Hai "tên tuổi" ICT được vinh danh Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam
Ngày 6/10, FPT, Viettel là hai doanh nghiệp (DN) ICT đã được vinh danh là Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam cùng những DN uy tín đầu ngành như PetroVietnam, Vinamilk, BIDV, Masan Group, VinGroup, Trường Hải, Vietcombank, Agribank.
Theo đó, VnEconomy vinh danh FPT dựa theo các tiêu chí: Kết quả kinh doanh, sự ổn định trong kinh doanh và tăng trưởng doanh thu; Uy tín, giá trị thương hiệu; Trách nhiệm xã hội; Hoạt động đổi mới sáng tạo và Năng lực vươn tầm quốc tế.
FPT được hội đồng thẩm định đánh giá là thương hiệu lớn có uy tín nhất tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành công nghệ, chuyển đổi số (CĐS).
Đại diện hội đồng thẩm định cho biết: “FPT tiên phong CĐS và dẫn đầu về tư vấn, cung cấp, triển khai các dịch vụ, giải pháp công nghệ - viễn thông. Tập đoàn đạt thành tích xuất sắc trong kinh doanh, có những đóng góp lớn thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, góp phần đưa Việt Nam bắt kịp với xu thế CĐS thế giới. Những giải pháp, sản phẩm công nghệ của FPT không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, FPT đã thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội”.
Trong năm 2023, FPT lần thứ hai được vinh danh thương hiệu giá trị. Tháng 8, theo công bố top 100 "Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023" vào của Brand Finance, FPT là được vinh danh là "Thương hiệu công nghệ giá trị nhất Việt Nam" và top 2 "Thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam".
Brand Finance đánh giá FPT luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, việc thiết lập đối tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã giúp FPT tạo ra môi trường hợp tác và phát triển bền vững.
Song hành cùng DN nâng cao năng lực dẫn dắt kinh tế số
Trong khuôn khổ tọa đàm tại sự kiện, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ về chủ đề “Tiên phong và dẫn dắt kinh tế số”. Ông Vũ Anh Tú chia sẻ quá trình FPT CĐS nội bộ và đồng hành cùng khách hàng CĐS thành công.
Tập đoàn áp dụng phương pháp luận FPT Digital Kaizen với ba trụ: CĐS kinh doanh, CĐS hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi con người. FPT đào tạo cho Lãnh đạo, nhân viên, đưa CĐS vào quản trị các quy trình nội bộ. Hiện, đa phần các tác vụ cơ bản trong công việc như phê duyệt, khen thưởng, báo cáo, các tác vụ nhân sự… đều được số hóa.
Mới đây, FPT ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi nhà thuốc. Hơn 80% đơn hàng được bán trực tuyến, giao đến khách hàng trong vòng một tiếng nhờ công nghệ theo dõi đơn hàng, kho hàng, vận chuyển, thanh toán.
Ông Vũ Anh Tú khẳng định: “Chúng tôi làm việc với khách hàng lớn như: Thaco, Vin Fast, Thiên Long, Tân Long… giúp rút ngắn quy trình, tăng năng suất, doanh thu… Nhờ CĐS, DN tăng trưởng có năng lực xây dựng kinh tế số hiệu quả”.
Thảo luận về vấn đề chính sách tác động đến kinh tế số, ông Vũ Anh Tú khẳng định FPT và các DN có bước đột phá nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của chính sách đúng đắn. Ví dụ, đề án 06 đang hoạt động hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân. Căn cước công dân gắn chip, đơn thuốc điện tử… là những ứng dụng số từ đề án 06 giúp cải thiện cuộc sống của người dân, thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh hơn nữa.
“Chúng tôi xác định FPT phải trở thành điển hình của một DN số, từ đó đúc kết kinh nghiệm và lan tỏa đến cộng đồng DN Việt Nam. FPT sẽ tiếp tục hoàn thiện năng lực tư vấn, hệ sinh thái sản phẩm của mình”, ông Vũ Anh Tú nói.
Diễn đàn Vietnam New Economy Forum 2023 với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và Phát triển bền vững” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Diễn đàn thiết lập kênh thông tin thảo luận mở theo hình thức trực tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và trực tuyến qua các nền tảng số cũng như các chuyên đề báo chí truyền thông nhằm kết nối và hội tụ sự tham gia của các bên liên quan, trao đổi, đối thoại cập nhật thông tin về các vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành cũng như hoạt động thực tiễn của cộng đồng DN./.