Hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính thức đưa hệ thống quản lý xăng dầu vào triển khai

Hoàng Linh| 29/08/2022 05:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra một số kiến nghị để chính thức đưa hệ thống quản lý xăng dầu vào triển khai sau thời gian thí điểm.

Tích cực triển khai thí điểm hệ thống quản lý xăng dầu

Tại phiên họp thứ ba của Uỷ ban Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cho biết tiếp tục thực hiện chương trình CĐS Quốc gia, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống quản lý xăng dầu được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống được xây dựng chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 áp dụng thực hiện đối với thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu; giai đoạn 2 sẽ áp dụng với tất cả các hệ thống kinh doanh, bán lẻ với 17.000 đơn vị kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mô hình quản lý tập trung, số hoá toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên phạm vi toàn quốc như vậy sẽ góp phần giúp Bộ Công thương, các cơ quan quản lý, điều hành xăng dầu có thể nắm bắt được tình hình của thị trường, nhu cầu cung ứng và tiêu thụ của thị trường một cách khá chính xác. Đồng thời cũng cho biết sẽ hạn chế được các hoạt động kinh doanh xăng dầu trái phép và ngoài luồng. 

Tới thời điểm này, hệ thống đã khởi tạo tài khoản cho toàn bộ các đối tượng tư nhân trong giai đoạn 1, gồm 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin cho 329 phân khối, kinh doanh xăng dầu, tiếp tục cập nhật dữ liệu, báo cáo thương nhân sản xuất, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu trên toàn hệ thống.

Hiện tại, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Bộ TT&TT đang tiến hành công tác kiểm thử hệ thống, cập nhật dữ liệu, rà soát, sửa lỗi, bổ sung và hoàn thiện các tính năng của hệ thống. Sau khi hệ thống giai đoạn 1 được hoàn thiện và vận hành đầy đủ thì Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý xăng dầu giai đoạn 2 và có thể áp dụng với toàn bộ hệ thống xăng dầu trên toàn quốc vào thời điểm cuối năm nay.

Để hệ thống quản lý xăng dầu đạt hiệu quả cao, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác QLNN thông qua ứng dụng CĐS, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính thức đưa hệ thống vào triển khai.

Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc kiểm thử, rà soát, sửa lỗi, bổ sung và hoàn thiện các tính năng đánh giá an toàn, an ninh thông tin của hệ thống, đồng thời, hỗ trợ Bộ Công Thương trong xây dựng, triển khai hệ thống quản lý kinh doanh xăng dầu, quản lý giám sát hệ thống thương mại trên môi trường số.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Công thương trong triển khai áp dụng thống nhất hệ thống quản lý trên môi trường số, đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của các DN bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn quốc.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính thức đưa hệ thống quản lý xăng vào triển khai - Ảnh 1.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương phối hợp triển khai áp dụng thống nhất hệ thống quản lý trên môi trường số (Ảnh: baodautu.vn)

Vận hành hệ thống CSDL nhằm ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như đời sống của người dân. Giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của cả nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ người dân, DN đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 329 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu, ứng dụng CNTT trong việc cập nhật dữ liệu đối với các DN kinh doanh xăng dầu trên cả nước (về nguồn hàng hóa, hệ thống phân phối, địa bàn hoạt động của các DN...) là cần thiết. 

Việc xây dựng CSDL để cập nhật trên ứng dụng phần mềm quản lý mặt hàng xăng dầu cũng cần bảo đảm tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo của DN theo các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xăng dầu và việc bảo mật thông tin kinh doanh của DN.

Trong giai đoạn 1, 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu được tạo tài khoản có thể truy cập hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia tại địa chỉ  http://quanlyxangdau.moit.gov.vn để đăng nhập, tra cứu, cấp nạp dữ liệu.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính thức đưa hệ thống quản lý xăng vào triển khai - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: binhphuoc.gov.vn)

Tăng cường ứng dụng CNTT trong QLNN về kinh doanh xăng dầu

Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đã có 01 chuyên mục về công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng điện, xăng dầu. Tại đây, Bộ Công Thương đăng tải các thông tin về giá thế giới (dùng để tính giá cơ sở), giá bán lẻ, tên các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác QLNN đối với mặt hàng xăng dầu.

Nghị quyết số 42-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã "khẳng định việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh và bảo quản xăng dầu là rất cần thiết để đảm bảo hạn chế sự can thiệp của con người" và có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan trong Bộ (Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Vụ Tài chính và Đổi mới DN, Văn phòng Bộ) để thực hiện nhiệm vụ "Ứng dụng CNTT để tổ chức QLNN trong điều hành kinh doanh xăng dầu" .

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT xây dựng Hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Đến nay, hai Bộ đã tổ chức các cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng Hệ thống CSDL vào ngày 25/3 và ngày 25/4/2022 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì.

Đồng thời tổ chức Đoàn công tác liên Bộ Công Thương - Bộ TT&TT để khảo sát thực tế về hạ tầng ứng dụng CNTT và khả năng đáp ứng việc thực hiện báo cáo theo quy định pháp luật hiện hành trên hệ thống CSDL và các nội dung có liên quan tại 03 DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Hà Nội: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu); Công ty CP xăng dầu Thụy Dương (Thương nhân phân phối xăng dầu); Công ty CP xăng dầu Duy Tuấn (Đại lý bán lẻ xăng dầu).

Hai Bộ còn phối hợp xây dựng "Yêu cầu chi tiết xây dựng Hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia", theo đó việc xây dựng, vận hành và sử dụng Hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia cần tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về: tính pháp lý; tính chính xác, khách quan của CSDL; tính bảo mật; khả năng kết nối, phát triển hệ thống; cập nhật liên thông với hệ thống điều hành tập trung của Chính phủ và các cơ quan Trung ương để chia sẻ dữ liệu; khả năng phân tích và đánh giá CSDL.

Việc vận hành Hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia được chia làm các giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chi tiết phù hợp: (1) Giai đoạn đầu: Từ ngày 20/5/2022, thực hiện áp dụng Hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu với các yêu cầu hệ thống ở mức cơ bản, phù hợp để phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành xăng dầu của Bộ Công Thương; (2) Giai đoạn tiếp theo: Sau 3 tháng, hệ thống sẽ được hoàn thiện có khả năng thực hiện quản lý trên toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu với các yêu cầu chi tiết và tiêu chí cao hơn giai đoạn đầu.

Tại buổi làm việc về thiết kế và triển khai phần mềm quản lý xăng dầu, ngày 25/4 do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hệ thống CSDL quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia là hệ thống quan trọng đối với việc quản lý, điều hành và nắm bắt thông tin thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng thể hiện sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin trong công tác quản lý điều hành của Nhà nước với DN.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, vì đây là hệ thống CSDL quan trọng với nhiều thông tin dữ liệu quản lý mặt hàng xăng dầu, cũng như thông tin kinh doanh của DN, do đó, phải đảm bảo các yêu cầu về tính khách quan của dữ liệu, bao gồm: chống chối bỏ, không thay đổi được về dữ liệu, bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin; kết nối toàn hệ thống.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định triển khai phần mềm quản lý xăng dầu không hề tốn kém, đồng thời lại tăng cường hiệu quả QLNN. Công nghệ số một người dùng thì đắt, càng nhiều người dùng càng rẻ, chi phí hầu như bằng không. Bộ TT&TT sẵn sàng đồng hành, tư vấn về pháp luật, về công nghệ cho Bộ Công Thương trong suốt tiến trình này.

Với quyết tâm cao, từ ngày 20/5/2022, hai Bộ trưởng đã quyết định kiên quyết triển khai ngay phần mềm quản lý xăng dầu. Theo đó, các DN xăng dầu báo cáo dữ liệu online trên hệ thống phần mềm song song với việc vẫn gửi văn bản giấy về Bộ. Vào thời điểm 20/5, những DN đã sẵn sàng về mặt công nghệ thì triển khai ngay việc báo cáo online. Ba tháng sau đó, tất cả các DN phân phối và bán lẻ đều thực hiện việc báo cáo online trên hệ thống phần mềm quản lý xăng dầu./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính thức đưa hệ thống quản lý xăng dầu vào triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO