Giao hàng Tiết kiệm tự chủ công nghệ và dữ liệu để phát triển
Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) đã chủ trương tự chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ, làm chủ các thiết kế lõi công nghệ cả về phần mềm, phần cứng và thiết bị. Từ đó, công ty ứng dụng vào công cuộc chuyển đổi số sâu rộng đối với tất cả các đối tượng trong toàn hệ thống vận hành.
Nền tảng hậu cần “Make in Viet Nam”
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT quý I năm 2023 mới đây, ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GHTK cho biết ứng dụng GHTK “Make in Viet Nam” trở thành nền tảng làm việc số của hơn 3,5 triệu nhà bán hàng trực tuyến (online), trên khắp Việt Nam.
Số lượng nhà bán online hoạt động trên ứng dụng GHTK đã tăng 127% trong giai đoạn 2019 - 2022. Và trong một thập kỷ phát triển, ứng dụng này phục vụ hơn 70 triệu người mua sắm online. Tính riêng năm 2022, đã có hơn 44 triệu người mua sắm online, gia tăng gần 15 triệu người chỉ sau 4 năm (2019).
Hỗ trợ hàng triệu người khởi sự kinh doanh trong nền kinh tế số
Với ứng dụng GHTK, nhà bán online không cần những điều kiện kinh doanh truyền thống như cửa hàng, kho bãi, phương tiện vận chuyển và thậm chí không cần sở hữu hàng hoá, chỉ cần có mối hàng là có thể tạo nội dung và bắt đầu bán hàng online trên mạng lưới quan hệ quen biết sẵn có. Đồng thời, nhà bán online cũng không cần có sẵn kiến thức kinh doanh hay kỹ năng kế toán, tất cả các khâu vận hành bán hàng đều dễ dàng được thao tác trên điện thoại di động.
Nhà bán online có thể theo dõi theo thời gian thực (realtime) thông tin đơn hàng, hàng hoá, dòng tiền chỉ ngay trên một màn hình điện thoại di động. Và như vậy, bất kỳ ai cũng có thể ngồi ở nhà, bán hàng online đi khắp mọi nơi và tiền “ting ting” vào tài khoản.
Đáp ứng linh hoạt đến từng nhu cầu của hàng triệu nhà bán online và khách hàng
Đặc tính của thị trường TMĐT là tiếp cận cộng đồng hàng triệu người dùng online cùng lúc, đòi hỏi cách thức bán hàng phục vụ hàng triệu nhu cầu khác nhau, hàng triệu người bán sẽ có hàng triệu chính sách bán hàng và cách thức vận hành, phục vụ khách hàng khác nhau như chính sách lấy - giao hẹn giờ, chính sách đơn hoàn, đơn đổi trả...
Và hàng triệu người mua sẽ có hàng triệu thói quen, hành vi khác nhau... nên dùng dữ liệu lớn (big data), thời gian thực mới có thể xử lý được. Triển khai theo hướng này, ứng dụng GHTK đã đáp ứng linh hoạt nhu cầu của hàng triệu nhà bán hàng online và khách hàng.
Hình thành tầng lớp nhà bán online có kỹ năng làm việc số trong nền kinh tế số
Đặc tính bán hàng trên các kênh online, mạng xã hội và vận hành bán hàng trên ứng dụng di động tạo nên kỹ năng làm việc với dữ liệu cho nhà bán online. Họ dễ dàng nắm bắt thói quen và hành vi của tệp khách hàng của mình và có thể dựa trên thông tin dữ liệu về các mặt hàng đang bán chạy, giới tính khách hàng, khu vực địa lý nhận hàng... để thu thập thị hiếu khách hàng, phân tệp khách hàng hay quyết định phát triển mở rộng bán hàng .. nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Chia sẻ về nền tảng, ông Phạm Hồng Quân cho biết: “Tư duy bán hàng là tư duy dữ liệu và phải có mô hình kinh doanh trực tuyến khác hẳn. Và nhà bán phải theo dõi dữ liệu và học việc đó bằng nền tảng. Từ kỹ năng làm việc với dữ liệu, nhà bán online trở nên nhanh nhạy, thích ứng linh hoạt với những mô hình kinh doanh online mới, nắm bắt các xu hướng online ngay tức thì để chuyển đổi hoặc mở rộng thêm kênh bán hàng đáp ứng nhu cầu người dùng”.
Câu chuyện tự phát triển công nghệ và dữ liệu lớn
Theo ông Phạm Hồng Quân, dữ liệu tác động đến toàn bộ hệ thống vận hành của GHTK, tất cả dữ liệu được lưu trữ, xử lý và cập nhật theo thời gian thực trên toàn bộ các đối tượng trong hệ thống vận hành GHTK. Theo đó, đội ngũ GHTK chú trọng hàng đầu trong việc tự nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi về xử lý dữ liệu như là học máy (machine learning), khai phá dữ liệu (data mining), trí tuệ nhân tạo (AI)...
GHTK chủ động trong nghiên cứu và xây dựng GHTK AI platform để ứng dụng học máy nhanh chóng và dễ dàng cho việc khai thác dữ liệu. Đặc biệt, công nghệ lõi xử lý dữ liệu được ứng dụng trên toàn bộ ứng dụng GHTK để thấu hiểu và cá nhân hoá hoạt động của hàng triệu nhà bán online như phân loại ngành hàng, đánh giá khách hàng và thói quen, hành vi sử dụng dịch vụ, mức độ tín nhiệm, khả năng rời bỏ dịch vụ…
Công nghệ AI được ứng dụng phân tích hơn 100 triệu địa chỉ trên toàn mạng lưới nhằm tối ưu tuyến đường, chi phí, thời gian giao nhận hàng. Công nghệ học máy được nghiên cứu và giải quyết các dự đoán, phát hiện bất thường hỗ trợ các quyết định vận hành, kinh doanh, đảm bảo an toàn, an ninh trên toàn hệ thống.
Công nghệ thị giác máy tính (computer vision) được phát triển để theo dõi hàng triệu đơn hàng mỗi ngày, giải quyết các vấn đề nhận diện khuôn mặt cho toàn bộ định danh hơn 30.000 người lao động của GHTK; đọc thông tin trong thẻ CCCD, hộ chiếu, bằng lái xe, hoá đơn chứng từ.
Với nền tảng dữ liệu lớn, GHTK bình dân hoá dữ liệu với mục đích bất kỳ đối tượng nào ở trong hệ thống vận hành GHTK đều có thể dễ dàng tiếp cận dữ liệu, tạo ra giá trị kinh tế từ dữ liệu; không phân biệt lứa tuổi, vùng miền hay trình độ học vấn. Ngay cả đội ngũ lao động phổ thông như nhân viên giao nhận hàng hóa hay nhà bán online, người tiêu dùng... ở các vùng quê xa xôi cũng có thể sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Mạng lưới vận hành GHTK được tạo nên bởi các điểm chạm trên tất cả vị trí công việc và GHTK di động (mobile) hoá toàn bộ thao tác công việc ấy trên ứng dụng di động. Màn hình làm việc của mỗi người đều được cá nhân hoá, nhằm mục đích vừa tăng năng suất lao động, vừa là điểm tạo nên dữ liệu. Từ đấy, càng nhiều dữ liệu được thu thập, càng cung cấp dữ liệu cho nền tảng dữ liệu lớn.
GHTK còn ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất của người lao động và mạng lưới như hoạch định các tuyến xe tải hàng.
Tiếp theo là câu chuyện bản đồ, một trong những ứng dụng của dữ liệu. Nếu mua bản đồ Google, ông Quân cho biết là rất đắt và giống như việc đi ngược với tự chủ. Nếu ngày nào đó Google không bán cho bản đồ nữa thì toàn bộ công việc kinh doanh dừng luôn và như vậy rất nguy hiểm. Theo đó, GHTK xác định tự làm và mua phần kiểm tra, soát, sửa dữ liệu.
