GSMA đề xuất lộ trình cấp phép phổ tần số 5G cho Việt Nam

Anh Minh| 28/09/2022 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

GSMA ước tính phổ tần trung cho 5G sẽ thúc đẩy mức tăng hơn 610 tỷ USD trong GDP toàn cầu vào năm 2030, 5G gần như tạo ra đến 65% tổng giá trị kinh tế xã hội.

Theo Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), một lộ trình băng tần 5G rõ ràng, với các kế hoạch cung cấp phổ tần và nghiên cứu các nhu cầu phổ tần mới nổi, sự phát triển của công nghệ và các thị trường quốc tế, là điều cần thiết với các quốc gia trong chặng đường phát triển 5G.

Mặc dù mạng 5G đã được thiết lập tốt ở các thị trường tiên tiến tại Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng tốc độ phát triển 5G vẫn có sự khác biệt đáng kể trong khu vực APAC. Vì vậy, GSMA đã đưa ra các báo cáo về Lộ trình phổ tần 5G trong khu vực APAC (Roadmaps for 5G spectrum in the APAC region), trong đó đánh giá kỹ tình hình lập kế hoạch phổ tần 5G tại ba thị trường lớn ở Đông Nam Á - Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - cũng như các vấn đề và thách thức chính để đảm bảo đủ tài nguyên phổ tần.

5G đóng vai trò quan trọng với kinh tế Việt Nam

Báo cáo về lộ trình phổ tần 5G tại Việt Nam (Roadmaps for awarding 5G spectrum: A focus on Vietnam) nhận định kết nối băng thông rộng và các dịch vụ số đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cách người dân sống và các doanh nghiệp (DN) hoạt động ở Việt Nam, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam đã và đang tiến hành chuyển đổi số, kỷ nguyên 5G sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Lưu lượng dữ liệu di động trên mỗi kết nối tại Việt Nam ở mức khoảng 5,3 GB mỗi tháng vào năm 2020, lưu lượng này đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo ước tính của Ericsson, lưu lượng dữ liệu di động trên mỗi kết nối ở Đông Nam Á tăng 5,8 lần trong giai đoạn 2021 - 2027 từ 8,0 GB - 46,0 GB/tháng. Tuy nhiên, việc cấp phổ tần di động đã không theo kịp tốc độ nhu cầu về lưu lượng dữ liệu của người dùng và DN. 

Với việc các mạng 5G thương mại dự kiến sẽ được triển khai tại Việt Nam vào năm 2022, báo cáo cho rằng còn nhiều việc phải làm để đảm bảo tài nguyên phổ tần đầy đủ, hỗ trợ triển khai mạng 5G và các dịch vụ.

Khả năng tiếp cận băng tần trung từ 1 - 7 GHz sẽ rất quan trọng. GSMA ước tính rằng phổ tần trung 5G sẽ thúc đẩy mức tăng hơn 610 tỷ USD trong GDP toàn cầu vào năm 2030, 5G gần như tạo ra đến 65% tổng giá trị kinh tế xã hội. Để đảm bảo những lợi ích này, các thị trường sẽ cần khoảng 2 GHz phổ tần trung trong suốt thập kỷ này. 

Kỷ nguyên 5G hứa hẹn sẽ mở ra vô số ứng dụng mới trong các ngành nghề khác nhau và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội này, điều quan trọng là phải xây dựng các kế hoạch ưu tiên phát triển 5G. Vì vậy, những việc cần làm để thực hiện kế hoạch là triển khai phân bổ đa băng tần bao gồm 700 MHz, 2,3 GHz, 2,6 GHz và 26 GHz, thay vì đấu giá băng tần để tránh tạo ra sự khan hiếm giả tạo.

Thứ hai, cần lên kế hoạch cung cấp ít nhất 300 MHz phổ tần trong băng tần 3,5 GHz được hài hoà hoá trên toàn cầu. Nếu không thể giải quyết đầy đủ các vấn đề cùng tồn tại của băng tần cho vệ tinh (FSS) do thiết bị thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh (TVRO) trên cả nước, thì cần áp dụng cách tiếp cận theo từng giai đoạn liên quan đến cấp phát băng tần 3,5 GHz ở các khu vực thành thị nơi có nhu cầu cao nhất.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là đảm bảo đồng bộ hóa và sử dụng các kiến trúc khung đã thỏa thuận cho các mạng TDD (Time Division Duplexing) giữa các nhà mạng trong cùng một quốc gia và khu vực để tránh nhiễu và tối đa hóa phổ sự sử dụng. Cuối cùng, xây dựng một lộ trình phổ tần dài hạn hơn cho giai đoạn 2025 - 2030, có tính đến nguồn cấp phổ tần IMT trong tương lai bao gồm băng tần 4,8 GHz và 6 GHz.

Tại Việt Nam, mạng 5G thương mại vẫn chưa ra mắt mặc dù Viettel đã tiến hành thử nghiệm trên nhiều băng tần. Theo GSMA, việc triển khai và ứng dụng 5G dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong ba năm tới. Đến năm 2025, số lượng kết nối 5G cũng được dự báo sẽ đạt 15,9 triệu và mạng 5G sẽ bao phủ 57% dân số.

Lộ trình phân bổ băng tần cho 5G 

Giống như tất cả các thế hệ dịch vụ di động trước đây, lộ trình 5G ở mỗi quốc gia đều bắt đầu với việc cấp phát băng tần để hỗ trợ triển khai mạng. Một lộ trình phân bổ phổ tần điển hình sẽ bao gồm các bước sau đây.

Thứ nhất là xác định phổ tần. Có phổ tần thì mới có thể cung cấp các dịch vụ di động và 5G. Cần thận trọng xem xét các lợi ích kinh tế - xã hội phát sinh từ việc sử dụng băng tần cũ và mới cũng như cân bằng nhu cầu của người dùng. Việc tham vấn sẽ mang lại cho các quốc gia nhiều quan điểm, góc nhìn từ các bên liên quan và cho phép chính phủ, các ngành công nghiệp có cơ hội hiểu những tác động có thể xảy ra đối với từng lựa chọn băng tần. Khi nảy sinh nhiều ý kiến cạnh tranh, cần phân tích chi phí - lợi ích để đánh giá tác động các băng tần đề xuất và đảm bảo sử dụng hiệu quả băng tần.

Tiếp theo là giải phóng băng tần. Các quyết định giải phóng băng tần phụ thuộc vào các yếu tố như mật độ sử dụng; tính dễ dàng di chuyển sang các dải tần số thay thế hoặc các công nghệ thay thế; mức độ tác động đến dịch vụ và người dùng. Trong một số trường hợp, chia sẻ địa lý với các biện pháp giảm thiểu thích hợp sẽ giải quyết các vấn đề về can nhiễu. Đối với phổ được chỉ định, có thể chỉ cần thiết sắp xếp lại các cấp phát băng tần để đáp ứng các tần số liền kề và tối đa hóa hiệu quả phổ tần cho 4G và 5G.

Ngoài ra, cần tính đến các hạn chế công nghệ, nghĩa là xác định rõ các nghĩa vụ về giấy phép kỹ thuật cùng với các điều kiện sử dụng và số lượng cũng như tính địa lý sẵn có của phổ tần.

Tiếp theo, nhà quản lý phải định giá trị băng tần, mức phí trả trước và phí hàng năm. Việc định giá liên quan nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm đo điểm chuẩn và phân tích mô hình. Các nhà quản lý nên sử dụng cả hai phương pháp này để cải thiện độ chính xác và nắm bắt các yếu tố thị trường địa phương. Các chi phí liên quan đến nghĩa vụ cấp phép cũng phải được tính đến khi thiết lập giá cho phổ tần.

Vai trò quan trọng của phổ tần số trong băng tần trung đối với 5G - Ảnh 1.

Các lựa chọn băng tần trung (mid-band spectrum)

Thông thường, có ba cách cấp phép băng tần, đó là qua đấu giá, qua thi tuyển và qua cấp phép trực tiếp. Cần tính đến các nghĩa vụ cấp phép liên quan, các mục tiêu chính sách, phạm vi khả dụng và các chi tiết cụ thể về thị trường (ví dụ như số lượng nhà mạng hoặc những băng tần hiện tại đang sử dụng) để lên phương án cấp phép.

Và cuối cùng là chính thức cấp phép băng tần. Bước này thường sẽ được củng cố thêm bằng các tài liệu cung cấp tất cả các chi tiết cần thiết của quá trình cấp phép, phạm vi cung cấp, nghĩa vụ giấy phép và những thông tin cần thiết khác cho nhà mạng được cấp phép tiềm năng.

Vai trò quan trọng của băng tần trung đối với 5G

Để tận dụng tối đa 5G, cần có phổ tần trên các băng tần thấp, trung và cao để cung cấp phạm vi phủ sóng rộng khắp và hỗ trợ tất cả nhu cầu sử dụng. Trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng người dùng, các ứng dụng mới của 5G và tính khả dụng của các thiết bị (ví dụ: điện thoại thông minh mới, thiết bị OEM V2X được nhúng, cảm biến, xe tự hành, video, IoT, VR/AR) sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu dịch vụ dữ liệu di động.

Phổ tần trung, nằm trong phạm vi 1 - 7 GHz, rất cần thiết để tăng băng thông và dung lượng mà các ứng dụng 5G cần. Các trường hợp sử dụng băng rộng di động mới như băng thông rộng di động nâng cao (eMBB), truy cập không dây cố định (FWA), IoT và công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào dải tần trung. Những trường hợp sử dụng này sẽ làm gia tăng tác động của các dịch vụ di động đối với xã hội và các nền kinh tế.

Tài nguyên phổ tần trung bao gồm cả dải tần trung thấp hơn (tức là 1500 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz, 2300 MHz và 2600 MHz) và các dải tần trung cao hơn (tức là 3,3 - 4,2 GHz, 4,5–5,0 GHz và 5,925 - 7,125 GHz). Để cung cấp dịch vụ 5G phù hợp với các yêu cầu IMT-2020 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), mỗi nhà mạng sẽ cần quyền truy cập đến 80 - 100 MHz phổ tần trung liên tiếp.

Tiếp cận kịp thời vào các băng tần 5G, đặc biệt là ở dải tần trung rất cần thiết cho sự phát triển 5G tại Việt Nam. Điều quan trọng nữa cần nhận ra là hành trình 5G chỉ mới bắt đầu - hành trình này sẽ còn kéo dài trong phần còn lại của thập kỷ và sau đó nữa, 5G sẽ trở thành trung tâm của kết nối di động và củng cố nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý cần có cái nhìn dài hạn hơn về việc cung cấp phổ tần, đặc biệt là phổ tần số trong băng tần trung. 

Phân tích chi tiết về lộ trình phân bổ băng tần 5G tại Việt Nam cũng như Indonesia và Thái Lan có trên trang web của GSMA./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
GSMA đề xuất lộ trình cấp phép phổ tần số 5G cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO