Trung tuần tháng 7 vừa qua, Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu GSA (Global Mobile Suppliers Association) công bố báo cáo mới có tựa đề “Status of the LTE Ecosystem”. Báo cáo này cho biết, năm 2013, đã có thêm 941 dòng thiết bị đầu cuối LTE mới được đưa ra thị trường, đạt tốc độ tăng trưởng của năm là 100%. Số lượng các nhà sản xuất thiết bị này cũng tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu trong Báo cáo, tính đến 14/7, trên toàn cầu có 168 nhà sản xuất với 1.889 dòng thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ LTE (các thiết bị này hỗ trợ các chế độ hoạt động và dải băng tần khác nhau).
Điện thoại thông minh (Smartphone) vẫn là dòng sản phẩm hỗ trợ LTE chiếm số lượng lớn nhất với 835 dòng sản phẩm ( tương đương khoảng 44% của tổng dòng các sản phẩm đầu cuối LTE); Kế tiếp là dòng máy tính bảng với tỷ lệ 9,2% (175 dòng sản phẩm). So với tháng 3/2014, đã có thêm 43 dòng sản phẩm máy tính bảng hỗ trợ LTE mới được các nhà sản xuất tung ra thị trường.
Phân bổ hệ sinh thái của 1.889 dòng thiết bị đầu cuối hỗ trợ LTE
Băng tần 1800MHz vẫn tiếp tục được sử dụng phổ biến để triển khai mạng LTE trên toàn cầu với 43% các nhà khai thác đã triển khai LTE 1800MHz sử dụng chế độ đơn băng hoặc đa băng tần.
Ngoài ra, mặc dù hầu hết các dòng thiết bị đầu cuối đều hoạt động ở chế độ FDD, tuy nhiên, hiện nay loại thiết bị đầu cuối hoạt động ở chế độ TDD (TD-LTE) cũng đang được tăng cường sản xuất. Cụ thể, có 530 dòng thiết bị sử dụng chế độ TDD, nhiều hơn 330 dòng thiết bị so với một năm trước đó. Trong đó, với việc triển khai LTE theo chế độ TDD đã thúc đẩy một số lượng lớn các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối LTE TDD ở Trung Quốc để phục vụ cho thị trường rộng lớn này.
Hiện tại, trên toàn cầu đã có nhiều hơn 308 mạng LTE được thương mại hóa và GSA dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên ít nhất 350 mạng vào cuối năm 2014.
(Nguồn GSA)