Hoàn thành kết nối văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia

PV| 28/04/2020 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Trục liên thông văn bản quốc gia ngoài phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử còn là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Văn phòng Chính phủ (VPCP) trong triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Hình thành mạng lưới trao đổi thông tin, văn bản thông suốt

Tại cuộc họp về phương án kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia giữa VPCP với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP sẵn sàng đồng hành cùng MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, từ ngày 12/3/2019 (thời điểm khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia) đến nay, có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính.

Hoàn thành kết nối văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Sau hơn 1 năm tích cực triển khai, đến nay 94/94 cơ quan Trung ương và địa phương (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành và thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử 2 cấp chính quyền thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới trước ngày 30/6/2020, hoàn thành kết nối 4 cấp chính quyền.

Trục liên thông văn bản quốc gia ngoài phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử còn là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của VPCP trong triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bao gồm: Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).

Các hệ thống này từ khi triển khai đến nay cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong năm 2019, Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng DVCQG, Hệ thống e-Cabinet được bình chọn là những sự kiện, sản phẩm ICT tiêu biểu.

Trong thời gian tới, VPCP rất mong muốn nhận được sự quan tâm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản giữa VPCP và các cơ quan để hình thành mạng lưới trao đổi thông tin, văn bản thông suốt, góp phần từng bước hiện đại hoá nền hành chính Việt Nam.

Số lượng văn bản điện tử tăng mạnh

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã giới thiệu về Trục liên thông văn bản quốc gia. Ngoài các Bộ, ngành, địa phương, VPCP đã triển khai kết nối và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và một số cơ quan tỉnh Uỷ, đang thử nghiệm kết nối tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp (VNPT, Viettel, EVN, VNPost, Vietcombank…). Tổng cộng hiện nay Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối tới 129 điểm.

Trong tháng 3/2020, số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận đã tăng gấp 5 lần so với tháng đầu tiên khi vận hành Trục, đặc biệt trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hàng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.

Theo ước tính của VPCP, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng một năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính công ích.

Hoàn thành kết nối văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia - Ảnh 2.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo các cơ quan để công tác liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị được triển khai hiệu quả.

Bên cạnh đó, gửi nhận văn bản điện tử còn góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; cho phép lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Ngoài ra, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Triển khai kết nối, liên thông càng sớm càng tốt

Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá Trục liên thông văn bản quốc gia có ý nghĩa quan trọng và đã được minh chứng trong thời gian qua. Tại Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc triển khai ứng dụng CNTT tại Ủy ban MTTQ Việt Nam còn có sự lúng túng. Do đó Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn VPCP hỗ trợ MTTQ Việt Nam trong việc kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong công việc.

Theo Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan Trung ương Hội. Sau ngày 30/4, sẽ phối hợp với Viettel thử nghiệm kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Đại diện Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cũng cho biết đã đủ điều kiện để kết nối.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành đánh giá MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều đã tiến hành triển khai ứng dụng CNTT tại cơ quan mình, có những nơi đạt mức độ cao. Sau ngày 30/4, VPCP sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch, cử các tổ công tác để triển khai ngay việc kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia, cố gắng hoàn thành công việc này trong tháng 5.

Trong khi đó, Ban Cơ yếu Chính phủ, VNPT, Viettel cho biết sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức chính trị-xã hội.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Trục liên thông văn bản quốc gia là bước tiến bộ để xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử không phải là mỗi Chính phủ mà có cả các tổ chức chính trị-xã hội".

Cho rằng thành công hay không là do lãnh đạo, người đứng đầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo các cơ quan để công tác liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị được triển khai hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, VPCP sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp để có thể sớm hoàn thành kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa VPCP và các đơn vị.

"Trước mắt là hoàn thành việc kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Nhưng không dừng lại ở đó. Tiếp theo sẽ là triển khai các dịch vụ công cho các hội viên. Sau đó sẽ là hệ thống thông tin báo cáo... Chúng ta làm từng bước, nhưng quyết liệt để dần hiện đại hóa nền hành chính", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành kết nối văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO