Theo Ngô Minh Quân, Giám đốc chuyển đổi số Rikkeisoft, tự chủ công nghệ và niềm tin là hai thách thức lớn trong chuyển đổi số ở Việt Nam.
Ngô Minh Quân, sinh năm 1988, là một trong những lãnh đạo công nghệ trẻ nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số ở Việt Nam. Anh là thế hệ sinh viên "IT Việt - Nhật" đầu tiên trong chương trình giáo dục trao đổi du học sinh công nghệ giữa Việt Nam - Nhật Bản cách đây 12 năm. Quân cũng nằm trong nhóm kỹ sư đặt nền móng cho hệ thống Marketing SMS được dùng đến ngày nay. Sau đó anh chuyển sang lĩnh vực startup rồi tiếp tục du học tại Australia trước khi về Việt Nam tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số.
Ngã rẽ sang chuyển đổi số
Từng có thời gian học tập tại Nhật Bản, Australia và làm việc trong tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam lẫn công ty khởi nghiệp, Quân tin rằng trình độ của kỹ sư Việt Nam không thua kém bạn bè quốc tế. Khác biệt là những quốc gia phát triển có sẵn nền tảng để người trẻ có bước đệm tốt hơn. "Ở Việt Nam mọi thứ còn mới mẻ, nhưng sẽ có nhiều câu chuyện hay, nhiều cơ hội thú vị dù đãi ngộ về thu nhập, mức sống có thể không bằng ở lại Australia", anh chia sẻ.
Trước khi về Việt Nam, Quân dành thời gian đi khắp các nước trong khu vực, như Đài Loan, Singapore, Indonesia... Mỗi nơi anh ở lại vài tháng để xem các startup ở đây hoạt động thế nào. Năm 2016, Quân trở về Việt Nam, đứng trước lựa chọn khởi nghiệp hay tham gia vào một tập đoàn công nghệ để cống hiến. Cuối cùng, anh quyết định tham gia vào một lĩnh vực mới là xây dựng nền tảng giao thực phẩm sạch tại nhà.
Cơ duyên đưa Quân đến Rikkeisoft vào năm 2019 khi anh tham gia tư vấn cho một số dự án của công ty. "Khi đó Rikkeisoft được 7 năm tuổi, doanh thu năm sau luôn gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, công ty chỉ đơn thuần là một đơn vị gia công phần mềm. Đội ngũ sáng lập muốn phát triển thêm một bước nữa là làm về giải pháp tư vấn cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Sau nhiều lần trò chuyện, tìm thấy điểm chung về khát vọng tự chủ công nghệ, tôi quyết định gia nhập, đảm nhiệm vị trí Giám đốc chuyển đổi số", Quân kể.
"Xuất phát là kỹ sư công nghệ giỏi, có tư duy về kinh doanh và tài chính, Quân còn có sự quyết liệt và bền bỉ, rất phù hợp với vai trò CDO vì chuyển đổi số không phải bài toàn ngắn hạn mà là cả một quá trình dài kiên trì", ông Phan Thế Dũng, Tổng Giám đốc Rikkeisoft, chia sẻ. "Quân đồng hành cùng Rikkeisoft giải quyết bài toán chuyển đổi số cho những doanh nghiệp hàng đầu. Với những doanh nghiệp này, việc chuyển đổi không khác gì 'startup' lại mô hình kinh doanh, nhưng với quy mô và phạm vi rộng. Có thể nói, Quân là yếu tố cốt lõi giúp chúng tôi tự tin về năng lực chuyển đổi số cho khách hàng".
Trăn trở về chuyển đổi số của Việt Nam
Theo Ngô Minh Quân, Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số không chậm hơn nước ngoài. Việt Nam có lợi thế về cơ sở hạ tầng số như phổ cập cáp quang sớm, 5G đã được thử nghiệm vận hành và đi vào đời sống. "Trong cuộc chơi chuyển đổi số, chúng ta không hề tụt lại so với thế giới. Song song với làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra rầm rộ, điều quan trọng cần quan tâm là liệu Việt Nam có tự chủ được công nghệ, hay chỉ là thị trường cho nhà cung cấp giải pháp nước ngoài đến kiếm tiền rồi đi. Bài toán đặt ra với doanh nghiệp số của Việt Nam là phải có thế mạnh riêng để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp quốc tế", Quân nói.
Theo Giám đốc chuyển đổi số của Rikkeisoft, thế mạnh của những công ty cung cấp giải pháp trong nước là am hiểu thị trường, chi phí rẻ và các bộ công cụ linh hoạt.
Chuyển đổi số là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm và thúc đẩy, nhưng hành lang pháp lý vẫn đang phải cố gắng theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Ví dụ, một trong những vấn đề của chuyển đổi số là định danh điện tử, nhưng mới chỉ được nhắc đến từ năm ngoái, trong khi chuyển đổi số đã nhen nhóm từ nhiều năm trước. "Có nhiều rủi ro liên quan đến tính toán lộ trình nhưng pháp lý chưa có hướng dẫn rõ ràng, là những rủi ro doanh nghiệp làm chuyển đổi số phải đối mặt", giám đốc 8x chia sẻ.
Một đặc thù khác của Việt Nam là đa số các tổ chức tiến hành chuyển đổi số là doanh nghiệp lớn và startup. Trong khi đó, thành phần chiếm số đông trong nền kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình lại là nhóm cuối cùng thực hiện chuyển đổi số. Khi đó, mặt trái của chuyển đổi số là có thể làm phân hoá thêm khoảng cách công nghệ giữa đơn vị đã tiến hành chuyển đổi với những tổ chức kinh doanh truyền thống, mức độ đào thải trên thị trường càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Quân lấy ví dụ, khi giãn cách xã hội kéo dài, người lao động, doanh nghiệp phải chuyển hoạt động lên môi trường số. Các cửa hàng vật lý cũng dịch chuyển sang mô hình online. Doanh nghiệp đã chuyển đổi số ít bị ảnh hưởng hơn nhóm chưa chuyển đổi số. Đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và ăn uống, các doanh nghiệp có kênh bán hàng online tiếp tục tồn tại và phát triển bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa vì không chịu thay đổi hoặc thay đổi không kịp.
Niềm tin - vấn đề sống còn của chuyển đổi số
Về câu chuyện "chuyển đổi số hay là chết", Ngô Minh Quân cho rằng nhìn từ những thay đổi khắc nghiệt trong hai năm qua có thể thấy đây không chỉ là câu khẩu hiệu mang tính tượng hình, mà đang mô tả chính xác thực tế. Doanh nghiệp chưa kịp chuyển đổi số sẽ dễ dàng mất đi lợi thế cạnh tranh.
"Trong chuyển đổi số, bản thân mình không chậm đi nhưng đối thủ của mình chạy nhanh hơn, sớm muộn gì doanh nghiệp cũng bị bỏ lại. Đào thải và thích ứng là quy luật số đông", Quân nói.
Quan điểm này cũng từng được ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, chia sẻ trong tọa đàm CTO Talks hồi tháng 7: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài xu thế này nếu không muốn bị bỏ lại. Nếu tổ chức đã tiến hành chuyển đổi số, cần nghĩ đến một kịch bản dài hơi, tìm ra vấn đề nhức nhối nhất hiện tại của doanh nghiệp, tìm công cụ chuyển đổi phù hợp nhất, bắt đầu số hoá từ những vấn đề đơn giản nhất".
Còn theo Quân, vấn đề quyết định thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp chính là niềm tin. Trước tiên là niềm tin từ người lãnh đạo trong việc quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, từ đó mới có thể kéo cả tổ chức vận hành theo. Chuyển đổi số không phải câu chuyện tính bằng 3 tháng hoặc nửa năm mà phải kéo dài vài năm mới có kết quả. Vì vậy khi chuyển đổi số, cả đơn vị tư vấn, thực hiện lẫn doanh nghiệp đều phải có niềm tin vào con đường đã chọn. Kinh nghiệm từ quá trình thực hiện chuyển đổi số của Rikkeisoft cho thấy để đi được đường dài, doanh nghiệp nên đặt ra các mục tiêu nhỏ, ngắn hạn thay vì kỳ vọng những thứ quá lớn ngay lập tức.
Cuối cùng là vấn đề niềm tin của người lao động vào chuyển đổi số. "Chuyển đổi số hay công nghệ nói chung sẽ dẫn đến những thay thế không thể tránh khỏi. Việc ứng dụng công nghệ có thể lấy đi một số công việc nhưng lại mở ra nhiều công việc khác. Người lao động sẽ dịch chuyển từ công việc mang hàm lượng trí tuệ sáng tạo ít sang công việc mang hàng lượng trí tuệ cao hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn nên thu nhập cũng sẽ tốt hơn, đây là cách cả xã hội đang vận hành", Quân nói.
Theo Giám đốc chuyển đổi số Rikkeisoft, công nghệ muốn lấy được việc của người lao động sẽ cần lộ trình dài. Trước tiên nó có vai trò hỗ trợ năng suất lao động tốt hơn, sau đó mọi người cần thay đổi và thích nghi.
"Niềm tin công nghệ sinh ra là để giải quyết những nỗi đau của doanh nghiệp và giải phóng người lao động khỏi công việc tay chân sẽ là yếu tố quyết định dẫn đến thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp", Quân nói.
Ngô Minh Quân là một trong 10 lãnh đạo công nghệ trẻ được vinh danh tại diễn đàn CTO Summit 2021 của VnExpress ngày 25/11