Tiềm năng IoT (Internet vạn vật) triển khai trong thực tế là rất lớn (hàng tỷ thiết bị), nhưng sẽ không ai sử dụng và kết nối nếu họ không được đảm bảo an ninh. Không giống như cuộc cách mạng điện thoại thông minh, thiết bị IoT sẽ có giá thành tương đối rẻ, chúng sẽ được sản xuất và bán đại trà, do đó các đặc tính bảo mật quan trọng có thể dễ dàng bị cắt bớt và bỏ qua. Không chỉ có vậy, cấu hình mạng và cơ chế triển khai cũng làm phát sinh nguy cơ bị tấn công mạng.
Đề xuất mới của IEEE, được công bố trong "Kỷ yếu của IEEE", đưa ra mô hình kết hợp thiết bị IoT thông minh với cổng (gateway) hệ thống điều khiển tương tác thời gian thực để đảm bảo vận hành an toàn. Cả thiết bị đầu cuối và gateway sẽ sử dụng kết hợp cả tính toán, mật mã, xử lý tín hiệu/ hình ảnh và khả năng giao tiếp cho mục đích xác thực và ủy quyền. Mô hình mới này sẽ an toàn hơn, có khả năng mở rộng cũng như linh hoạt hơn với hiệu suất thời gian so với các phương pháp truyền thống.
Chi tiêu về an ninh IoT so với số lượng thiết bị (nguồn Gartner /TTV)
Giám sát danh tính thời gian thực
Các thành viên IEEE và các giám đốc điều hành của Intel đã đưa ra đề xuất tăng cường mức độ an ninh ngoài việc xác thực ban đầu. Phương pháp giám sát danh tính tức thời này có thể giám sát các kết nối đối với các hành vi của thiết bị khách hàng nhất định hoặc thường xuyên yêu cầu thông tin xác thực bổ sung.
Hầu hết các điện thoại thông minh đều có con quay hồi chuyển, nhiệt kế, trắc quang, phong vũ biểu, từ kế và các cảm biến tăng tốc, trọng lực, vector quay, độ ẩm, định hướng, tiếp xúc, cử chỉ và thậm chí cả nhịp tim. Các thông tin này có thể được sử dụng để theo dõi sự thay đổi trong môi trường của người sử dụng. Bằng cách sử dụng kết hợp của các dữ liệu cảm biến từ khách hàng và hành vi đã biết, một cơ sở thông tin về người dùng được tạo ra. Bất kỳ sai lệch nào so với thông tin cơ sở này có thể khởi tạo một yêu cầu xác minh lại danh tính của người dùng, hoặc thậm chí là ngắt kết nối.
Ví dụ, nếu nhịp tim của người dùng đột nhiên tăng lên, có thể là người sử dụng gặp tình huống căng thẳng như một vụ cướp điện thoại, hay các cảm biến khoảng cách có thể cho biết liệu thiết bị đã bị tách ra khỏi người sử dụng và được sử dụng bởi một người khác.
Càng ngày các hệ thống điều khiển càng được kết nối mạng nhiều hơn, bởi vậy việc kiểm soát truy cập vào cổng hệ thống càng trở nên quan trọng. Một nghiên cứu năm 2013 của Trend Micro phát hiện ra rằng số lượng tấn công lớn nhất vào một hệ thống điều khiển "honeypot" được giám sát là kiểu "truy cập trái phép".
Hầu hết các vấn đề an ninh hiện nay xảy ra liên quan đến vấn đề xác thực và ủy quyền người dùng. Với sự gia tăng trong khả năng tính toán, lưu trữ và kết nối của các thiết bị IoT, những thách thức này có thể được giải quyết bằng cách kết hợp chức năng của các cổng hệ thống điều khiển với các thiết bị IoT của khách hàng. Khả năng bảo mật có thể được tăng cường hơn nữa bằng cách sử dụng giám sát danh tính thời gian thực.
Nếu IoT đóng một vai trò chính trong ngành công nghiệp Internet và công nghiệp 4.0, thì cần có một khung tiêu chuẩn an ninh tốt hơn trong tương lai.
Theo itu4u