Diễn đàn

eSports Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới

Ngọc Diệp 14/11/2024 09:21

FPT Techday 2024 đã mang đến những thông tin chuyên sâu và trải nghiệm độc lạ của bộ môn thể thao điện tử thông qua hai tọa đàm với chủ đề “eSports Việt đang ở đâu trên bản đồ thế giới?” và “Tuyển thủ eSports - "Hạt giống" cho giấc mộng tỷ đô” và các trận đấu kịch tính, gay cấn, đầy tính chiến thuật của hai đội tuyển lừng danh Team GAM và Team Flash.

daa_7175.jpg
Sự kiện FPT Techday 2024 thu hút hàng nghìn người tham dự, trong đó có rất nhiều người quan tâm đến thể thao điện tử.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về thể thao điện tử

Hai phiên tọa đàm mang đến góc nhìn đa chiều từ các diễn giả là lãnh đạo doanh nghiệp (DN), các game thủ chuyên nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục về về thể thao điện tử (eSports).

Theo ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng eSports Việt Nam phát triển nhanh chóng và để lại nhiều dấu ấn to lớn trên trường quốc tế. Về cơ bản, eSports Việt hiện tại đã bắt nhịp nhanh và đồng bộ với dòng chảy thế giới, đứng trước nhiều ngưỡng cửa và cơ hội bứt phá.

"Ba kỳ SEAGAMES có đội tuyển Việt Nam góp mặt là minh chứng rõ rệt nhất. Cùng với đó là sự ủng hộ của các tổ chức chính phủ, DN và những đơn vị liên quan, đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực này", ông Đỗ Việt Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trần Sơn, Trưởng phòng phát triển Thể thao điện tử VNG Games, cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn về eSports ở 2 mảng: Tổ chức và thi đấu.

Về công tác tổ chức, các đơn vị trong nước đã làm tốt trong việc học hỏi, áp dụng vào mô hình thực tiễn. Việt Nam cũng là điểm tổ chức của nhiều sự kiện thể thao điện tử vươn tầm quốc gia và khu vực, thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự. Đơn cử như Ngày hội Game Việt Nam - Vietnam Gameverse, SEAGAMES 31, Giải vô địch Mobile Legends: Bang Bang Việt Nam và Mekong..

Về thi đấu, các vận động viên eSports Việt Nam có nhiều tiềm năng để cạnh tranh ở môn thể thao đòi hỏi nhiều trí tuệ, chất xám này. Theo ông, chúng ta có ít khả năng năng cạnh tranh thể thao truyền thống, nhưng đối với các môn thể thao thi đấu trí tuệ, chúng ta chưa bao giờ thua kém.

Ông Sơn tin tưởng, thành tích của eSports Việt Nam hoàn toàn có thể được cải thiện, nâng cao trong tương lai.

ti107028-1-.jpg
Các diễn giả trao đổi thông tin về eSport Việt Nam.

Trong những năm gần đây, eSports ngày càng thu hút sự chú ý và đầu tư mạnh mẽ từ các DN lớn trong nước. Tuy nhiên, mức độ quan tâm và sự đầu tư vào các cá nhân theo đuổi sự nghiệp tuyển thủ eSports hiện vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Theo đó, DN ngày càng chứng minh vai trò quan trọng, giúp tạo ra môi trường hỗ trợ, phát triển cho các tuyển thủ eSports.

Chia sẻ trong phiên tọa đàm, ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom, nhấn mạnh thể thao điện tử đang trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại được. FPT mong muốn đồng hành cùng các đối tác tổ chức những giải đấu thể thao điện tử đỉnh cao, tạo sân chơi cho các tuyển thủ eSports của Việt Nam.

Với cương vị là nhà phát hành, lãnh đạo VNG Games thể hiện đam mê và niềm tin tưởng thể thao điện tử Việt Nam sẽ phát triển trong thời gian tới. Đơn vị cũng thể hiện kỳ vọng đóng góp một phần trong hệ sinh thái này, tìm kiếm các nhà đầu tư của nước ngoài, trở thành nước chủ nhà trong các giải đấu. Sự ủng hộ của các nhà đầu tư, người hâm mộ cũng góp phần hình thành bàn đạp đưa Esports Việt Nam vươn xa hơn

Cần nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy eSports Việt Nam

Trưởng phòng phát triển Thể thao điện tử VNG Games đánh giá cao tiềm năng của những tựa game Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, để tạo tên tuổi cho các tựa game chúng ta có thể bắt đầu từ những tựa game nhẹ nhàng, mang tính giải trí. Còn cơ hội để ta có thể làm tựa game toàn cầu khá khó, cần đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan.

"Thể thao điện tử có khả năng lan tỏa rất mạnh, tuy nhiên về cơ bản muốn lấy một tựa game phát hành tại Việt Nam cần đầu tư nền tảng hạ tầng. Câu chuyện này mang yếu tố vĩ mô, cần đánh giá về khả năng thương mại hóa để đưa ra đánh giá hợp lý", ông Sơn nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Việt Hùng cho rằng, để eSports Việt Nam vươn tầm quốc tế, cần có chân đế đủ rộng. "Phải đi thi đấu đỉnh cao nhiều thì mới có thể vươn tầm thế giới", ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoại trừ đầu tư hạ tầng, cần có nguồn nhân lực chất lượng. Theo đó, cần cho các tuyển thủ trong nước nhiều cơ hội cọ sát. Để làm được điều này, cần có thêm các giải đấu chất lượng. Điều này lại quay lại câu chuyện làm sao ở Việt Nam có hạ tầng, những điểm thi đấu đạt chuẩn quốc tế tương tự như Hàn, Trung, Nhật để thu hút các mời được vận động viên quốc tế thi đấu, tăng cơ hội cọ sát cho game thủ nước nhà.

Trong khi đó, ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom, nhấn mạnh đến việc cần có sự đồng bộ từ hạ tầng của DN, tổ chức đào tạo cho đến các đội thi đấu… để thúc đẩy eSports Việt Nam.

Khán giả trẻ dậy sóng với eSports tại FPT Techday 2024

Cũng tại sự kiện, giới trẻ yêu thích công nghệ đã được trực tiếp hòa mình không khí của các trận thi đấu đỉnh cao giữa hai đội tuyển lừng danh của “làng game”, Team Flash và GAM Esports. Với 11 chức vô địch VCS, GAM eSports không chỉ để lại dấu ấn với các giải đấu trong khu vực mà còn trở thành cái tên "đáng gờm" ở Chung kết thế giới Liên minh huyền thoại 2024.

Đối đầu với họ là Team Flash, đội tuyển Liên quân Mobile sở hữu đến 5 lần vô địch tại giải Đấu trường Danh vọng. Tuy chỉ là màn đấu giao hữu song fan của hai đội đều rất mong chờ được xem những màn "combat" kịch tính.

Tại đây, cộng đồng game thủ và các bạn trẻ yêu công nghệ được gặp gỡ các nhà quản lý, lãnh đạo các DN, các chuyên gia hàng đầu về game và đại diện các trường đại học để tìm hiểu về tương lai của ngành thể thao điện tử và cơ hội phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này. Đội trưởng của GAM Esports - Levi, CEO của GAM Esports - TK Nguyễn và Huấn luyện viên của Team Flash - Stark cũng sẽ trực tiếp tham gia buổi tọa đàm và giao lưu với khách tham dự.

Với chiến thuật “dị”, khả năng làm việc nhóm (teamwork) cùng lối đánh rực lửa, đội “áo vàng đen” - GAM Esports đã không “hổ danh” khi là đại diện của Việt Nam tham dự nhiều kỳ MSI và Chung kết thế giới. Người hâm mộ không ít lần phải bất ngờ khi GAM Esports liên tục vô địch ở nhiều giải đấu trong nước và quốc tế như: VCS A mùa Hè 2015, 2019; GPL mùa Xuân 2017...

“Người tám lạng, kẻ nửa cân”, Team Flash cũng sở hữu nhiều thành tích đáng gờm khi thành công chinh phục ngôi vị cao nhất tại các giải đấu VCS mùa xuân 2020, VCS mùa Hè 2020...

Một điều rất thú vị của trận showmatch ngày hôm nay đó là các thành viên của hai đội Team Flash và GAM Esports không cùng sát cánh với những người đồng đội quen thuộc của mình, mà thay vào đó đội hình thi đấu sẽ do chính khán giả đã bình chọn trên các trang mạng xã hội.

Với hơn 1.309 lượt bình chọn từ trên nền tảng mạng xã hội cũng như trên ứng dụng FPT Play, các thành viên của Team Flash và GAM Esports được xáo trộn và chia làm hai đội Future và Star.

Future team gồm các thành viên Kiaya, Darktharr, Playcool, Puddin, Elio. Star team gồm các thành viên Yoshino, Emo, Soaraaa, Levi, Easylove.

Trận đấu đã diễn ra trong hơn 20 phút. Trong 5 phút đầu tiên, Star team bứt phá dẫn trước và chiếm thế chủ động trong suốt 10 phút thi đấu tiếp theo. Bất ngờ diễn ra ở phút thứ 15, đội Future lật ngược tình thế vượt lên dành chiến thắng chung cuộc./.

Bài liên quan
  • FPT ra mắt nhà máy AI tại Nhật Bản
    Ngày 13/11, FPT đã chính thức ra mắt nhà máy AI (AI Factory) tại Nhật Bản nhằm cung cấp các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Nhà máy AI của FPT góp phần phát triển AI có chủ quyền cho Nhật Bản.‏
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
eSports Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO