Kinh tế

FDI xanh và câu chuyện phát triển bền vững

Hồng Nhung 30/11/2024 11:07

Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã và đang có nhiều dự án phát triển công nghệ xanh, công nghệ sạch của tương lai. Đây cũng chính là định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cơ hội khi nhận các dự án đầu tư FDI xanh

Hiện nay, FDI cùng với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường (FDI xanh) đang là một xu hướng đầu tư tất yếu. Các quốc gia nhận đầu tư đang ngày càng chú trọng đến việc tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường. Khi một nước nhận được các dự án đầu tư FDI xanh sẽ có nhiều cơ hội đón nhận các công nghệ xử lý, thân thiện với môi trường hiện đại, vừa tăng được các lợi ích về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

FDI xanh có tác động tích cực tới môi trường thông qua việc ra đời những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguyên liệu, hoặc nguồn năng lượng truyền thống và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh nghiệm tốt về bảo vệ môi trường.

Sự có mặt của các công ty đa quốc gia cũng có tác động lan tỏa đối với các công ty trong nước thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và những yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Nhìn chung, FDI sẽ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Những lợi ích kinh tế này sẽ được sử dụng một phần giúp giải quyết các vấn đề về môi trường theo các phương cách khác nhau.

anh-kem-bai-ttcs-39.jpg
Nhà máy Lego tại Việt Nam là nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn Lego.

Kể từ khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, tạo ra một làn sóng đầu tư mới thay đổi diện mạo nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao việc Việt Nam khẳng định và hoà nhập với xu hướng phát triển xanh của thế giới bằng cam kết mạnh mẽ và khẩn trương triển khai thực hiện các quy định của COP 26.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, với phương pháp quản lý hiện đại và đóng góp tích cực vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Chính vì vậy những năm gần đây dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Một số dự án điển hình như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương, Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận, Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh…

Tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án FDI ở Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng. Mặt khác, chất lượng vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, các dự án đầu tư chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án trung bình và nhỏ.

Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất sử dụng trong doanh nghiệp FDI không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các giải pháp đồng bộ thu hút dòng vốn FDI Xanh

Muốn đón được các dự án FDI xanh, cần phải có sẵn hạ tầng sạch để nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Hiện cả nước có 425 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với quỹ đất công nghiệp hơn 89 nghìn ha, trong đó có 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Thực tế cho thấy vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký thêm của cả nước. Nếu tính riêng vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì con số này là 70-80%. Điều đó cho thấy khu công nghiệp và khu kinh tế đã thật sự trở thành các khu vực trọng điểm là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế.

Việt Nam đã và đang thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Các khu công nghiệp sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi khu công nghiệp của cả nước theo tiêu chuẩn mới góp phần thu hút hiệu quả FDI xanh và truyền tải thông điệp quan trọng đến các nhà đầu tư quốc tế, nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường thu hút đầu tư xanh, sạch, sinh thái và bền vững.

Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các khu công nghiệp sinh thái, có chính sách hỗ trợ về thuế, về tài chính, đất đai… trong quá trình chuyển đổi; Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan thu hút FDI xanh, đặc biệt là về nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ và môi trường; Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI trên nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; Không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Bên cạnh đó phải tiến hành rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Việc sàng lọc các dự án FDI là cần thiết cùng với việc nhà nước xây dựng và ban hành các tiêu chí đầu tư để làm cơ sở thu hút các dự án có hiệu quả; Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án FDI xanh cần phải chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề phù hợp qua việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục; Tập trung đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học...; Tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI trong đó chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh, các tiêu chí FDI xanh trên thế giới, kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh và kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường từ các dự án FDI đã được cam kết xanh…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
FDI xanh và câu chuyện phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO