Hà Giang: Nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

Đỗ Thêu| 26/11/2022 19:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông đa dạng cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn.

Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai được một số mô hình hiệu quả giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tỉnh đã triển khai thực hiện thực hiện 4 chương trình khuyến nông Trung ương với 157 hộ tham gia. Tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, với diện tích 25 ha tỉnh đã đưa dự án "Xây dựng mô hình sản xuất ngô thương phẩm, ngô nếp, ngô ngọt và ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh phía Bắc", sau thời gian trồng thử nghiệm, mô hình sản xuất ngô đã cho năng suất bình quân đạt 54 tấn/ha, lợi nhuận thu được là 45,9 triệu đồng/1 ha. Từ kết quả bước đầu đó, những hộ dân tham gia vào dự án rất phấn khởi, tiếp tục triển khai vào các vụ tiếp theo.

Không chỉ triển khai mô hình trồng ngô, tỉnh Hà Giang còn phối hợp với Đại học Nông lâm Bắc Giang triển khai tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, với diện tích ban đầu là 9 ha cho dự án "Xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc". Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Công ty CP Stevia Ventures triển khai dự án "Xây dựng mô hình phát triển sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng". Và Viện Khoa học miền núi phía Bắc hỗ trợ triển khai dự án "Mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc"… cùng nhiều mô hình khác.

Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết nhiều "nhà" trong sản xuất được tính toán chu đáo hơn, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm với định hướng sản xuất bền vững… Nghĩa là hoạt động khuyến nông gắn chặt với sự chuyển đổi của nền sản xuất nông nghiệp (SXNN) của địa phương; đội ngũ cán bộ khuyến nông phải nhạy bén để cập nhật các yếu tố mới trong xây dựng mô hình, từ đó mới tạo được sự lan tỏa.

Hà Giang: Nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả - Ảnh 1.

Niềm vui được mùa cam của người dân thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, Bắc Quang

Bà Phan Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết: Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bà Thoa cũng cho biết thêm, tại mỗi địa phương trong tỉnh các mô hình cũng được triển khai, nhân rộng đảm bảo thời vụ, quy mô, chất lượng, năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm đều tăng hơn so với trồng đại trà được chính quyền và người dân đánh giá cao như: Mô hình trồng cây na gắn với "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ"; mô hình trồng thâm canh và ủ chua cỏ, tạo thức ăn thô quanh năm cho trâu, bò; trồng cây lạc xen canh trên đất vườn cam; nuôi thủy sản gắn với "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ"; thí điểm trồng cây lê Đài Loan; trồng mới 150 cây cam V2, thâm canh cam theo hướng hữu cơ; dự án chăn nuôi lợn sinh sản (giống bản địa) theo hướng an toàn sinh học.

Ông Bùi Minh Tân, thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê là 1 trong 30 hộ tham gia mô hình trồng thâm canh và ủ chua cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu, bò. Mô hình này thuộc dự án do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền núi phía Bắc triển khai.

Ông Tân chia sẻ, nhờ có mô hình này, gia đình tôi không còn lo thức ăn cho đàn bò với số lượng hơn 20 con. Cỏ được ủ chua cũng giúp cho đàn trâu, bò tăng sức đề kháng, luôn béo tốt và tăng cân đều. Khi có nguồn thức ăn, gia đình tôi đã tăng số lượng đàn bò, nguồn thu nhập từ nuôi trâu, bò mỗi năm mang lại khoảng 300 triệu đồng.

Hà Giang: Nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả - Ảnh 2.

Người dân xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê chăm sóc đàn bò của gia đình

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, đội ngũ khuyến nông từ tỉnh, huyện, xã và thôn bản trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn cố gắng đồng hành cùng với người nông dân. Họ chính là cầu nối quan trọng để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đến với người nông dân. Các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được chú trọng vào các nội dung thiết thực, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO