Hiệu quả từ việc nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc

Quỳnh Chi| 07/12/2021 11:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Có thể nói vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Thực hiện tốt chính sách dân tộc chính là tạo thêm cơ sở, tiền đề, động lực để nhằm ổn định và phát triển bền vững trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các địa phương cần đẩy mạnh nâng cấp nền tảng CNTT để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.

Quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng

Quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc là tác động của cơ quan quản lý nhằm điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào các dân tộc, để những hoạt động đó diễn ra theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hệ thống cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc từ Trung ương xuống địa phương chính là chủ thể của hoạt động này.

Để thực hiện công tác QLNN về công tác dân tộc kịp thời, hiệu quả thì việc ứng dụng CNTT trong thống kê, báo cáo, thông tin về tình hình phát triển của lĩnh vực dân tộc và công tác quản lý được đánh giá là cần thiết và quan trọng.

Hiện nay, xây dựng hệ thống thông tin về tình hình dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc bao gồm việc áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng và tổ chức hệ thống thông tin trong hệ thống cơ quan QLNN về công tác dân tộc; thu thập số liệu thống kê về tình hình vùng dân tộc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và địa phương; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thiên tai, lũ lụt .. vùng dân tộc, miền núi để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan làm công tác thông tin, thực hiện báo cáo tình hình vùng dân tộc, miền núi.

Bài học tại Hà Giang

Nhằm triển khai nền tảng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và công tác dân tộc nói riêng trên địa bàn, Hà Giang đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều nội dung. Trong đó, phải kể đến như hoàn thành triển khai 225 điểm gồm 32 điểm sở ngành, UBND cấp huyện và 193 cấp xã. 100% sở, ban, ngành, huyện, xã đã có mạng LAN, kết nối Internet. Gần 9.000 máy tính được trang bị tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh để thiết lập mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Tính đến nay, số trạm thu phát sóng đạt hơn 2.400 trạm, trong đó có hơn 700 trạm 4G. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có mạng Internet bang rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%. Cơ bản các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã có mạng cáp quang.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được triển khai, trở thành hạ tầng kỹ thuật CNTT quan trọng, cho phép kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước. Một số ngành, đơn vị đã triển khai và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành như: Sở Tài nguyên và Môi trường, ngành Tài chính.

Hiệu quả từ việc nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Hà Giang cũng đã xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu: về tài sản công; quản lý giá; mã số đơn vị có quan hệ với Ngân sách; thu chi ngân sách Nhà nước; khoa học và công nghệ (thư viện); nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; ngành Giáo dục và Đào tạo; quản lý cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn… Ngoài ra, hàng năm tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để triển khai hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã tham gia tổng hợp và đưa dữ liệu thống kê thực trạng kinh tế xã hội của các DTTS lên Trang Thông tin điện tử để các cơ quan khai thác.

Tăng cường chuyển giao công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số

Hiểu được vai trò của ứng dụng công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số, trong vài năm trở lại đây, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS và MN khá đa dạng về loại hình, cấp độ tạo ra hiệu quả và tác động tích cực đến sự phát triển vùng DTTS và MN trong phạm vi cả nước.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBDT giai đoạn 2012-2020 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14/7, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó: thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý KH&CN, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiệu quả từ việc nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc - Ảnh 2.

Chuyển giao công nghệ trong sản xuất sẽ giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao đời sống và sinh hoạt.(Ảnh: Anh Hùng).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết sau gần 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình CTDT/16-20 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình đã tập trung giải quyết tốt một số mục tiêu cụ thể như: Cung cấp đầy đủ các luận cứ để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Công tác tổ chức quản lý được thực hiện chặt chẽ, bài bản, đúng mục đích và đáp ứng tốt các quy định của pháp luật; Cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc thiểu số và các chính sách dân tộc phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện chính sách giai đoạn tiếp theo; Thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia…

Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được của giai đoạn I, mục tiêu của Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm nghiên cứu, cung cấp luận cứ, giải pháp khoa học, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN trên nền tảng văn hóa, tri thức cộng đồng phục vụ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi;  Đánh giá kết quả, hiệu quả tác động gắn với công tác theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG; Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp KH&CN dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng KH&CN cho tổ chức, cá nhân.  

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ việc nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO