Hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông trong nền kinh tế thị trường (P2)

03/11/2015 20:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi không thống nhất với quyết định giải quyết vụ việc của Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, các bên liên quan hoàn toàn có quyền đưa vụ việc ra xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài, hoặc tố tụng cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh.

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Hoàn thiện pháp luật viễn thông ở Việt Nam nói chung và pháp luật về kinh doanh dịch vụ viễn thông nói riêng nhằm đảm bảo duy trì và phát triển một thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững và là đòi hỏi mang tính quy luật trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Vấn đề đặt ra là phải xác định được các yêu cầu mang tính khoa học với một chương trình tổng thể và có những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhằm một mặt khắc phục những tồn tại, nhược điểm trước mắt ảnh hưởng xấu tới hoạt động viễn thông, đồng thời phải hướng tới xây dựng được hệ thống pháp luật viễn thông hoàn chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam. Việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông cần thực hiện trên tất cả các khía cạnh kinh doanh dịch vụ viễn thông, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này xin được nhấn mạnh 02 nội dung sau:

Hiện nay, Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/ NĐ-CP đã cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông, trong đó có cả lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Tuy nhiên, thực tế hầu hết chỉ các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng. Một trong những biện pháp cần được triển khai sớm là hoàn thiện các văn bản về cổ phần hoá trong lĩnh vực viễn thông và cổ phần hoá một số doanh nghiệp viễn thông nhà nước, phát hành cổ phiếu ra công chúng, thu hút các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư. Như vậy, vừa đảm bảo thực hiện đúng các cam kết mở cửa thị trường, vừa thu hút được các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ thống hạ tầng viễn thông trên cả nước.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông, về tổng thể cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu: (1)Tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Đảng tạo sự nhất trí cao trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (2)Tiếp tục khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (3)Tiếp tục rà soát, bổ sung những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vào diện thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa; v.v..

Một vấn đề khác cần hoàn thiện trong pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông là vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Hiện nay, thị trường viễn thông Việt Nam đang có mức độ cạnh tranh khá gay gắt, tuy nhiên Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông chưa rõ ràng về thẩm quyền giữa Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông, về thủ tục cũng như quy trình phối hợp giải quyết vụ việc cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông v.v.. Do đó, cần sớm hoàn thiện và quy định rõ ràng về thẩm quyền giải quyết vụ việc cạnh tranh và quy trình phối hợp với giữa các cơ quan liên quan. Do tính đặc thù của các hành vi cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông nói riêng cũng như của lĩnh vực viễn thông nói chung cùng với kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ quan quản lý viễn thông của các nước trên thế giới được giao trách nhiệm xử lý vụ việc cạnh tranh trong viễn thông nhằm giải quyết các vụ việc trong thời gian ngắn hơn nhờ khả năng am hiểu chuyên môn sâu. Có như vậy, doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ mới có cơ hội bước vào được thị trường và kinh doanh dưới sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có bề dày hoạt động lâu dài; người sử dụng dịch vụ được hưởng quyền lựa chọn các dịch vụ đa dạng với giá cước hợp lý. Do đó, cần giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông giải quyết ban đầu các vụ việc cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông trong thời hạn ngắn để bảo đảm điều chỉnh kịp thời các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng tới các doanh nghiệp viễn thông và sự vận hành lành mạnh của thị trường viễn thông. Khi không thống nhất với quyết định giải quyết vụ việc của Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, các bên liên quan hoàn toàn có quyền đưa vụ việc ra xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài, hoặc tố tụng cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo

[1]. Luật Viễn thông.
[2].Nghị định 25/2011/NĐ-CP, ngày 06/04/2011. 

ThS. Đỗ Minh Xuân

(TCTTTT Kỳ 2/2/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông trong nền kinh tế thị trường (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO