Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP

Xuân Tuấn| 06/04/2018 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Tác động kép của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn đối với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động là cần thiết và là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Chiều 5/4, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với nhãn hiệu CLS - Cloud Learning System (Hương Việt Group) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP”.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế, đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao… Trước những thời cơ và vận hội đang mở ra, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.

Hội thảo được tổ chức góp phần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề nhân sự, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI có được đội ngũ nhân sự tốt để phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị mình; đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định CPTTP đã được ký kết. Đồng thời, bàn luận giải pháp, giới thiệu các mô hình tiên tiến ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động đào tạo nhân sự nội bộ của doanh nghiệp.

Khách mời tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Việt Nam đã có mức tăng trưởng 6,81% trong năm qua. Thủ tướng đã tuyên bố mặc dù Quốc hội kỳ vọng năm 2018 con số tăng trưởng là từ 6,5 - 6,7% nhưng sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng tối thiểu 6,7%". Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mức 6,7% là không hề đơn giản. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những cải cách thể chế mà đặc biệt là những cải cách hành chính như cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp chính là những động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng”.

Theo Chủ tịch VCCI, tăng trưởng không phải vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng tăng trưởng mới là điều quan trọng. Những tiếng chuông cảnh báo chất lượng tăng trưởng luôn dồn dập tạo áp lực cho Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Theo báo cáo PCI của VCCI với sự tham gia của cơ quan phát triển Hoa kỳ, trình độ quản trị doanh nghiệp Việt thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Số liệu điều tra của Viện Khoa học lao động xã hội cho thấy có tới 2/3 số doanh nghiệp cho biết phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng về chuyên môn và kỹ năng nòng cốt khác. Cũng theo báo cáo của PCI, 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của công ty. Cuộc tìm kiếm lại càng khá nhọc nhằn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP, phải nói tới thêm cả là sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển nói chung. Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo.

Chủ tịch VCCI nêu quan điểm: Cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay. Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.

“Doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp vừa tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở vừa tham gia giảng dạy. Doanh nghiệp cũng là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo, đồng thời cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo. Chưa hết, doanh nghiệp còn là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.

Cũng tại Hội thảo, theo TS. Trần Mạnh Đức, Vụ Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung cầu lao động khi có sự xuất hiện của các robot. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0.

TS. Trần Mạnh Đức phát biểu tại Hội thảo.

Theo nhiều dự đoán, trong tương lai, số lao động của Việt Nam sẽ giảm một nửa so với hiện nay. Trong đó, nhiều ngành nghề biến mất nhưng sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Do vậy, nguồn nhân lựccần được đào tạo lại để phù hợp với bối cảnh và nhu cầu mới.

Cũng theo ông Đức, cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là cạnh tranh nguồn nhân lực. Nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt sẽ hụt hơi và không qua được cái bẫy thu nhập trung bình. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như cân đối lao động. “Vì vậy, trong bối cảnh đó, Việt Nam cần đổi mới chất lượng nguồn lao động. Sự thay đổi này cũng được bổ sung tại Dự thảo Luật giáo dục Đại học” - ông Đức nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO