Hành lang pháp lý mới để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai trong lĩnh vực đường sắt

Bình Minh| 20/09/2021 09:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021, Thông tư số 17/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tạo hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện thuận lợi cả trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố, hậu quả do thiên tai gây ra cho lĩnh vực đường sắt.

Hàng lang mới để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai trong lĩnh vực đường sắt - Ảnh 1.

Trước mùa mưa bão, đường sắt phải rà soát, chuẩn bị các phương án để phòng chống thiên tai có thể tác động tới hoạt động vận tải đường sắt. Ảnh: Bình Minh

Xây dựng tốt các phương án phòng ngừa

Thông tư quy định trong vấn đề phòng ngừa thiên tai lĩnh vực đường sắt, phải điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai (PCTN) nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông vận tải đường sắt. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn các nguy cơ gây hư hại hoặc hủy hoại các công trình khi thiên tai xảy ra trên hai nội dung chủ yếu gồm: Hiện trạng về cơ cấu tổ chức, nhân lực, trang thiết bị của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong hoạt động PCTN; Tác động của thiên tai đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, hoạt động đường sắt.

Đáng chú ý, Thông tư mới yêu cầu, các cơ quan chức năng phải xây dựng phương án ứng phó thiên tai, dự kiến các cấp độ rủi ro thiên tai, loại thiên tai có thể xảy ra. Cũng như mức độ ảnh hưởng đối với kết cấu hạ tầng đường sắt và phương tiện vận tải đường sắt. 

Từ đó, lập biện pháp và phương án xử lý phù hợp như: Các biện pháp neo, buộc, chống, đỡ, chêm, chèn, hãm để bảo vệ công trình thiết bị, phương tiện, hàng hóa; Kế hoạch sơ tán các phương tiện, thiết bị, hàng hóa; Phương án cứu hộ, cứu nạn, chuyển tải hành khách, hàng hóa. Và dự trữ vật tư, thiết bị dự phòng; dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng sự cố, thiên tai làm tắc đường cho những đoàn tàu chạy suốt trên trục Bắc - Nam hoặc tàu địa phương chạy quá 300 km. Nhất là phải dự kiến trước những tình huống xảy ra như mất điện, gián đoạn thông tin để chủ động khắc phục nhanh và hiệu quả...

Thông tư cũng đưa ra yêu cầu và giải pháp phòng ngừa thiên tai ngay từ các giai đoạn: khảo sát, thiết kế đến thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và khai thác, sử dụng công trình đường sắt. Yêu cầu đối với công trình kiến trúc đường sắt, kho ga, bãi hàng; đối với công trình thông tin, tín hiệu và phòng ngừa thiên tai trong hoạt động vận tải đường sắt.

Hàng lang mới để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai trong lĩnh vực đường sắt - Ảnh 2.

Ga Hà Nội – Công trình trung tâm của ngành đường sắt cần đảm bảo các phương án an toàn khi mùa mưa bão về. (Ảnh: Bình Minh).

Quy rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước

Cũng theo Thông tư 17/2021/TT-BGTVT, trước mùa mưa bão hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa thiên tai trong hoạt động vận tải đường sắt gồm: Kế hoạch bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, hàng hóa khi có thiên tai xảy ra. Tiếp đó là phương án chuyển tải hành khách, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh đối với tàu khách, bảo quản hàng hóa ở những khu vực dễ xảy ra gián đoạn giao thông vận tải đường sắt do ảnh hưởng của thiên tai như: Nơi mà thiên tai thường xuyên gây hư hỏng công trình đường sắt; khu vực đèo, dốc, hầm; khu vực hẻo lánh. Và biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường khu vực xung yếu, có nguy cơ gián đoạn giao thông vận tải đường sắt khi xảy ra thiên tai.

Trong khi đó, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tham gia chương trình thông tin, truyền thông, giáo dục về PCTN; nâng cao kiến thức về PCTN. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và các đơn vị có liên quan trong việc cập nhật kế hoạch PCTN theo quy định. Đồng thời, tổng hợp kế hoạch PCTN 5 năm và điều chỉnh, cập nhật hàng năm do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng để báo cáo Bộ GTVT.

Đáng chú ý, trước mùa mưa, bão hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình PCTN. Nếu phát hiện công trình có dấu hiệu nguy hiểm không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm.

Trường hợp công trình hư hỏng làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành cần phải sửa chữa đột xuất công trình để bảo đảm an toàn, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tổ chức kiểm tra, đề xuất phương án sửa chữa gửi Cục Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Chủ động, chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương có đường sắt đi qua và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện kế hoạch PCTN...

Ngoài ra, Thông tư 17/2021/TT-BGTVT cũng quy định và hướng dẫn về các nội dung về ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn; các biện pháp và trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn cũng như khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt.

Theo Bộ GTVT, hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong PCTN được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai và Điều 4 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Cùng với đó, khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại xảy ra đối với công trình đường sắt để khôi phục hoạt động giao thông đường sắt, bảo đảm giao thông đường sắt an toàn, thông suốt.

Thông tư 17/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT nhấn mạnh: "Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn, công trình đường sắt, phương tiện hoạt động trên phạm vi khu vực được ứng phó, cứu nạn và bảo vệ môi trường; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động ứng phó, cứu nạn gây ra". 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hành lang pháp lý mới để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai trong lĩnh vực đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO