Giải pháp rút ngắn lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam

Tuấn Trần| 29/04/2021 17:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất toàn cầu đang chạy đua để hòa mình vào làn sóng chuyển đổi số (CĐS), nhằm phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tại Việt Nam, nhiều nhà máy vẫn đang đi tìm câu trả lời cho việc chuyển mình, hướng tới nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Đại diện các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước như Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) cùng HPE, Siemens và Aruba đã cùng thảo luận về xu hướng CĐS cho nhà máy thông minh tại hội thảo trực tuyến "Smart Manufacturing - Lộ trình CĐS cho DN sản xuất".

Xu hướng chuyển mình sang "nhà máy thông minh"

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc giải pháp nhà máy thông minh, Khối giải pháp SMB, CMC TS, cho biết hiện nay các DN sản xuất đối mặt với nhiều thách thức khách quan và chủ quan. Khách quan như dịch bệnh, áp lực cạnh tranh từ đối thủ nước ngoài, dịch bệnh làm đình trệ chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa leo thang. Thách thức chủ quan là năng suất sản xuất thấp. Vì lẽ đó các DN sản xuất trăn trở làm sao giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.

Trên thế giới, công nghệ được ứng dụng mạnh nhất để CĐS nhà máy sản xuất là quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) chiếm 40%, MES/SCADA cung cấp dữ liệu được ứng dụng nhiều thứ hai… Ngoài ra, có các hệ thống như: giám sát từ xa, robotics, phân tích số liệu, in 3D…

Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ diễn ra ở nhiều cấp độ. Đa phần DN có bước đi ban đầu ở mảng thu thập số liệu để có bức tranh trực quan về hoạt động sản xuất, hệ thống giám sát hiện trường giúp giám sát từ xa,... Tuy nhiên, máy móc sản xuất tự động hóa chưa được kết nối lên hệ thống quản lý thông tin nên vẫn tồn tại thao tác thủ công, chưa đem lại hiệu quả tối ưu cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Là đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp CĐS cho DN tại Việt Nam, CMC TS có khả năng cung cấp sản phẩm, giải pháp CĐS từ hệ thống… "Chúng tôi là đơn vị có phòng lab, sản xuất hệ thống IoT, quản lý máy móc, cung cấp giải pháp liên quan đến AI, cung cấp thiết bị công nghiệp, dây chuyền tự động hoá… Ngoài ra, CMC TS cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ như: trung tâm số liệu, chuyển đổi lên điện toán đám mây, phát triển website thương mại điện tử (TMĐT)", ông Lê Đức Anh chia sẻ.

Ông Lê Đức Anh cũng đưa ra cách giải bài toán cho các DN sản xuất như: ứng dụng thu thập số liệu, kết nối tự động hoá, hệ sinh thái IoT. Hệ sinh thái giúp kết nối chuỗi sản xuất từ nguyên vật liệu, nhà cung cấp, nhà máy, khách hàng… và cho phép trả lời các câu hỏi: Thời gian, kịch bản ra mắt sản phẩm, kịch bản tích hợp theo chiều dọc từ lộ trình sản xuất, ban điều hành, kết nối tương tác máy móc với hệ thống cung ứng, TMĐT. Từ đó, thúc đẩy hệ thống sản xuất kết nối với đối tác, đảm bảo cung ứng thông suốt.

"Nhà máy thông minh là nhà máy ứng dụng, tận dụng tối đa công nghệ để tạo đột biến về năng suất, chất lượng, đảm bảo tối đa lợi ích cho khách hàng", ông Lê Đức Anh nhấn mạnh.

Thời điểm phù hợp nhất để phát triển nhà máy thông minh với đám mây và AI

Từ câu chuyện xu hướng chuyển đổi số nhà máy sản xuất của đại diện CMC TS, đại diện HPE, Siemens và Aruba tiếp tục thảo luận về các chủ đề: mô hình nhà máy thông minh áp dụng nền tảng IIoT; chuyển đổi sản xuất thông minh với trí tuệ nhân tạo (AI); hạ tầng kết nối ứng dụng AI trong môi trường IoT và bảo mật dữ liệu.

Rút ngắn lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Bằng Tạ - Giám đốc Kinh doanh Siemens tại thị trường Việt Nam phân tích về mô hình nhà máy thông minh áp dụng nền tảng IIoT.

Ông Bằng Tạ - Giám đốc Kinh doanh Siemens tại thị trường Việt Nam đã đưa ra mô hình nhà máy thông minh mà DN này xây dựng cho khách hàng. Là DN đứng đầu mảng phần mềm, đầu tư 5 - 6 tỷ USD cho R&D, Siemens đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào CĐS mô hình sản xuất truyền thống. DN này định nghĩa nhà máy thông minh cần sử dụng CNTT để phục vụ cho vận hành, xây dựng và kết nối các phòng ban trong hệ thống. Trong đó, thông tin là quan trọng nhất.

"Hiện nay, chúng ta ở thời điểm phù hợp để phát triển nhà máy thông minh với AI và điện toán đám mây. Chúng ta có nhiều thuận lợi để xây dựng nhà máy thông minh nhưng cần lộ trình, chiến lược và con người hiểu biết để xây dựng được", ông Bằng Tạ cho biết.

Theo đại diện Siemens, khi triển khai nhà máy thông minh có thể gặp nhiều rào cản: biến đổi thông tin thô thành thông tin có giá trị sử dụng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, tận dụng lại toàn bộ hệ thống hiện có và xây dựng mô hình chuẩn.

Để giải quyết bài toán thông tin cho khách hàng, Siemens cung cấp bản sao số. Giải pháp này như bộ não của hệ thống tham gia vào khâu lên ý tưởng, thiết kế phát triển sản phẩm để tưởng tượng ra quá trình sản xuất, quá trình sử dụng.

Trong khi đó, ông Tariq Shallwani – Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HPE cho rằng sản xuất thông minh bắt đầu từ xu hướng lớn như: AI; sản xuất bền vững (giúp giảm khí thải, giảm chỉ số carbon); siêu kết nối (dữ liệu liên tục chảy); an ninh công nghiệp (các thuật toán truyền thống được kết nối lại, bảo mật là giá trị của DN)…

Thách thức lớn nhất trong CĐS nhà máy sản xuất là khả năng kết nối và tuân thủ. Một mặt, kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng có nghĩa là thiết kế và mô phỏng kỹ thuật số là những khía cạnh quan trọng để cải thiện sản phẩm và dịch vụ. Cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt - với việc các công ty đổ xô đến nơi có lợi nhuận - được định hướng bởi phương tiện truyền thông xã hội, thói quen mua hàng của người tiêu dùng và các chỉ số kinh tế sẵn có.

Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuần trước, các nhà máy sản xuất ô tô ở Anh đã phải đóng cửa vì thiếu chất bán dẫn. Xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng là một thách thức trong toàn ngành, và khả năng kết nối tốt hơn của các hệ thống ERP và MES giữa các DN là cách tốt nhất để giải quyết nó.

Ngoài ra, các quy định cho ngành sản xuất toàn cầu này sẽ còn tiếp tục khắt khe hơn, do đó, DN cần tăng cường khả năng kiểm soát tuân thủ chặt chẽ và hợp lý đối với các hoạt động sản xuất.

Ông Tariq Shallwani - diễn giả HPE chia sẻ: "Theo kinh nghiệm đã làm với khách hàng chúng tôi thấy, ai cũng nói nhưng việc ứng dụng AI không dễ dàng. Ai cũng nhìn thấy giá trị nhưng đưa vào sản xuất khó vì điều phối AI là một nhiệm vụ triển khai phức tạp, đòi hỏi các công cụ để quản lý và triển khai các mô hình AI và máy học cũng như các đường ống dữ liệu cung cấp các mô hình đó. Việt Nam đang có lực lượng công nghệ trẻ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, số hóa ngay từ đầu. Hiện nay, hầu hết các DN số hóa nhanh chóng sau dịch bệnh, đây là thị trường tiềm năng nhưng mỗi DN có mức độ CĐS khác nhau và nhu cầu khác nhau".

Rút ngắn lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Tariq Shallwani - Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HPE.

Cần đảm bảo an toàn trong quá trình CĐS

Ông Nguyễn Thái Vinh, kỹ sư tư vấn giải pháp của Aruba cho biết khi áp dụng nhiều công nghệ vào sản xuất nhà máy thì nhiều hệ thống kết nối vào hệ thống mạng. Các thiết bị thường không có cơ chế bảo mật mà định kỳ sẽ cập nhật bản bảo mật mới. Điều này gây mất an ninh cho hệ thống, bất cứ lúc nào hệ thống có thể thỏa hiệp, tác động đến quy trình sản xuất đang hoạt động liên tục. Aruba có các giải pháp, công nghệ kết nối không dây để kết hối thiết bị IoT vào hạ tầng nhà máy. Ngoài ra, Aruba có hệ thống kết nối có dây, mạng WAN để phục vụ nhu cầu cho từng nhóm khách hàng.

Giải pháp của Aruba kết nối hợp nhất các thành phần trong hệ thống thay vì quản trị rời rạc trên nhiều nền tảng khác nhau. Trên một nền tảng quản trị duy nhất có thể xem về người dùng, cảnh báo sự cố, đề xuất để xử lý sự cố phát sinh. Ngoài ra, có các chính sách bảo mật để đảm bảo an toàn cho các chủng loại thiết bị kết nối trong nhà máy. Ứng dụng AI vào công tác vận hành để hiểu hành vi của khách hàng, đề xuất được cấu hình tốt nhất cho từng khối khách hàng. Từ đó, phát hiện ra sự cố tiềm tàng và tìm ra hướng xử lý.

Đại diện Aruba khẳng định CĐS chính là chìa khóa mở đầu cho quá trình chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh với sản xuất tự động hóa và đảm bảo an ninh thông tin.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp rút ngắn lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO