Đời sống xã hội

Hát Then và những nỗ lực đưa di sản từ bản làng ra thế giới

Ngọc Linh - Mai Anh 01/06/2024 15:52

Đồng bào Tày tỉnh Tuyên Quang có một điệu hát mà người đời truyền tai nhau gọi là “điệu hát thần tiên". Đó là điệu hát Then đặc trưng, trong trẻo, vui tươi và mang đậm âm sắc của núi rừng.

Hiện nay, trước sự đi lên của đời sống xã hội, hát Then không những khẳng định được chỗ đứng bền vững mà đồng thời còn phát triển mạnh mẽ hơn. Sự phát triển này của nghệ thuật hát Then là cả một hành trình nỗ lực từ tất cả các thế hệ của bao người con xứ Tuyên.

Tính bản sắc của điệu hát then

Hát then từ lâu đã đi từ một nét văn hóa trở thành bản sắc của dân tộc người Tày ở vùng cao phía Bắc, đặc biệt tại đất Tuyên Quang, trở thành một món ăn tinh thần đậm đà không thể thiếu trong cuộc sống cộng đồng của họ. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng âm nhạc đặc sắc mang tính tín ngưỡng dân gian, đa phần xuất hiện trong các nghi lễ tâm linh liên quan đến ước nguyện của con người.

Trong quan niệm của người Tày, chữ Then có nghĩa là “Thiên" hay là “Trời". Khi cất lên những điệu then thắm thiết, họ coi đó như một phương tiện để kể câu chuyện nào đó hoặc để mong cầu cho sự hạnh phúc, bình an cho con người và cộng đồng mình. Chính vì xuất phát từ những điều gần gũi nhất từ cuộc sống lao động, hát then phản ánh rõ những giá trị lâu đời thuộc về bản sắc văn hóa và thế giới quan của họ.

so-1.jpg
Hát then từ lâu đã đi từ một nét văn hóa trở thành bản sắc của dân tộc người Tày.

Tháng 12 năm 2019, Tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh hát Then vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chứng minh những giá trị to lớn của di sản này.

Có thể nói, hát then ngày nay đang ở trong một thời kì phát triển rực rỡ, kết nối các thế hệ trong thời hiện đại. Người Tày tại đất Tuyên Quang, từ con trẻ đến người già, từ thanh thiếu niên đến người trưởng thành, tất cả đều mang trong mình một tình yêu say mê đối với điệu hát Then. Và cũng từ đó, mỗi người với mỗi cách yêu riêng đều đang chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy hoạt động nghệ thuật vốn đã được coi là nét tinh hoa của dân tộc.

Chuyện đội “mầm non” hát then

Hát Then ngày nay không chỉ nằm trong đời sống thường ngày của người Tày mà còn gắn liền với hình thức du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang. Nếu du khách có dịp ghé qua những căn homestay đâu đó tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình chắc hẳn cũng sẽ bắt gặp đội văn nghệ trẻ đến từ câu lạc bộ hát Then, đàn tính Thượng Hà, được dẫn dắt bởi cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết.

so-2.jpg
Đội văn nghệ trẻ đến từ câu lạc bộ hát Then, đàn tính Thượng Hà

Chị Ngọc Tuyết hiện đang là giáo viên giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại trường tiểu học Thượng Lâm. CLB hát Then, đàn tính Thượng Hà trước đây thuộc Liên đội trường tiểu học Khuôn Hà, xã Khuôn Hà cạnh xã Thượng Lâm - nơi chị từng giữ chức vụ tổng phụ trách đội. Chị Tuyết vốn không phải là người dân tộc Tày. Chị là người Kinh lên vùng cao công tác và từ đó mang trong mình một tình yêu đặc biệt với tiếng hát của người Tày qua những điệu then.

Năm 2017, chị thành lập câu lạc bộ hát then đàn tính để các bé tiểu học của hai xã Thượng Lâm và Khuôn Hà tham gia sinh hoạt, hoạt động. Cơ hội tình cờ đến như một cái duyên, một người bạn kinh doanh homestay của chị Tuyết đã mời đội văn nghệ của câu lạc bộ đến để biểu diễn. Và cũng chính từ đó, hoạt động của chị cùng các em cũng được phát triển, mở rộng hơn.

Chị Tuyết cho biết, tiêu chí của câu lạc bộ khi nhận thành viên là các bé phải thực sự yêu thích bộ môn này. Các em đều đang trong độ tuổi tiểu học, có những bé mới chỉ chập chững 7 tuổi đã say mê đến lớp học hát. Các ngày trong tuần, các em vẫn đi học bình thường và cuối tuần tập trung tại thôn bản, trường lớp để hoạt động và học tập cùng nhau.

Theo chị Tuyết: “Nghệ nhân hát then hiện nay còn rất ít, để họ đi biểu diễn là rất khó vì họ ngại và đã lớn tuổi”. Tuy vậy, chị vẫn thường xuyên động viên và mời những nghệ nhân, người già trong thôn bản để truyền dạy cách hát Then, đàn tính cho các em. Có những bé nhà ở xa nhưng vẫn chủ động đạp xe để đi học và biểu diễn vì đam mê mãnh liệt với hát Then. Các bé lớn hơn lại dạy cho những em mới chưa biết gì. Những gì các em được học khi ấy không chỉ là cách hát, cách đàn còn là cách các em kể chuyện văn hoá quê hương mình đã những điệu then của dân tộc.

Nhiều du khách Tuyên Quang đặc biệt ấn tượng với cách mà những em trẻ cất lên những lời ca ngọt ngào, trong trẻo và đầy tình yêu quê hương, yêu “cái hồn" của dân tộc qua điệu hát then như “Đường về Lâm Bình", “Mời trầu" hay “Quê em đổi mới"... Lời hát, tiếng đàn của các em đã níu chân bao nhiêu du khách đến với mảnh đất này và kéo họ đến gần hơn với văn hóa bản địa nơi các em sống.

so-3.jpg
Kể chuyện văn hóa quê hương mình qua những điệu Then.

Cho đến thời điểm hiện tại, CLB hát then, đàn tính Thượng Hà do chị Tuyết dẫn dắt đã có sự tham gia của hơn 50 em và 20 nghệ nhân. Ngoài việc biểu diễn ở các homestay cộng đồng, câu lạc bộ cũng có nhiều dịp được biểu diễn trong các chương trình chính trị của xã, tham gia các chương trình về văn hoá truyền thống tại huyện Lâm Bình. Những cột mốc đặc biệt đáng nhớ là khi các em đạt giải xuất sắc tại Cuộc thi hát Then, đàn tính cấp tỉnh năm 2021 hay tham gia biểu diễn tại phố đi bộ, Hà Nội cho chương trình Học bổng gạo năm 2019.

Chị Tuyết chia sẻ, chị và các em trong câu lạc bộ muốn đi nhiều nơi hơn nữa để lan tỏa tiếng hát của người Tày, tiếng hát đến từ quê hương Tuyên Quang của các em. “Khi đã tự hào về dân tộc và tự tin về bản sắc dân tộc thì đó sẽ là nòng cốt và nền tảng để các em phát triển bản thân mình" - chị Tuyết tự hào.

Chàng then làm Youtube

Khi giữ gìn then cổ đi đôi với tình thần phát huy và đổi mới - đó là hành trình đầy cảm hứng của nghệ nhân Chu Văn Thạch - người đã “thổi hồn" vào di sản ngàn đời của dân tộc mình. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ tại thôn Buôn, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, anh Thạch đã mở cho mình một xưởng làm đàn tính nho nhỏ cùng những người bạn, ghi hình những bài học hát then trực tuyến tải lên Youtube và cũng tại đó sáng tạo ra những “nét mới" cho nghệ thuật hát then.

dsc06389.jpg
Nghệ nhân Chu Văn Thạch - người đã “thổi hồn" vào di sản ngàn đời của dân tộc mình

Từ nhỏ, khi mới chỉ là một cậu bé người Tày, anh Thạch đã nuôi dưỡng trong mình niềm say mê điệu then lúc nghe đài và sau đó gặp được người thầy mà cho đến nay anh vẫn vô cùng trân quý, biết ơn. Từ thời điểm đã học thành thạo đàn tính, hát then, anh Thạch đã tìm nhiều cách để cải tiến âm thanh của chiếc đàn vì bản thân anh cảm thấy chưa đủ thỏa mãn. Trong hành trình làm ra cây đàn cho riêng mình, anh cũng đã gặp được những người bạn, những người cùng chia sẻ đam mê và yêu thích cây đàn tính mới lạ của anh. Nhờ điểm gặp gỡ này, nghệ nhân Chu Văn Thạch đã thực hiện được ước mơ mở xưởng chế tác đàn tính tại chính quê nhà của mình.

Chu Văn Thạch còn được biết đến là một “thầy giáo” vô cùng tâm huyết trên nền tảng mạng xã hội Youtube. Cho đến nay, anh sở hữu 2 kênh Youtube chính thức là “Chu Thạch Official” và “Đàn tính Chuthach” với gần 15 nghìn lượt theo dõi.

Kể chuyện về nguồn cảm hứng làm Youtube, anh Thạch thấy rằng cho cùng vẫn là xuất phát từ tình yêu của anh với nghệ thuật hát then. Trong quá trình tự nghiên cứu và tìm hiểu, anh nhận thấy những thay đổi trong khuynh hướng của những người cùng đam mê. Ngày xưa, người đam mê hát then phải biết chơi đàn tính mới hát được then. Càng về sau, nhiều người muốn hát then nhưng lại bỏ cuộc vì không biết đàn cây đàn tính. Từ đây, anh Thạch nảy ra ý tưởng làm nhạc để người ta hát then không cần phải đắn đo nữa.

Với nghệ nhân Chu Văn Thạch, sự phát triển của công nghệ số thời đại ngày nay vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội mới cho hành trình giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật của dân tộc. Chính bởi suy nghĩ này, anh đã nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mạng xã hội đem lại, dựa vào đó để lan tỏa kiến thức, chia sẻ những gì mà bản thân anh học được cho những người chưa biết cũng đam mê hát then và đàn tính.

Những video trên Youtube của anh Thạch đang làm không chỉ là những bài giảng từ cơ bản đến nâng cao về hát Then, đàn tính còn là những video anh giao lưu với các nghệ nhân hát then đến từ nhiều địa phương, tỉnh thành khác trên tổ quốc. Nhưng nổi bật hơn cả, những thước phim nghệ nhân Chu Văn Thạch biểu diễn trên các sân khấu lớn cả trong nước và quốc tế luôn thu hút được nhiều lượt quan tâm nhất.

Ở thôn Buôn nói riêng và xứ Tuyên nói chung, anh Thạch nổi tiếng được biết đến như một nghệ nhân hát Then tuy trẻ nhưng xuất chúng và có nhiều thành tích xuất sắc. Khi có cơ hội được đứng trên những sân khấu tầm cỡ, được biểu diễn trước biết bao công chúng quốc tế, anh thấy vô cùng tự hào. Anh Thạch chia sẻ, đó là những kỉ niệm vô cùng ý nghĩa khi được mang âm hưởng, tiếng hát của dân tộc mình lan tỏa đến bạn bè nước ngoài, để họ hiểu về văn hóa, nét đẹp của dân tộc mình.

Nhìn lại hành trình tự học, tự làm nghề của mình, nghệ nhân Chu Văn Thạch thấy rằng anh đã sống và nỗ lực lan tỏa giá trị của hát then, đàn tính một cách tâm huyết nhất. Chàng then ấy đã viết nên câu chuyện của một người trẻ mang trong mình khát khao truyền lửa, truyền năng lượng tích cực cho các bạn trẻ khác về tinh thần gìn giữ tiếng hát then cổ của dân tộc. Và trên con đường này, anh Thạch vẫn luôn mong muốn sẽ có nhiều hơn những người trẻ có thể bước cùng mình để thực hiện sứ mệnh quảng bá văn hóa của dân tộc đến với bạn bè bốn phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hát Then và những nỗ lực đưa di sản từ bản làng ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO