Hiện trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tại Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô đô thị. Đi cùng với đó là sự phát triển của đô thị thông minh (ĐTTM).
Tại hội thảo "Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 mới đây, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: "Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Cùng với quá trình đô thị hóa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, ĐTTM, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ... Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, ĐTTM phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát".
Nhìn chung, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, "việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Quá trình xây dựng ĐTTM mới trong giai đoạn đầu, chưa có chiến lược phát triển, số lượng các đô thị mới xây dựng theo mô hình ĐTTM còn hạn chế".
Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển DTTM. Về triển khai các dịch vụ ĐTTM, có khoảng gần 40 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh v.v...; nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm từ 50-90%".
Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một số khó khăn trong triển khai ĐTTM tại Việt Nam
Phát triển khoa học công nghệ, phát triển đô thị xanh theo hướng thông minh và bền vững được xác định là một trong những định hướng và mục tiêu chủ yếu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 –-2030. Trong thời gian qua, hệ thống đô thị Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Theo bà Lương Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều thách thức như tỷ lệ đô thị hóa và năng lực cạnh tranh của các đô thị còn hạn chế so với các nước trong khu vực; Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao; Mô hình tăng trưởng kinh tế chưa đa dạng, còn phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng công nghệ khai thác tài nguyên tiêu hao năng lượng, phát sinh lớn rác thải gây ô nhiễm và gia tăng rác thải khí nhà kính; Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa.
Thêm vào đó các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn nước dẫn đến lộ trình phát triển đô thị xanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều khó khăn và thách thức.
Ngoài ra, phát triển đô thị xanh và bền vững luôn đòi hỏi nguồn đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách địa phương hạn hẹp, nhiều mục tiêu ưu tiên đầu tư và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế ngày một giảm dần cũng là một thách thức lớn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đang trong quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nên việc cập nhật và bổ sung các quy định làm căn cứ cho việc triển khai đầu tư đô thị theo hướng xanh và bền vững còn chưa đồng bộ. Hệ thống trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho công tác quy hoạch, xây dựng và các tiêu chí đánh giá công nhận một dự án xanh, ĐTTM còn chưa rõ ràng.
Hơn nữa, năng lượng phát triển công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, công nghệ sản xuất cũ, năng xuất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, trình độ sử dụng công nghệ còn thấp, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Cùng với đó, bà Hạnh cũng đưa ra một số giải pháp cần thực hiện để phát triển đô thị xanh và bền vững, hướng tới ĐTTM như: Công tác quy hoạch phải đảm bảo tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững, đạt được các tiêu chí và hiệu quả về kinh tế, môi trường sinh thái, đảm bảo chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, tránh được các chi phí và rủi ro trong tương lai.
Trong cơ cấu kinh tế đô thị, tăng dần, tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống.
Về tài chính cần phân định rõ nguồn vốn trung ương và địa phương cũng như đa dạng hóa các hình thức huy động tài chính; Triển khai thực hiện trên cơ sở kế hoạch điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể; Tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên đồng thời học hỏi các mô hình đô thị đã thành công của các nước để xây dựng các mô hình mẫu phù hợp với điều kiện, đặc thù của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo địa phương, khu vực doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh vai trò tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát triển đô thị; Hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan./.