Ông Quân chia sẻ xây hệ thống CNTT thì dễ nhưng nếu mua máy quét, camera và đến lúc nào nhà cung cấp thiết bị không bán nữa làm thế nào? Nên DN phải tự chủ, phần mềm phải tự làm, phần mềm nhúng chạy trên phần cứng thì DN phải can thiệp. Khi tự chủ công nghệ thì phải tự chủ dữ liệu và phát triển được công nghệ xử lý dữ liệu (dữ liệu lớn) để làm sao đảm bảo là tài nguyên dễ tiếp cận.
“Muốn phục vụ người dùng thì phải có dữ liệu. Có hàng triệu người thì có hàng tỷ tỷ dữ liệu, dữ liệu càng nhiều phục vụ càng tốt hơn và kéo thêm người dùng, khách hàng, mở thêm dịch vụ mới. Dịch vụ mới lại có thêm dữ liệu. GHTK dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định của mình”, ông Quân khẳng định.
Giải bài toán lớn làm sao nông dân thoát nghèo?
Trong giai đoạn bùng nổ TMĐT từ 2019 - 2022, số lượng người mua sắm online tăng trưởng nhanh, dẫn tới tổng sản lượng đơn hàng và tổng giá trị hàng hoá của thị trường nông thôn đều tăng mạnh mẽ hơn so với thành thị. Cụ thể, năm 2022, người mua sắm online ở nông thôn tăng vọt tới 200% so với năm 2019, trong khi khu vực thành thị tăng hơn 30% trong cùng kỳ. Năm 2022, tổng sản lượng đơn hàng khu vực nông thôn đã tăng 147% so với năm 2019, trong khi tổng sản lượng đơn hàng khu vực thành thị tăng 36% trong cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hoá khu vực nông thôn năm 2022 cũng tăng 2,7 lần so với năm 2019, trong khi tổng giá trị hàng hoá khu vực thành thị tăng gấp đôi trong cùng kỳ.
Với những tiềm năng còn bỏ ngỏ của thị trường nông thôn và việc nắm bắt những cơ hội của GHTK với sự hỗ trợ của công nghệ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết GHTK hiện có 32.000 người lao động, trong đó có tới 500 người làm công nghệ. Doanh thu năm 2022 là 8.500 tỷ đồng. Đây là DN vận chuyển hàng hoá lớn, có thể nói là công ty “chân tay” nhưng nay đã phát triển thành công ty công nghệ nhất do người Việt Nam làm chủ.
Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang gặp câu chuyện lớn là làm sao để nông dân thoát nghèo. Đây là câu chuyện của cả trăm năm, nghìn năm. Bộ TT&TT đang muốn giúp bà con nông dân thoát nghèo, bán được nhiều nông sản hơn, trực tiếp hơn và không mất mấy chục phần trăm cho thương lái. Bên cạnh đó, hàng nông sản bán ra thì phải có thương hiệu của mảnh vườn để từ đó may ra mới thoát nghèo. “Đầu tư công nghệ sản xuất hàng loạt có khi lại nghèo đi vì ai cũng giống ai. Bán thì rẻ đi trong khi đó trả tiền cho công nghệ cao cũng nhiều”.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT đang xây dựng một số sàn nông sản Việt Nam và giao cho Vietnam Post, Viettel Post, đề nghị GHTK cùng phối hợp với hai DN này để người nông dân bán hàng trực tiếp cũng như có thể tiến tới đấu giá nông sản trên từng mảnh vườn như câu chuyện của người nông dân của Nhật Bản về đấu giá quả nho trên từng mảnh vườn. “Giải bài toán này là bài toán nghìn năm, trăm năm mà chỉ có công nghệ mới giải được”./.