Trước sự lan rộng của Covid-19 tại Cần Thơ, 5 bệnh viện dã chiến đã được thành lập trên địa bàn thành phố, với quy mô tổng 2.300 gường bệnh. Hai bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 chủ yếu tiếp nhận, phân loại, cấp cứu và điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19. Ba bệnh viện dã chiến số 4, số 5 và số 6 tập trung điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Cần Thơ.
Ngay khi nhận thông tin, FPT đã lập tức tiến hành khảo sát và chạy đua với thời gian để gấp rút hoàn thiện việc nâng cấp hạ tầng CNTT tại 5 bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ.
Các thiết bị, giải pháp CNTT thiết yếu giúp theo dõi tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, phục vụ hội chẩn, họp trực tuyến của các y bác sĩ, giúp giảm thiểu áp lực của các chiến sỹ áo trắng tuyến đầu đã được trang bị tại từng bệnh viện, như Bộ thiết bị OnMeeting hỗ trợ họp trực tuyến, đường truyền Internet, thiết bị Access Point phát Wi-Fi và dàn máy tính, máy in, camera giám sát. Quá trình triển khai được thực hiện nhanh chóng, theo nguyên tắc phòng dịch để đưa vào hoạt động kịp thời, đảm bảo an toàn cho mọi người và vận hành hiệu quả của bệnh viện dã chiến.
Trong quá trình thực hiện, FPT đặt ra mục tiêu quan trọng nhất là hoàn tất việc lắp đặt nhanh nhất có thể, đồng thời đảm bảo chất lượng sau khi bàn giao cho bệnh viện sử dụng. Thời gian hoàn thiện hạ tầng là một thử thách đối với các chuyên gia, kỹ thuật viên của FPT, trung bình 2-3 ngày tại mỗi bệnh viện.
Kết quả hoàn thiện triển khai tại 5 bệnh viện trong tổng 15 ngày là nỗ lực hết mình của đội ngũ kỹ thuật viên làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya, có những ngày công việc kéo dài tới 0h sáng, huy động nhân sự tối ưu để hoàn thành nhiệm vụ giúp bệnh viện sớm được đưa vào hoạt động.
Giữ vững tinh thần chung tay góp sức phòng chống dịch cùng cả nước, từ đầu tháng 7, trong làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, FPT cũng đã nhanh chóng hỗ trợ hạ tầng, thiết bị CNTT cấp thiết cho hàng loạt Bệnh viện dã chiến ở TP HCM và Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ cho hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày của các y bác sĩ tuyến đầu./.