Đột phá đào tạo nhân lực số trong kỷ nguyên số
Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tại trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICTU) đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy mang lại hiệu quả cao đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường lao động IT hiện nay.
Theo số liệu thống kê dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của TopDev nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam tăng cao liên tục. Dự báo từ năm 2022 – 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 – 195.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm. Trong khi đó, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam trở nên sôi động nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang thu hút các công ty IT lớn trên thế giới và trong khu vực đầu tư, nên các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư chất lượng cao phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh. Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại.
ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay ICTU đã và đang tăng cường hoạt động hợp tác với các đơn vị đào tạo lớn về công nghệ thông tin tại khu vực và trên thế giới như: Trường Đại học Bang Oklahoma (OSU) (Mỹ); Đại học quốc gia KyungPook (Hàn Quốc); Đại học Feng Chia (Đài Loan); Học viện thiết kế (YDC), (Nhật Bản); Đại học Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc gia IrKutsk (INRTU), (Liên bang Nga); Đại học Mở Hồng Kông, trường Đại học Phùng Giáp (Đài Loan) luôn được chú trọng đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.
Được biết từ năm học 2024 – 2025 Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ICTU) xây dựng hệ sinh thái giáo dục số LMS/LCMS với mô hình đào tạo theo chuẩn CDIO, hướng tới sự khác biệt và chất lượng cao trong giáo dục. Mô hình này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận các phương pháp học tập tiên tiến mà còn nâng cao hiệu quả học tập so với các mô hình truyền thống.
Một trong những lợi ích nổi bật của mô hình này là khả năng áp dụng kiến thức thực tiễn. Mô hình CDIO chú trọng vào việc kết nối lý thuyết với thực hành, giúp sinh viên không chỉ hiểu rõ kiến thức mà còn có khả năng ứng dụng chúng vào các tình huống thực tế. Điều này tạo ra một thế hệ sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn có kỹ năng giải quyết vấn đề, sẵn sàng đối mặt với thách thức trong công việc tương lai.
Ngoài ra, mô hình đào tạo mới còn góp phần phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Việc áp dụng các bài tập và dự án thực tế giúp sinh viên tiếp cận kiến thức chuyên môn và rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp và quản lý thời gian. Những kỹ năng này ngày càng trở nên quan trọng trong thị trường lao động hiện đại khi khả năng hợp tác và thích ứng của con người ngày càng được đánh giá cao.
Hệ sinh thái giáo dục số LMS/LCMS cũng tạo ra động lực học tập cao cho sinh viên. Việc chia nhỏ mục tiêu học tập và cho phép sinh viên thực hiện các bài trắc nghiệm nhiều lần không chỉ giúp họ có cảm giác thành công liên tục mà còn khuyến khích sự hứng thú và cam kết với quá trình học tập. Khi sinh viên cảm thấy tiến bộ, họ sẽ có xu hướng nỗ lực nhiều hơn để đạt được các mục tiêu học tập.
Thêm vào đó, một điểm nổi bật của mô hình này là sự cá nhân hóa trong trải nghiệm học tập. Giảng viên sẽ theo dõi tiến trình học tập của từng sinh viên, từ đó cung cấp sự hỗ trợ cụ thể và kịp thời. Sự quan tâm, chú ý của giảng viên tới từng cá nhân vừa góp phần giúp sinh viên tiến bộ nhanh hơn, vừa tạo ra môi trường học tập thân thiện bởi mỗi cá nhân đều được tôn trọng và phát triển theo cách riêng của mình.
Mô hình này còn chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sinh viên trước khi họ bước vào thị trường lao động. Với việc tích hợp các yêu cầu thực tế vào chương trình giảng dạy, sinh viên tốt nghiệp từ ICTU sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ thông tin đầy cạnh tranh. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sinh viên trên thị trường lao động mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Các yếu tố khác biệt của hệ sinh thái giáo dục số
Trong hệ sinh thái giáo dục số LMS/LCMS, mô hình đào tạo CDIO thể hiện đặc điểm nổi bật về việc chia nhỏ mục tiêu học tập. Mỗi tín chỉ sẽ bao gồm 3 chủ đề và tương đương một học phần 3 tín chỉ sẽ có 9 chủ đề và học phần 4 tín chỉ sẽ có 12 chủ đề học tập với từng mục tiêu rõ ràng có sự gắn kết logic với nhau qua cây chuẩn đầu ra học phần (CLEO). Việc xác định các mục tiêu nhỏ một cách rõ ràng giúp sinh viên dễ dàng hoàn thành ngay trong quá trình học. Điều này không chỉ tạo ra sự tập trung mà còn tăng cường khả năng ghi nhớ và ứng dụng kiến thức ngay sau buổi học. Bên cạnh đó, việc bổ sung kiến thức tức thì thông qua các bài trắc nghiệm không giới hạn số lần làm trong một tuần là phương pháp hiệu quả, góp phần khuyến khích sinh viên tự học, chủ động nghiên cứu để bù đắp những khoảng trống kiến thức.
Yếu tố khác biệt tiếp theo là sự cá nhân hóa tiến trình học tập. Giảng viên sẽ theo dõi sự tiến bộ của từng sinh viên qua các bài kiểm tra, từ đó phát hiện sớm những vấn đề cần cải thiện và đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Điều này giúp mỗi sinh viên có một lộ trình học tập phù hợp với khả năng, nhu cầu và mục tiêu riêng.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư của nhà trường
ICTU đã dành nhiều năm để chuẩn bị và huy động nguồn lực khổng lồ nhằm xây dựng và ứng dụng hệ sinh thái giáo dục số LMS/LCMS. Triết lý giáo dục “Giáo dục toàn diện lấy người học làm trung tâm” là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đào tạo tại ICTU từ việc thiết kế chương trình học cho tới cách thức giảng dạy, tất cả đều hướng tới việc phát triển toàn diện kỹ năng và năng lực của sinh viên. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chất lượng và chương trình đào tạo tiên tiến, ICTU đang không ngừng nỗ lực để tạo ra môi trường học tập tối ưu cho sinh viên.
Một trong những điểm nổi bật trong sự chuẩn bị của ICTU chính là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất. Nhà trường đã hiện đại hóa các phòng học, nâng cấp hệ thống phần mềm phục vụ mô hình đào tạo mới góp phần tạo môi trường học tập tối ưu cho sinh viên. Điều này giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với các nguồn học liệu số, đảm bảo tiến trình học tập và nâng cao trải nghiệm học tập, góp phần mang lại hiệu quả học tập tối ưu nhất.
Song song đó, đội ngũ giảng viên ICTU không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm thực tế và cập nhật xu hướng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức tới sinh viên. Trên cơ sở đó, chất lượng chương trình đào được cải thiện, đổi mới và hứa hẹn sẽ tạo nên nguồn nhân lực số chất lượng cao tiệm cận nhu cầu từ thị trường thực tiễn.
Chất lượng nhân lực số không chỉ dừng lại ở kiến thức lý thuyết mà còn phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế và sự tiếp cận với các mô hình học tập tiên tiến. Với mô hình đào tạo mới, ICTU không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần tạo ra thế hệ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của kỷ nguyên số. Chúng ta có quyền kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam nơi kiến thức và kỹ năng được phát triển đồng bộ, tạo nên những giá trị bền vững cho xã hội.