Hoàn thiện hàng lang pháp lý cho ngân hàng số

Nguyễn Vũ| 10/09/2021 11:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Để đẩy nhanh tiến trình số hóa ngân hàng và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, theo các chuyên gia, yếu tố tiên quyết là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, cuộc đua ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi thói quen từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ… nhằm thích nghi với chống dịch Covid-19. Theo thống kê, hơn 94% các ngân hàng đã tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số. Nhờ số hóa, các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện. “Ngân hàng nào tham gia vào sâu, tiện ích tạo cho người dân được tiện lợi nhất, nhanh, hiệu quả, an toàn thì hệ sinh thái của ngân hàng đó được khách hàng trải nghiệm nhiều nhất”, ông Hùng nhận xét.

Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động chuyển đổi số trong những năm qua, nhiều ngân hàng đang bắt đầu gặt hái những “trái ngọt”. Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho rằng, chuyển đổi số và tạo lập hệ sinh thái ngân hàng số có quá nhiều ưu thế cho các ngân hàng, qua đó sẽ giúp ngân hàng giải được bài toán trải nghiệm và tiếp cận với số lượng khách hàng nhanh mà không cần phải mở rộng đầu tư chi nhánh và phòng giao dịch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng có thêm 2,5 triệu khách hàng mới, dự kiến sẽ đạt 4-5 triệu khách hàng mới trong năm 2021…

Chia sẻ thêm thành quả từ chuyển đổi số, ông Từ Tiến Phát - Phó Tổng giám đốc Phụ trách kinh doanh ACB cho biết, khi TP. Hồ Chí Minh yêu cầu giãn cách, ACB đã phải đóng cửa hơn 100 điểm giao dịch, nhưng tất cả các yêu cầu của khách hàng vẫn được đáp ứng đầy đủ. Có được điều này là do ACB đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm qua, ví như: ACB cho ra mắt mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC đã đem lại hiệu quả rất lớn. Ban đầu khi đưa ra dịch vụ này, ngân hàng kỳ vọng sẽ mở được 3.000 tài khoản mới/khách hàng mới trong 1 ngày nhưng đến những ngày gần đây đã có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày; hay dịch vụ giải ngân trực tuyến tại ACB cũng đang đem lại hiệu quả rất tốt trong đại dịch...

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số từ thực tế tại TPBank và một số ngân hàng bạn, ông Đinh Văn Chiến - Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc khối Khách hàng cá nhân TPBank cho biết, hệ sinh thái ngân hàng số ở Việt Nam đang tập trung tại 3 hoạt động chính. Thứ nhất, các ngân hàng đang xây dựng năng lực công nghệ để phát triển hệ sinh thái cho mình. Thứ hai, hợp tác với các công ty công nghệ nhằm cải thiện quá trình giao dịch và cung cấp dịch vụ ngân hàng. Thứ ba, các ngân hàng tích cực kết nối với các công ty fintech để cung cấp các sản phẩm để gia tăng giá trị cho khách hàng.

Đánh giá tích cực kết quả ngân hàng đạt được từ chuyển đổi số, song TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa mang tính tổng thể. Việc đầu tư hạ tầng vẫn chỉ theo nền tảng công nghệ hiện có, chưa đáp ứng được kịp tốc độ công nghệ số. Hệ sinh thái đã được thiết lập nhưng vẫn chưa đầy đủ, chuyển đổi số mới tập trung vào số hóa kênh phân phối, còn lại một số hoạt động như cho vay mới chỉ là bán tự động. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, hệ sinh thái ngân hàng số vẫn còn sơ khai, rời rạc, thiếu chia sẻ, gắn kết.

Để đẩy nhanh tiến trình số hóa ngân hàng và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, theo các chuyên gia, yếu tố tiên quyết là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo ông Đinh Văn Chiến, tuy Chính phủ và cơ quan quản lý đã đưa ra định hướng chiến lược, nhưng để kinh tế số và ngân hàng số tạo ra hiệu quả cao thì cần có những thay đổi về chính sách. Ví như, quy định về eKYC đã có nhưng bước tiếp theo cần có sự chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay cho phép hoạt động ngân hàng đại lý...

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chúng ta nói nhiều về eKYC, cho vay online nhưng có lẽ chỉ là những khoản vay nhỏ lẻ, còn nếu phát triển cho vay, thẩm định, đánh giá các khoản vay khách hàng như thế nào, hành lang pháp lý ra sao thì đây là vấn đề rất khó khăn. Bởi vậy, để triển khai đúng nghĩa ngân hàng số, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, cần có một hành lang pháp lý đầy đủ tạo điều kiện cho TCTD có thể triển khai chuyển đổi số hiệu quả, an toàn.

Trên thực tế, hiện các TCTD mới chỉ triển khai thanh toán, trong khi ứng dụng ngân hàng số rất nhiều nghiệp vụ như bảo lãnh, cho vay, thanh toán… Mặc dù thời gian gần đây, do nhiều tỉnh thành giãn cách, nhiều ngân hàng có nền tảng số hoá tốt đã có thể hoá giải khó khăn thực hiện giải ngân online. Nhưng theo ông Đinh Văn Chiến, ngân hàng thực hiện khá dè dặt hình thức cho vay trên do hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

Ông Lưu Trung Thái cũng đề nghị, các chính sách ban hành cần tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho hệ sinh thái số ngân hàng, nếu không giải quyết căn bản, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất chậm. “Chúng ta đang hướng đến tài chính toàn diện nên việc kết nối rộng rãi hay cho phép phát triển ngân hàng đại lý càng mở rộng càng tốt. Đã là hệ sinh thái, càng kết nối được rộng thì càng tốt”, ông Lưu Trung Thái bày tỏ quan điểm.

Đối với vấn đề được phép chia sẻ dữ liệu quốc gia theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số BIDV rất hữu ích. “Nếu có thể khai thác và sử dụng được dữ liệu quốc gia tiết kiệm nguồn lực cho ngân hàng cũng như cả xã hội rất nhiều. “Hiện tại các ngân hàng phải thu thập tất cả các dữ liệu khách hàng tạo cơ sở dữ liệu riêng cho mình nên chi phí rất lớn. Vì vậy, việc không được sử dụng chéo, chia sẻ dữ liệu khách hàng do chưa có hành lang pháp lý rất lãng phí”, bà Giao chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

Cơ chế chính sách cần cởi mở hơn

Xu thế ngân hàng số cũng như hệ sinh thái ngân hàng số có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của mỗi ngân hàng. Chúng ta cần định hình hệ sinh thái là gì, cần đi từ nội hàm căn bản, trong đó có các phạm trù: khách hàng, kết hợp đa dạng sản phẩm, dịch vụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều nhà cung cấp khác nhau và cuối cùng là phải được tích hợp dữ liệu trên nền tảng số. Điều này sẽ tạo ra cơ hội và cũng đặt ra thách thức cho mỗi ngân hàng. Tiềm năng hệ sinh thái ngân hàng số là vô cùng lớn mạnh nhưng mỗi ngân hàng cần lựa chọn cuộc chơi trong vòng nào. Bởi ngân hàng đối diện với rủi ro về chiến lược, khi tham gia vào hệ sinh thái phải có sản phẩm đặc thù, chiến lược để không đánh mất mình.

Song để đảm bảo thành công của chuyển đổi số nhấn mạnh khung pháp lý là vấn đề vô cùng quan trọng. Các cơ quan quản lý như NHNN, bộ ngành liên quan xem xét, đánh giá nên tiến hành vấn đề nào ưu tiên làm trước vấn đề nào làm sau để đưa ra hành lang pháp lý cho phù hợp. Đặc biệt là tư duy cởi mở, không khép kín, không quá an toàn thì mới làm hệ sinh thái ngân hàng số thành công được.

Ông Võ Tấn Long - Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam:

Chọn hệ sinh thái phù hợp để vượt lên đối thủ

Tương lai phát triển của ngân hàng là tạo nên trải nghiệm cho khách hàng phong phú hơn trong một hệ sinh thái rộng hơn. Có bốn hệ sinh thái số giúp ngân hàng vượt lên trên đối thủ. Thứ nhất là hệ sinh thái giải pháp mang lại giá trị cho khách hàng thông qua giải pháp riêng biệt và tương tác với khách hàng qua nhiều kênh. Thứ hai là hệ sinh thái vận hành tạo ra sự hợp tác và minh bạch trong toàn bộ chuỗi giá trị. Thứ ba là hệ sinh thái công nghệ, một hệ sinh thái hỗ trợ, tạo ra sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng và là nền tảng tích hợp giữa thành phần khác nhau của hệ sinh thái tạo nên trải nghiệm khác biệt cho khách hàng. Thứ tư là hệ sinh thái về con người. Kỹ năng và nhân lực cần thiết cho quá trình số hóa, nhằm đẩy mạnh kết quả của chuỗi giá trị và quá trình hoạt động.

Để xây dựng hệ sinh thái như vậy, cần có chiến lược hoạt động, phân tích năng lực, khẩu vị rủi ro và những giải pháp giải quyết nhu cầu về kinh doanh. Chẳng hạn, năng lực thiết kế trải nghiệm để cân nhắc các mô hình kinh doanh và tạo ra các đề xuất giá trị mới…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hàng lang pháp lý cho ngân hàng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO