Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Ngọc, Công ty Cổ phần FPT Online, phụ trách kỹ thuật của báo VnExpress tại Hội thảo ngày IPv6 Việt Nam diễn ra hôm 6/5/2019 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Ngọc
Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết báo điện tử VnExpress đã có 18 năm hình thành và phát triển với mục tiêu cao nhất là phục vụ công chúng. Tất cả thông tin được báo xuất bản với định hướng nhanh, chính xác và tin cậy. Chính vì vậy, báo đã có được một lượng độc giả trung thành cao, lên đến 41 triệu người dùng thường xuyên.
Ngoài trang báo lớn VnExpress, báo còn có các trang ngoisao.net, iOne, Hope, các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử, thanh toán…
Luôn hướng đến phục vụ tốt nhất người đọc, do đó, báo quan tâm đến trải nghiệm người dùng. Toàn bộ các trang báo được tối ưu trên tất cả các nền tảng và có cả ứng dụng dành cho người đọc.
Theo số liệu thống kê cuối năm 2018, báo đạt trung bình hàng tháng hơn 1,2 tỷ page view, trong đó bạn đọc truy cập qua máy tính bảng chiếm 6,3%, máy tính để bàn/laptop chiếm 22,7%, cao nhất là truy cập qua điện thoại di động chiếm 71%. Truy cập báo qua di động tiếp tục chiếm ưu thế.
“Với vai trò là nhà cung cấp nội dung lớn cùng mong muốn đem đến sản phẩm tốt nhất cho độc giả, Ban lãnh đạo của VnExpress đã sớm thấy được những khó khăn, hạn chế của IPv4 và sự cần thiết, lợi ích của IPv6, do đó kế hoạch chuyển đổi lên IPv6 đã nhận được sự đồng thuận cao”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Trao đổi về kinh nghiệm triển khai IPv6 tại báo VnExpress, ông Ngọc chia sẻ báo đã thực hiện triển khai IPv6 theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn chuẩn bị (2010 – 2012): Nhóm nghiên cứu IPv6 đã được thành lập gồm các thành viên của đội hạ tầng, hệ thống được gửi đi tham gia các khóa đào tạo về IPv6 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC). Nhóm cũng đã nghiên cứu các tài liệu về IPv6, sau đó tổng hợp các giải pháp triển khai và xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 cho các dịch vụ của FPT Online, trong đó có báo VnExpress. Song song với việc thành lập nhóm, FPT Online cũng đã xin cấp dãy IPv6 cho ứng dụng thực tế sau này.
Giai đoạn khởi động (2013 – 2015): Việc triển khai IPv6 được thực hiện theo 3 bước: Triển khai mạng nội bộ sử dụng song song IPv4/IPv6, Truy cập các dịch vụ IPv6 bên ngoài như Office 365,Google, Facebook,… và triển khai thử nghiệm các website nội bộ.
Ông Ngọc cho hay giai đoạn này chưa có trường hợp điển hình để FPT Online học hỏi kinh nghiệm nên phải tự mày mò, tham khảo các trường hợp nước ngoài và nhận thấy cần thay đổi một số thiết bị cũ. Bên cạnh đó, việc thành lập nhóm nhỏ để triển khai là chưa đủ mà cần phải xây dựng đội ngũ triển khai từ cấp lãnh đạo kỹ thuật cao nhất và khối nội dung. Việc xây dựng hạ tầng triển khai IPv6 cần tách bạch với hệ thống IPv4 hiện tại.
Giai đoạn triển khai (2016 - 2019): Ngay từ đầu năm 2016, FPT Online đã đưa ra chương trình triển khai chuyển đổi IPv6. Năm 2016, FPT Online ban đầu thử nghiệm triển khai chuyển đổi cho các trang nhỏ, dịch vụ nhỏ.
Năm 2017 được dự kiến chuyển đổi cho các trang nhỏ và triển khai mạnh vào năm 2018 - 2019 cho các trang ngoisao.net, vnexpress.net và cung cấp dịch vụ hoàn toàn trên nền tảng IPv6 vào năm 2020.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho hay, vào năm 2016 khi kiểm thử cho các trang nội bộ, FPT Online nhận thấy có thể triển khai sớm một số trang và đầu năm 2017, 9 website nội bộ đã được kiểm thử. Đến cuối năm 2017, toàn bộ 14 trang của FPT Online, trong đó có trang VnExpress đã được triển khai chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6. Cuối năm 2018, VnExpress.net đạt 11,8% tỷ lệ traffic IPv6 trên tổng lượng traffic truy cập.
Tỷ lệ truy cập IPv6 năm 2018 so với năm 2017 đã tăng lên đáng
Có được sự thành công sớm trong triển khai IPv6, ông Ngọc cho hay yếu tố quan trọng là có sự đồng thuận cao từ Ban lãnh đạo FPT Online và báo. Tiếp theo là việc xây dựng đội triển khai IPv6 phải bao gồm đội hạ tầng kết nối, đội lập trình và kiểm thử. Nhòm phải có sự phối hợp chặt chẽ kiểm thử hệ thống trước khi ra hiện diện trực tuyến.
Việc triển khai IPv6 cũng cần được thực hiện theo cách chia nhỏ, triển khai nhỏ, thành công rồi triển khai rộng. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực từ VNNIC.
Theo VNNIC, Thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, Công ty FPT Online là đơn vị đầu tiên đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Báo điện tử VnExpress (từ năm 2017), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (chuyển đổi đầu năm 2019). Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều báo điện tử có lượng truy cập lớn vẫn chưa chuyển đổi sang IPv6.