Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, truyền tin, dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) là nhiệm vụ hàng đầu của ngành KTTV hiện nay; đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động chung của ngành. Đồng thời, đánh giá đúng các rủi ro thiên tai sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại do chủ động phòng chống và phòng chống đúng mức.
Số hóa các thiết bị là điều tất yếu
Theo GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ngành KTTV với bề dày lịch sử, từ khi thành lập cho đến nay đã không ngừng khẳng định vai trò, vị trí của mình qua các đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhất là phòng chống thiên tai.
Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, truyền tin, dự báo KTTV là nhiệm vụ hàng đầu của ngành KTTV hiện nay; đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động chung của ngành. Đồng thời, đánh giá đúng các rủi ro thiên tai sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại do chủ động phòng chống và phòng chống đúng mức.
Với các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm, việc số hóa các thiết bị là điều tất yếu. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và tiêu chuẩn của các nước trong khu vực, Trung tâm Quan trắc KTTV đang tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quan trắc; đặc biệt là phát triển các hệ thống quan trắc ra phía biển, quan trắc các hiện tượng thiên tai cực đoan (xâm nhập mặn, xói lở bờ sông khu vực ĐBSCL…) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trên phạm vi cả nước.
Tổng cục KTTV thông tin, để có được bản tin dự báo chính xác, việc xử lý số liệu là khâu hết sức quan trọng, vừa đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời, thống nhất và chính xác. Do vậy, các công nghệ của chúng ta cũng đang từng bước chuyển sang số hóa để vừa đảm bảo chính xác khách quan từ khâu kiểm tra chất lượng số liệu QI, QC một cách tự động; bên cạnh đó có sự kiểm soát của con người. Hệ thống này đồng bộ, hiện đại, chúng ta sẽ có được bộ xử lý dữ liệu chuẩn phục vụ cho bài toán đồng hóa số liệu với các số liệu quan trắc từ bề mặt đến các số liệu phi truyền thống như: vệ tinh, rada, định vị sét…
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV, hệ thống quan trắc đã tranh thủ của các cơ quan quốc tế; nhờ đó, công nghệ quan trắc KTTV và môi trường đang từng bước hiện đại và đồng bộ. Đến nay, hệ thống thiết bị đo tự động trong mạng lưới quan trắc KTTV đã từng bước được tăng lên rõ rệt. Dù vậy, so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn; đặc biệt là so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tỉ lệ tự động hóa giữa các bộ môn cũng khác nhau, khí tượng đạt 40,1% (có một số yếu tố như gió, mưa đạt hơn 80%), thủy văn đạt 39,4% và hải văn đạt 70,7%.
Mới đây, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ). Dự án “Chuyển giao công nghệ Flood4Cast® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội” nằm trong khuôn khổ chương trình ODA viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Bỉ cho Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là cảnh báo sớm ngập lụt do mưa lớn cho khu vực nội thành thành phố Hà Nội giảm thiểu tác động của ngập lụt đô thị do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh và nâng cao năng lực dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm, cảnh báo thời gian thực các thiên tai do mưa lũ.
Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, là nơi thường xuyên hứng chịu nhiều đợt ngập lụt gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ngập lụt khi mưa lớn đã xảy ra ở Hà Nội từ nhiều năm nay, xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, tình trạng ngập lụt khi có mưa ngày càng trầm trọng hơn.
Do đó, thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho thành phố Hà Nội mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do mưa, ngập lụt gây ra.
Dự án này được kỳ vọng sẽ đưa ra các thông tin cảnh báo sớm thời gian thực về ngập lụt trước từ 3-6 giờ. Điều này cho phép nhà chức trách đưa ra quyết định tối ưu hơn và chủ động hành động hơn trong việc triển khai các hoạt động ứng cứu can thiệp tới những nơi cần nhất cũng như thông báo kịp thời tới người dân ở các khu vực có nguy cơ cao.
Chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác dự báo
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hợp tác quốc tế hội nhập, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác KTTV. Vì vậy, để tăng cường công tác KTTV phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai.
“Khoa học cũng như thực tiễn cho thấy, muốn dự báo được, ngoài những thông tin KTTV thì cần thiết phải có nhiều thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, tác động tới điều kiện KTTV”, ông Trần Hồng Thái cho hay.
Tổng cục KTTV cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công - tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện ngành KTTV đang được quản lý, sử dụng.
Thời gian tới, với các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm, việc số hóa các thiết bị là điều tất yếu. Trên cơ sở khuyến cáo của WMO và tiêu chuẩn của các nước trong khu vực, Trung tâm Quan trắc KTTV đang tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quan trắc; đặc biệt là phát triển các hệ thống quan trắc ra phía biển, quan trắc các hiện tượng thiên tai cực đoan (xâm nhập mặn, xói lở bờ sông khu vực ĐBSCL…) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trên phạm vi cả nước.
“Với hệ thống công cụ phát triển đồng bộ từ hệ thống quan trắc, xử lý truyền tin, các mô hình công cụ dự báo hiện đại đang được áp dụng tại Tổng cục KTTV, cập nhật kịp thời với sự trao đổi của quốc tế để đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo sớm nhất, chính xác nhất, đầy đủ nhất cho các ngành kinh tế, xã hội”, ông Đỗ Huy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc KTTV thông tin.