Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đầu tư 32 tỷ đồng xây dựng cơ sở dữ liệu

04/11/2015 07:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Lễ ký kết dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” giữa Hiệp Hội Bảo hiểm Việt Nam và Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã diễn ra vào chiều ngày 05/01/2012, tại Hà Nội. Dự án BI-GIS (Business Intelligence - Geographic Information System) có giá trị 32 tỷ đồng, nhằm mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng một hệ thống đồng bộ và thống nhất cho công tác quản lý và giám sát bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới trong toàn quốc.

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và FPT IS tại Lễ ký kết hợp đồng

Theo dự án, FPT IS sẽ cung cấp cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam bản quyền phần mềm SAP Business Object, dịch vụ triển khai phần mềm, cho thuê máy chủ, phần mềm hệ thống phục vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cho thuê trung tâm dữ liệu và đường truyền. Dự án được triển khai trong vòng 5 năm, trong đó phần xây dựng hệ thống là 1 năm và phần thuê trung tâm dữ liệu, bảo hành, bảo trì kéo dài trong 4 năm tiếp theo.

Hiện nay, cả nước có trên 32 triệu xe mô tô, xe máy (trong đó có khoảng 7,5 triệu xe đã tham gia bảo hiểm), hơn 1,5 triệu xe ô tô (trong đó có khoảng 1,4 triệu xe đã tham gia bảo hiểm). Theo dự báo, đến năm 2015, số lượng mô tô, xe máy sẽ đạt trên 35 triệu xe; đến năm 2020 số lượng mô tô, xe máy sẽ đạt 36 triệu xe, số lượng ô tô sẽ đạt 5 triệu xe. Số lượng xe tham gia giao thông rất lớn như vậy gây ra những rủi ro cho cộng đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản. Trong khi đó, việc xác định xe tham gia lưu thông đóng bảo hiểm, cũng như công tác bồi thường gặp nhiều khó khăn do chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện trách nhiệm dân sự của chủxe cơ giới. Bài toán quản lý trên vượt ngoài khả năng xử lý của công tác tập hợp thông tin thủ công thông thường.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trước năm 2012, việc các doanh nghiệp bảo hiểm tự xây dựng cơ sở dữ liệu riêng theo nhu cầu của mình và kết nối các cơ sở dữ liệu này với nhau không khả thi, do đó đòi hỏi một giải pháp tin học tổng thể, chuẩn mực, tiên tiến, có khả năng đáp ứng những yêu cầu nghiệp vụ hiện tại cũng như những định hướng trong tương lai của doanh nghiệp.

Việc ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho toàn ngành bảo hiểm dưới sự quản lý của Nhà nước (trực tiếp là Bộ Tài chính) là việc làm cần thiết, bước đi thích hợp. Sau khi có cơ sở dữ liệu chung, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu của mình tương thích có thể kết nối với cơ sở dữ liệu chung. Qua đó các đơn vị bảo hiểm sẽ cải thiện tối đa hiệu quả công tác quản lý bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới trong cả nước, giải quyết nhanh gọn hơn những trường hợp bồi thường khi có tai nạn giao thông xảy ra. Cơ sở dữ liệu này sau khi được xây dựng sẽ phục vụ nhiều đối tượng khác nhau như: Các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm và Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm và các cơ quan hữu quan khác như Công an, Đăng kiểm, Bệnh viện... Hệ thống sẽ được xây dựng với đầy đủ các phân hệ chính: Kho dữ liệu về bảo hiểm (bắt buộc và tự nguyện) trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Phân hệ kết nối dữ liệu đầu vào; Phân hệ báo cáo đầu ra; Phân hệ bản đồ số nền và Phân hệ quản trị hệ thống.

Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - Trưởng Ban điều hành Quỹ - Trưởng Ban Quản lý dự áncho biết: “Hiện nay, lượng phương tiện và chủ phương tiện giao thông tham gia bảo hiểm rất lớn, chủng loại phức tạp khiến công tác thu thập, cập nhật thông tin dành cho quản lý gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm tương đối lớn và trình độ nghiệp vụ cũng như hạ tầng CNTT không đồng đều. Trong khi đó, quá trình bán bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là xe gắn máy thường diễn ra nhanh chóng tại các điểm bán lẻ. Áp lực từ cạnh tranh khiến cho các công ty thường không thu thập được đầy đủ thông tin về phương tiện, chủ phương tiện như quy định, chưa kể địa bàn quản lý là trên phạm vi toàn quốc, dẫn đến khả năng thống nhất về tác nghiệp, quản lý với các thông tin chính xác và thời gian nhanh nhất thực sự là một thách thức. Chính vì thế, việc ứng dụng CNTT nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất, hiện đại là chìa khóa để giải quyết hiện trạng này”.

Ông Lộc cũng hi vọng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ kết nối với sở sở của Cảnh sát Giao thông, đăng kiểm, bệnh viện để đẩy nhanh thủ tục và thời gian giải quyết bồi thường, điều trị người bị nạn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông bị nạn. Đồng thời cơ sở dữ liệu này phân tích được nguyên nhân, mức độ thời gian, độ tuổi của ngườibị nạn, chủ xe, lái xe gây tai nạn, loại xe và hỏng hóc thiệt hại của xe gây ra tai nạn phục vụ cho công tác quản lý giám sát và hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngày càng tốt hơn.

Việc áp dụng công nghệ BI-GIS vào quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu bảo hiểm rất phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là sản phẩm kết tinh của hai công nghệ quản lý và phân tích thông tin đặc biệt quan trọng trong các tổ chức, doanh nghiệp: GIS – hệ thống thông tin địa lý và BI – hệ thống quản trị thông minh. GIS là công nghệ cho phép linh hoạt gắn dữ liệu đặc thù lên khung bản đồ để tạo thành các bản đồ chuyên ngành khác nhau như bản đồ địa chất, bản đồ địa hình…BI là công nghệ cho phép trích xuất những thông tin hữu ích từ một tập hợp dữ liệu hỗn hợp, khổng lồ, từ đó cho phép nhà quản trị đưa ra các quyết định phức tạp, phản ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Sự kết hợp giữa BI-GIS giúp doanh nghiệp tổ chức tối ưu hóa hoạt động và hiệu quả đầu tư.

FPT IS đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án BI-GIS như: Quản lý đất đai, tài sản, các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp trên bản đồ số tại Bến Tre, Khánh hòa và Quận Đống Đa – Hà Nội; Quản lý và định vị đối tượng trên nền bản đồ số sử dụng công nghệ định vị toàn cầu (GIS/GPS) cho Bộ Công An; Quản lý mạng lưới, chi nhánh và thiết bị trên bản đồ số cho ngân hàng BIDV; Hệ thống thông tin quản lý mạng đưới đường giao thông cho Bộ Giao thông Vận Tải… Từ kinh nghiệm sẵn có này, ông Dương Dũng Triều – Tổng Giám đốc FPT IS, khẳng định: “Các chuyên gia của FPT IS sẽ nghiên cứu các giải pháp nhằm xây dựng một hệ thống có khả năng bảo đảm tính ổn định và trong vòng 5 năm tới, đáp ứng được lượng dữ liệu cũng như giao dịch lớn đến 3-4 lần hiện tại khi những dự báo về số lượng ô tô và mô tô tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh”.

Mạnh Vỹ

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đầu tư 32 tỷ đồng xây dựng cơ sở dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO