Hà Nội tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên toàn địa bàn

Đỗ Thêu| 09/09/2022 18:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Phòng chống cháy nổ đang trở thành vấn đề nóng được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Nhất là trong thời gian gần đây khi trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng.

Vấn đề nóng

Theo báo cáo mới nhất từ Công an TP. Hà Nôi, trên địa bàn thành phố hiện có 5.368 khu dân cư/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 433 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; 9.483 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ nằm sâu từ 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; 5.569 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ có bục bệ, mái che mái vẩy chắn ngang cản trở hoạt động của xe chữa cháy.

Qua điều tra, thành phố hiện còn thiếu 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hồ thu nước chữa cháy.

Kể từ tháng 8/2020 tới nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hơn 770 vụ cháy, nổ, trong đó có nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Hà Nội tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên toàn địa bàn - Ảnh 1.

Hà Nội tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên toàn địa bàn.

Với vai trò lực lượng nòng cốt, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an TP. Hà Nội xác định, không được chủ quan, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, tổ chức các mô hình phòng cháy chữa cháy tại cơ sở, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân để hạn chế nhiều hơn nữa các vụ cháy xảy ra. 

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội ban hành các văn bản PCCC&CNCH; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chuyên đề trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH phù hợp với tình hình thực tế địa bàn và theo lĩnh vực quản lý, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về PCCC; cơ bản giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu cho chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện các kế hoạch, chuyên đề, đặc biệt xây dựng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì và thí điểm 47 mô hình an toàn về PCCC&CNCH, trong đó có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được Bộ Công an ghi nhận và nhân rộng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó đặc biệt là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị còn chưa chủ động, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ chưa kịp thời nên hiệu quả thực hiện tại các cơ sở, nhất là cấp phường, xã, thị trấn, còn hạn chế, dẫn đến còn tình trạng chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở không chấp hành các quy định về PCCC…

Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành chưa đảm bảo, hoạt động tại địa phương mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu còn lúng túng, kém hiệu quả, trang thiết bị còn yếu, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy lớn;

Một số cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy và CNCH còn thiếu kinh nghiệm thực tế, mặt bằng chung về trình độ nghiệp vụ còn chưa cao. Công tác học tập, tập luyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa làm chuyển biến rõ nét tính chuyên nghiệp và sự thành thục trong công tác chữa cháy và CNCH… làm ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy.

Chỉ đạo nóng của Chủ tịch Hà Nội

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

Công điện nêu rõ, thực hiện các Công điện số: 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 683/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các công văn số 2530/VPCP-NC ngày 21/4/2022, 5910/VPCP-NC ngày 08/9/2022 của Văn phòng Chính phủ, 465-CV/TU ngày 2/8/2022 của Thành ủy Hà Nội liên quan đến những vụ cháy gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/8/2022 của Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022, chỉ đạo của Trung ương và thành phố tại các văn bản nêu trên.

Tại Công văn này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khẩn trương, tích cực hoàn thành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường… trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; quyết liệt xử lý nghiêm, triệt để tất các vi phạm theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2645/UBND-NC ngày 16/8/2022 đảm bảo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo tổ chức giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định, trường hợp để xảy ra việc cơ sở kinh doanh cố tình đưa vào hoạt động, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có biện pháp mạnh theo quy định pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch TP. Hà Nội.

Đối với những cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, kiên quyết yêu cầu chủ hộ kinh doanh không được hoạt động để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản như thời gian vừa qua.

Người đứng đầu TP. Hà Nội giao Công an chủ trì, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, tổng hợp kết quả, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên toàn địa bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO