Hà Nội đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án trên 3 lĩnh vực

Đỗ Thêu| 12/09/2022 07:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, các đơn vị cần chú trọng tiến độ, chất lượng trong việc thực hiện các dự án, đặc biệt đối với các công trình bệnh viện, tu bổ di tích. Các quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Phân bổ nguồn kinh phí lớn đầu tư 3 lĩnh vực

Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị "Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội".

Đại diện Sở kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP và Kế hoạch 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND TP về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, TP dự kiến đầu tư cho 3 lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo là 49.203 tỷ đồng, thực hiện 1.469 dự án. 

Trong đó, lĩnh vực giáo dục 20.913,467 tỷ đồng cho 653 dự án, lĩnh vực y tế 14.260 tỷ đồng cho 237 dự án, lĩnh vực di tích 14.029,009 tỷ đồng cho 579 dự án. Từ đó, TP đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là 11.291,302 tỷ đồng để thực hiện các dự án, trong đó bố trí 1.204,202 tỷ đồng thực hiện 20 dự án cấp TP và 10.087,1 tỷ đồng vốn ngân sách cấp TP hỗ trợ các huyện, thị xã thực hiện 596 dự án. Đến nay, còn hơn 200 dự án cấp TP và hơn 600 dự án cấp huyện quản lý chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn.

Hiện Sở KH&ĐT đang phối hợp các sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Y tế, Văn hoá và Thể thao (VH&TT) rà soát, đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, đề xuất dự án cấp TP. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đề xuất dự án khi đủ thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng cùng với vốn ngân sách TP hỗ trợ; đề xuất BCĐ xem xét ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ giúp việc phân công rõ nhiệm vụ từng thành viên theo chức năng nhiệm vụ để tránh chồng chéo và rõ nội dung yêu cầu tham mưu chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá một số nội dung cụ thể. 

Trong đó, Sở KH&ĐT chủ trì xây dựng, theo dõi, tổng hợp, tham mưu điều hành kế hoạch; Sở Tài chính chủ trì tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách về quản lý công sản trong triển khai thực hiện kế hoạch; các sở chuyên ngành quản lý 3 lĩnh vực chịu trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc của các dự án cụ thể và cơ chế chính sách liên quan lĩnh vực phụ trách.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án

Trong khi đó, đại diện các quận huyện và các Sở VH&TT, GD&ĐT, Y tế, đã trao đổi, nêu các ý kiến về những công việc đang triển khai cũng như khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị tháo gỡ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao liên quan 3 lĩnh vực.

Về phía UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát, tránh để chậm muộn hoặc bỏ sót công việc. Các địa phương có vướng mắc cần báo trực tiếp cho đại diện Sở, ngành hoặc lãnh đạo thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc triển khai đầu tư, cải tạo các công trình, dự án thuộc 3 lĩnh vực trên là cơ hội rất lớn cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động cơ bản đã được thống nhất, cần tăng số cuộc họp trong giai đoạn đầu, với nhiều nội dung hơn. Lưu ý tại các quận, huyện, thị xã sớm thành lập, hoàn thiện Ban chỉ đạo để đạt hiệu quả. 

Đặc biệt, các địa phương, đơn vị cần rà soát, hoàn thiện báo cáo đánh giá thực trạng triển khai, gửi sớm về thành phố. Từ đó, các Sở, ban, ngành tổng hợp lại, giúp điều hành công việc hiệu quả, rõ mốc thời gian hoàn thành. Cách làm phải hết sức quyết liệt, khoa học, nêu rõ kiến nghị, đề xuất, đảm bảo báo cáo có chất lượng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án trên 3 lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO