Hoàn thành đào tạo nền tảng số cho hơn 300.000 học sinh, sinh viên Việt Nam

NK| 22/02/2022 13:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 22/2, hơn 300.000 học sinh, sinh viên (HS-SV) tại 09 tỉnh thành đã được đào tạo về lập trình ngôn ngữ Scratch và Robotics, ứng dụng bo mạch Micro:bit, kiến thức kỹ năng số và sử dụng Internet an toàn từ dự án giáo dục miễn phí "Lập trình tương lai cùng Google" do Google cùng Quỹ Dariu phối hợp thực hiện.

Một hành trình ươm tạo giấc mơ

Dự án "Lập trình tương lai cùng Google" là một trong nhiều nỗ lực của Google nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam. Dự án bắt đầu giai đoạn 1 từ tháng 5/2018 đã hoàn thành mục tiêu ban đầu là ươm mầm ước mơ, đam mê khoa học máy tính cho trẻ em. 100% các em hoàn thành khóa học đều có thể tạo ra sản phẩm lập trình của mình bằng ngôn ngữ Scratch. 

Các em đã cùng lập nhóm sáng tạo ra những tác phẩm đặc sắc như Cùng học Tiếng Anh hay trắc nghiệm kiến thức. Phần thưởng cho sự sáng tạo của các em là chuyến tham quan Bảo tàng Khoa học tại Singapore do Google tài trợ để chắp cánh cho những giấc mơ và truyền cảm hứng cho các em qua buổi trò chuyện với những kỹ sư tại văn phòng Google.

Tháng 12/2019, Google Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục phối hợp cùng Quỹ Dariu mở rộng dự án giáo dục "Lập trình tương lai cùng Google" cho năm học 2019 - 2020. Đúc kết nhu cầu thực tiễn từ giai đoạn 1, giai đoạn 2 đã được bổ sung rất nhiều kiến thức đa dạng và hoàn chỉnh hơn theo các cấp học, bao gồm: lập trình ngôn ngữ Scratch và Robotics, ứng dụng bo mạch Micro:bit, kiến thức kỹ năng số và sử dụng Internet an toàn theo bộ tài liệu quy chuẩn Be Internet Awesome - Em An toàn hơn cùng Google. Những kiến thức này trang bị nền tảng vững chắc cho các em tự tin bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số.

Đối tượng của giai đoạn 2 (2019-2020) cũng mở rộng hơn, bao gồm học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (THPT) và học viên khối nghề nghiệp với số lượng mục tiêu lên đến 150.000 HS-SV (tăng 100 lần so với giai đoạn 1), và 350 giáo viên được đào tạo với những kiến thức giảng dạy bổ sung đa dạng hơn với phạm vi triển khai phủ rộng tại 15 tỉnh thành Bắc - Trung - Nam. 

Chương trình triển khai đến tận các trường miền núi tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng hay vùng sông nước ở Sóc Trăng nhằm giúp các em có thể tiếp cận được những công nghệ mới nhất, tăng khả năng cạnh tranh của các học sinh vùng nông thôn so với thành thị, và thúc đẩy cân bằng giới trong việc tiếp cận học lập trình của các bé gái.

Hoàn thành đào tạo nền tảng kỹ thuật số cho hơn 300.000 học sinh, sinh viên Việt Nam - Ảnh 2.

Các em học sinh trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long với sản phẩm lập trình ứng dụng bo mạch micro:bits

Đáng chú ý, triển khai thực tế của giai đoạn 2 đạt thành công vượt mong đợi hơn gấp đôi mục tiêu ban đầu đề ra. Cụ thể, từ mục tiêu 150.000 HS-SV, con số này đã lên đến 299.262 HS được đào tạo về các chủ đề Lập trình (đạt 247%) tại 274 trường thuộc 9 tỉnh/thành phố, 30.699 học viên khối nghề nghiệp (THPT & cao đẳng/đại học) được đào tạo về chủ đề kỹ năng số tại 09 tỉnh/thành phố. Trong đó, 218.847 HS được tìm hiểu về chủ đề sử dụng Internet hiệu quả & an toàn (đạt 146%) tại 574 trường thuộc 9 tỉnh/thành phố. Phạm vi triển khai thực tế là 16 tỉnh/thành phố.

Với mục tiêu xây dựng nền tảng bền vững, dự án không chỉ đào tạo các HS-SV mà còn tập huấn cho các giáo viên nhằm duy trì môi trường giảng dạy đào tạo được tiếp nối liền mạch sau khi dự án kết thúc. Theo đó, 387 giáo viên nguồn đã được đào tạo (đạt 110% so với mục tiêu) tại 09 tỉnh/thành phố.

Xây dựng nhân lực kỹ thuật số

Theo báo cáo Việc làm tương lai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 65% trẻ em đang học tiểu học hôm nay sẽ làm những công việc ngành nghề thậm chí chưa tồn tại ngày nay. Do đó, dự án đã gặt hái được sự thành công từ việc khơi dậy đam mê sáng tạo cũng như tư duy logic, và cách thức để phát triển sự đam mê đó bằng cách trang bị những kỹ năng năng động và kiến thức để thích ứng linh hoạt với những thách thức, thay đổi và đòi hỏi của kỷ nguyên số. Điều này là việc làm rất cần thiết hiện nay, đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên không thuộc khu vực thành thị, giúp các em có thể tạo dựng nền tảng cuộc sống vững chãi và là công dân giá trị cho xã hội.

Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Qua các năm thực hiện giáo viên đã được tập huấn chương trình mới cập nhật kịp thời xu hướng hiện đại. Việc tiếp cận chương trình cũng cải thiện mặt chuyên môn, hiểu biết của giáo viên và HS. Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai chương trình trong thời gian tới, hướng dẫn và phát động tham gia các cuộc thi; Lồng ghép các nội dung giảng dạy kết hợp tin học cơ bản theo chương trình của Bộ GD&ĐT với hoạt động các câu lạc bộ và tạo điều kiện cho HS tham gia chương trình, đồng thời tổ chức thêm các lớp tập huấn giúp giáo viên và học sinh tiếp cận các ngôn ngữ lập trình mới".

Theo bà Trâm Nguyễn, Giám đốc phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia tại Google, trong hai năm đại dịch vừa qua với những chuyển biến từ học tập - vui chơi - sinh hoạt và làm việc sang môi trường số càng minh chứng cho việc thích ứng dựa trên những kỹ năng nền tảng là rất quan trọng. "Đây sẽ là các thế hệ tạo ra những bước tiến mới tốt đẹp cho chính các em, và cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như là mục tiêu và cam kết của Google tạo ra cơ hội số cho mọi người Việt", bà Trâm Nguyễn nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành đào tạo nền tảng số cho hơn 300.000 học sinh, sinh viên Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO