Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tại Việt Nam điều kiện lao động kém an toàn, rủi ro, gây ra những thiệt hại lớn về người và của. Số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2016, xảy ra gần 8000 vụ tai nạn làm 8251 người bị nạn, trong đó có 799 vụ tai nạn chết người làm 862 người chết. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, cả nước cũng đã xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn làm 418 người chết.
Năm 2016, cả nước có gần 8000 vụ tai nạn lao động. (Ảnh minh họa)
Từ ngày 1/7/2017, Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành. Theo đó, các cơ chế, chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động cũng được thúc đẩy, thông qua các quy định hướng dẫn chi tiết về kiểm soát nguy cơ và rủi ro. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia an toàn, vệ sinh lao động cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn lao động là xây dựng, khai khoáng. Thứ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần chú trọng huấn luyện và đào tạo bồi dưỡng kỹ năng của người lao động. Trong bối cảnh lực lượng lao động từ khu vực ngoài quan hệ lao động đã chuyển dần sang khu vực có quan hệ lao động rất lớn, nếu không có tập huấn, bồi dưỡng, sẽ dẫn đến những nguy cơ lớn về lao động. Còn theo ông Trần Quốc Diệp, trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM), hiện nay lực lượng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa được tập huấn, chưa có ý thức nên nguy cơ cao trong vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Tại buổi hội thảo, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng nêu ý kiến, trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động./.