôi nổi, trong học tập và thảo luận có như vậy mới có hiệu quả cao.

Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đổi mới việc và nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Do đó đối với báo cáo viên phải đầu tư suy nghĩ, sâu sắc trình bày được cái tinh túy nhất, hồn cốt của Nghị quyết, phù hợp với đối tượng. Tăng cường đối thoại, giải đáp những băn khoăn thắc mắc kèm theo ví dụ minh họa sinh động, sát thực tiễn có sức thuyết phục.

Về hình thức tổ chức lớp học, đồng chí Bùi Thế Đức cho rằng, việc học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng cần đa dạng. Sau khi học tập, viết thu hoạch, tổ chức đánh giá kết quả thu hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trong việc triển khai, quán triệt nghị quyết của đảng bộ đến từng cán bộ, đảng viên…

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cho biết, để nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt nghị quyết cần phải lựa chọn báo cáo viên là người như nào? Nói có sức thuyết phục, không phải một chiều, phù hợp với đối tượng và gắn với bối cảnh của địa phương, đất nước và tình hình thế giới. Sử dụng đa dạng hình thức để phổ biến, quán triệt Nghị quyết. Theo kinh nghiệm của Tạp chí Xây dựng Đảng, tuyên truyền phong phú, có những số báo giới thiệu toàn văn nghị quyết, có số lại mời chuyên gia phân tích điểm mới, dễ nhớ. Các chuyên mục có nội dung về quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng cũng cần liên tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Ngoài ra, các ý kiến, tham luận tại tọa đàm đã làm rõ thực trạng trong việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng trong đảng bộ, chi bộ hiện nay còn nhiều bất cập. Qua đây các đại biểu đề xuất những giải pháp hay, cách làm sáng tạo và những mô hình học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.

Kết quả của buổi tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng để Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tham khảo, rút kinh nghiệm, để chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng tốt hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới và nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO