Thời gian qua, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong sự phát triển đó, khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển mạng lưới CNTT-TT, cung cấp và mở rộng các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet, CNTT, phát thanh truyền hình và các dịch vụ băng rộng tích hợp cho xã hội; tạo dấu ấn mới trong việc hiện đại hóa mạng lưới với công nghệ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18 tháng 5), bài báo tổng hợp những hoạt động KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT giai đoạn 2010-2014, từ đó có những đánh giá, đề xuất biện pháp thúc đẩy hoạt động KHCN hiệu quả hơn trong thời gian tới.
1. Những chủ trương, chính sách, định hướng cơ bản về KHCN
KHCN được coi là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân. Điều này được thể hiện trong các văn bản pháp lý cao nhất như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Sở hữu trí tuệ và trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Phần hạ tầng thông tin) và Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Chính phủ đã có các văn bản định hướng chiến lược phát triển KHCN như Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệtChiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020;Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ ban hànhChương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW,Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KCHN đến năm 2020. Theo nội dung của các văn bản này, phát triển KHCN phải dựa trên việc đổi mới, hoàn thiện về tổ chức và cơ chế hoạt động KHCN; tăng cường tiềm lực KHCN; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên; nghiên cứu ứng dụng KHCN trong các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và phát triển dịch vụ KHCN. Phát triển thị trường KHCN có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ. Chính phủ đã phê duyệt và tổ chức thực hiện nhiều đề án, chương trình quốc gia, chương trình cấp nhà nước về KHCN, đặc biệt là 3 chương trình quốc gia: Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Các chương trình này được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai.
Vận dụng các chủ trương chính sách về KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT
Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020. Ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, bao gồm 6 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ về KHCN: “Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới”. Nhiệm vụ này tập trung vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) CNTT của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và của các doanh nghiệp; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung; ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, mua hoặc chuyển giao công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt; có cơ chế đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp lớn nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị phù hợp với điều kiện và nhu cầu thị trường ở Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cụ thể hóa thành các định hướng, chính sách phát triển KHCN của ngành. Ngày 19/7/2012, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 1293/QĐ-BTTTT về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Phần hạ tầng thông tin) với mục tiêu “tiếp tục phát triển nhanh công nghệ thông tin và truyền thông trở thành hạ tầng và ngành công nghiệp đồng bộ, hiện đại của nền kinh tế, đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin, góp phần quan trọng đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Chương trình đã xác định những nhiệm vụ theo 3 nhóm lĩnh vực: a) Phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, b) Ứng dụng hiệu quả CNTT trong các cơ quan nhà nước, các ngành kinh tế và xã hội, phát triển Chính phủ điện tử và c) Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
Bộ TTTT đã chú trọng xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách quản lý thúc đẩy ứng dụng và triển khai KHCN trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ; từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động KHCN trong lĩnh vực TTTT: Thông tư số 06/2012/TT-BTTTT ngày 5/6/2012 về quy định quản lý hoạt động KHCN cấp Bộ trong lĩnh vực TTTT. Ngày 8/5/2013, Bộ TTTT đã có Quyết định số 497/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực TTTT giai đoạn 2013-2015, cụ thể: Chương trình nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các thiết bị/sản phẩm; Chương trình Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ cao/kỹ thuật mới trong lĩnh vực TTTT. Hằng năm, căn cứ các định hướng chiến lược KHCN, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ KHCN thực hiện quản lý, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước; tổ chức giao và quản lý các đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ nguồn vốn ngân sách. Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ được hỗ trợ hoạt động từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN, hằng năm được đặt hàng và được giao các nhiệm vụ nghiên cứu có nội dung cấp thiết, hoạch định chiến lược, quy hoạch ứng dụng KHCN trong lĩnh vực TTTT.
Một số kết quả của các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT giai đoạn 2010-2014
Trong những năm gần đây, hoạt động KHCN đã được đẩy mạnh, ưu tiên cho nghiên cứu chế tạo các thiết bị, sản phẩm mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông và CNTT; xây dựng TCVN/QCVN phục vụ định hướng công nghệ và quản lý nhà nước trong chuyên ngành; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ cao/kỹ thuật mới trong phát triển mạng và cung cấp dịch vụ.
Chương trình nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các thiết bị/sản phẩm
a) Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 (KC.01/11-15) lĩnh vực CNTT-TT bao gồm 20 đề tài cấp nhà nước, đã tập trung vào những vấn đề ứng dụng lớn và có tiềm năng của Việt Nam.
- Lĩnh vực viễn thông: tập trung nghiên cứu phát triển viễn thông di động định hướng 4G (serving Gateway cho mạng LTE advanced; chế tạo thiết bị đầu cuối đa năng 4G), thử nghiệm các mô hình, giải pháp phát triển và ứng dụng CNTT-TT phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, hỗ trợ phát triển mạng thông tin quang (chế tạo thiết bị đầu cuối quang OLT và ONT dành cho mạng GPON).
phát thanh truyền hình: Nghiên cứu các công nghệ hỗ trợ triển khai truyền hình số (như thiết kế chip tích hợp cho truyền hình số...).
b) Các đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ của Bộ TTTT
- Sản phẩm ứng dụng hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, chuyển phát, viễn thông: ki-ốt mẫu giao nhận bưu phẩm, bưu kiện theo hướng công nghệ hiện đại và tự động hóa; thiết bị truy nhập Internet không dây băng rộng WiFi Access Point; thiết bị đấu nối sợi quang ngoài trời không cần dụng cụ; bộ điều khiển năng lượng gió và mặt trời cho các đài, trạm viễn thông tại những nơi khó cung cấp nguồn...
- Sản phẩm viễn thông phục vụ phát triển dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: thiết bị thông tin liên lạc trên biển cho tàu cá; điện thoại cố định không dây 2G phù hợp điều kiện nông thôn Việt Nam; hệ thống quản lý, điều khiển trong các nhà trạm viễn thông, CNTT...
- Sản phẩm ứng dụng hệ thống viễn thông phục vụ cảnh báo, tiết kiệm năng lượng điện: thiết bị đầu cuối tích hợp truyền dữ liệu và ảnh tĩnh qua mạng di động 3G ứng dụng cảnh báo ngập lụt tại một số địa điểm của thành phố Hà Nội; bộ điều khiển tiết kiệm năng lượng thông qua mạng di động 3G và ứng dụng thử nghiệm cho hệ thống chiếu sáng công cộng...
- Sản phẩm ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước: cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin KHCN, kinh tế văn hóa xã hội vụ phục vụ xây dựng nông thôn miền núi.
- Sản phẩm ứng dụng CNTT phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: gói sản phẩm phần mềm cung cấp thông tin thường thức, giải trí phục vụ phát triển đời sống, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa; mở rộng kênh cung cấp thông tin và bổ sung tài liệu số hóa cho phần mềm cung cấp thông tin thông tin thường thức, giải trí phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; sàn nông sản phục vụ bà con nông dân.
- Sản phẩm ứng dụng KHCN hỗ trợ người khuyết tật: thiết bị hỗ trợ người khiếm thị đi đường; xây dựng hệ thống hỗ trợ người khiếm thị đọc tin nhắn và email bằng tiếng nói trên smartphone.
Chương trình Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng
Hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo kiểm đánh giá sự phù hợp và quản lý chất lượng là một nội dung của khoa học công nghệ, trong đó nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm quy định hoặc định hướng công nghệ được áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ, quá trình, trong khi đo kiểm và hoạt động quản lý chất lượng là hoạt động thực thi, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó được tuân thủ.
Bộ TTTT đã tổ chức xây dựng bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Tới nay đã ban hành 79 QCVN và đề nghị công bố trên 60 TCVN.
- Lĩnh vực viễn thông: đã xây dựng và đề nghị công bố, ban hành nhiều TCVN, QCVN, đặc biệt về tương thích điện từ (EMC) cho thiết bị vô tuyến, thiết bị và mạng truyền hình cáp, thiết bị mạng viễn thông thụ động…
- Lĩnh vực phát thanh truyền hình: phục vụ Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020: đề nghị công bố các QCVN về máy phát hình kỹ thuật số DVB-T2, thiết bị thu truyền hình số DVB-T2 và tín hiệu phát truyền hình số DVB-T2; ban hành các QCVN về tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S/S2 và QCVN về phơi nhiễm của các đài truyền hình (áp dụng cho cả đài phát truyền hình số).
- Lĩnh vực CNTT:
Tiêu chuẩn về an toàn thông tin (ATTT): đã tổ chức xây dựng và đề nghị Bộ KHCN công bố TCVN ISO/IEC 27001 và TCVN ISO/IEC 27002 về hệ thống quản lý ATTT (ISMS) và đang tiếp tục đề nghị công bố các tiêu chuẩn khác trong bộ tiêu chuẩn ISO/IEC 27000; đang hoàn chỉnh để công bố 02 TCVN về an toàn mạng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27033 và 01 TCVN về quản lý sự cố ATTT trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27035.
Tiêu chuẩn cho trung tâm dữ liệu: đã xây dựng và đề nghị công bố TCVN 9250:2012 về yêu cầu hạ tầng kỹ thuật viễn thông của Trung tâm dữ liệu, ban hành Thông tư 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 quy định áp dụng TCVN, QCVN đối với trung tâm dữ liệu.
Tiêu chuẩn ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước: đã ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT ngày 23/12/2013); nghiên cứu phương án thực hiện đăng ký tiêu chuẩn dữ liệu của các Bộ, ngành để quản lý thống nhất.
Tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng CNTT-TT: bao gồm 06 TCVN, trong đó có những tiêu chuẩn quan trọng như: TCVN 8701: 2011 “Điểm truy cập Internet công cộng - Các yêu cầu kỹ thuật hỗ trợ người già và người khuyết tật tiếp cận và sử dụng”; TCVN 9249: 2012 “Sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT hỗ trợ người khuyết tật và người cao tuổi – Hướng dẫn thiết kế” và TCVN 9247: 2012 về “Sản phẩm và dịch vụ viễn thông hỗ trợ người khuyết tật và người cao tuổi – Các yêu cầu cơ bản”.
Tiêu chuẩn giao thức và thiết bị IPv6: đã đề nghị Bộ KHCN công bố 01 tiêu chuẩn cơ bản và tổ chức xây dựng 07 dự thảo TCVN về IPv6 để công bố trong năm 2014.
Tiêu chuẩn công nghiệp phần mềm và nội dung số: Bộ TTTT đang tích cực triển khai các dự án về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với kho dữ liệu đám mây; số hóa văn bản và lưu trữ đám mây; trao đổi văn bản điện tử; kết nối và bảo mật các đám mây riêng.
Trong hoạt động đo kiểm đánh giá sự phù hợp, Bộ TTTT thực hiện chỉ định 18 phòng đo kiểm viễn thông và triển khai Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về viễn thông trong APEC và hiện nay đã thừa nhận 54 phòng đo kiểm nước ngoài (Hoa Kỳ, Hàn quốc, Canada). Các đơn vị quản lý của Bộ (Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông) và các đơn vị nghiên cứu của Bộ (Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số) đã đầu tư các phòng thử nghiệm chuyên ngành.
Hoạt động thực thi quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ được Bộ TTTT duy trì theo các quy định hiện hành. Bộ TTTT triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp và định kỳ đo kiểm chất lượng dịch vụ thực tế của doanh nghiệp. Đối với quản lý chất lượng sản phẩm, các sản phẩm được duy trì chứng nhận, công bố phù hợp QCVN, TCVN, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người dùng.
Chương trình Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao/kỹ thuật mới trong lĩnh vực CNTT-TT
Phát triển hạ tầng viễn thông
Các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng mạng viễn thông với công nghệ hiện đại theo cấu trúc mạng thế hệ sau (NGN), truyền dẫn qua vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2, hoàn thành nâng cấp tuyến cáp quang trục Bắc – Nam theo công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM), xây dựng tuyến cáp quang biển nội địa, triển khai mở rộng vùng phủ sóng mạng thông tin di động 3G và trên cơ sở hạ tầng mạng này đã cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ như Internet băng rộng cố định, Internet qua mạng điện thoại di động, dịch vụ truyền hình tương tác IPTV, dịch vụ điện thoại VoIP và phát triển thuê bao di động, tăng cường phát triển dịch vụ 3G cho thông tin di động.
Tăng cường hạ tầng viễn thông nông thôn
Các doanh nghiệp đã tham gia cung cấp phổ cập, đưa Internet băng rộng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua các điểm Bưu điện văn hóa xã, hệ thống trường học, các trung tâm hoạt động thanh niên, cũng như các giải pháp hỗ trợ y tế cộng đồng, đào tạo qua mạng. Bộ TTTT đã triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”; dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam"… nhằm rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các vùng, miền.
Triển khai các dịch vụ truyền hình số
Phù hợp với định hướng hội tụ về công nghệ, Bộ TTTT đã xác định truyền hình số là loại hình dịch vụ ứng dụng viễn thông, triển khai trên hạ tầng thống nhất về viễn thông. Tương ứng như vậy trong thời gian tới sẽ hình thành các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình thực hiện chức năng truyền tải nội dung dịch vụ.
Bộ TTTT đã xác định lộ trình số hóa truyền hình mặt đất đến 2020, quyết định áp dụng công nghệ theo chuẩn DVB-T2, xác định thời điểm tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất và triển khai hoạt động tuyên truyền rộng rãi, ban hành các QCVN và kèm theo đó là các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Các công nghệ số hóa truyền hình khác cũng được định hướng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ: truyền hình số vệ tinh DVB-S/S2, truyền hình cáp số DVB-C, làm cơ sở cho các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình triển khai thiết lập mạng và cung cấp các loại hình dịch vụ truyền hình số đa dạng với chất lượng tốt.
Một số đề án, dự án đang được nghiên cứu, chuẩn bị triển khai hoặc đã triển khai, như Đề án đảm bảo an toàn, xác thực tên miền Internet trên toàn bộ hệ thống DNS quốc gia sử dụng công nghệ DNSSEC; dự án “Xây dựng hệ thống xác thực điện tử quốc gia”; dự án “Tư vấn xây dựng lược đồ PKI và khung xác thực điện tử quốc gia”.
Xây dựng hạ tầng ứng dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) và tính toán hiệu năng cao
Bộ TTTT đã đầu tư hạ tầng ứng dụng ĐTĐM và tính toán hiệu năng cao; triển khai hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học với các đối tác Hoa kỳ, Nhật Bản về tính toán hiệu năng cao, siêu máy tính, ĐTĐM, dữ liệu lớn; phối hợp với các đối tác Nhật Bản triển khai thí điểm thành công hệ thống mạng cảm biến, giám sát, cảnh báo biến đổi môi trường, khí hậu và ngăn ngừa, hạn chế thảm họa thiên tai trên nền tảng ứng dụng ĐTĐM tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Các mạng này hiện đã được bàn giao cho các địa phương trực tiếp quản lý, khai thác.
Thúc đẩy phát triển Internet IPv6
Bộ TTTT đã xây dựng lộ trình, xây dựng dự thảo tiêu chuẩn liên quan để phục vụ triển khai công nghệ IPv6 ở Việt Nam; chuyển đổi hệ thống DNS quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) sang sử dụng song song IPv4 và IPv6; phối hợp với các ISP kết nối chuyển đổi hình thành mạng IPv6 quốc gia.
Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước
Các cơ quan, đơn vị có liên quan đã được giao thực hiện nghiên cứu về chính phủ điện tử thế hệ mới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; nghiên cứu giải pháp công nghệ để triển khai chính phủ di động; nghiên cứu ảnh hưởng và ứng dụng xác thực điện tử trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính; nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ IPv6 cho hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia .VN trong nước; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ để sản xuất sản phẩm nội dung số thuần Việt…
Bộ TTTT đã nghiên cứu, thử nghiệm hệ thống thư điện tử sử dụng tiếng Việt, kết hợp với tên miền tiếng Việt để đảm bảo tính thuần Việt, định danh chính xác, dễ sử dụng nhất cho người dùng Internet Việt Nam. Hệ thống này sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Một số đề tài tiêu biểu về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, nông thôn đã được nghiệm thu, đánh giá tốt, có tính khả thi và ứng dụng trong thực tế cao như: Nghiên cứu các giải pháp phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại cấp xã; Nghiên cứu xây dựng phần mềm cung cấp thông tin tác nghiệp và dịch vụ hành chính công cho các cơ quan hành chính cấp huyện; Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và xây dựng hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã, phường phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; Nghiên cứu, xây dựng gói sản phẩm phần mềm cung cấp thông tin thường thức, giải trí phục vụ phát triển đời sống, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa...
Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận CNTT-TT
Bộ TTTT đã lựa chọn danh mục tiêu chuẩn phù hợp và ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT ngày 14/9/2009 quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng CNTT-TT. Một số nội dung quan trọng như phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị, hệ thống hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính, trang thông tin điện tử có tích hợp dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận và sử dụng thông tin (http://tamhonvietnam.net), cổng thông tin điện tử Người khuyết tật Việt Nam. Bộ TTTT cũng đã xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí đánh giá website của cơ quan nhà nước về khả năng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng thông tin.
Những hạn chế, khó khăn trong quản lý, hoạt động KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT
Công tác quản lý, triển khai hoạt động KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT thời gian qua đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số điểm tồn tại sau:
1) Khó khăn, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách:
- Cơ chế tài chính, định mức chi tiêu đối với hoạt động KHCN thời gian qua chưa thực sự phù hợp nên công sức nghiên cứu chưa được bồi dưỡng thỏa đáng, gây khó khăn và kéo dài thời gian trong thanh quyết toán nhiệm vụ.
- Điều kiện kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu KHCN còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn hiện nay. Một số dự án đã được phê duyệt nhung chưa được cấp vốn nên chưa triển khai làm tiến độ bị chậm.
2) Hoạt động quản lý KHCN của Bộ
- Công tác kiểm tra tình hình triển khai thực hiện đề tài chưa được duy trì chặt chẽ, nhất là các đề tài cấp nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị quản lý chức năng của Bộ KHCN, các cơ quan quản lý chuyên ngành và chủ nhiệm đề tài.
- Chưa triển khai tốt các hoạt động theo dõi và hỗ trợ đơn vị chủ trì đề tài tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các kết quả nghiên cứu có kết quả tốt, có tiềm năng và thương mại hóa sản phẩm. Nhiều kết quả nghiên cứu dừng lại sau nghiệm thu hoặc chưa được khai thác triệt để.
- Việc hợp tác KHCN với các ngành khác còn chưa được mở rộng, mới chủ yếu thông qua các chương trình KHCN cấp nhà nước.
- Việc phổ biến thông tin kết quả nghiên cứu KHCN và mô hình áp dụng thực tế kết quả nghiên cứu của đề tài KHCN trong toàn ngành còn chưa hiệu quả.
3) Hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN của các doanh nghiệp
- Một số doanh nghiệp CNTT-TT đã chú trọng đầu tư về nghiên cứu, phát triển KHCN một cách có bài bản và có hiệu quả tốt, tuy nhiên vẫn có các doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng KHCN, điều này dẫn đến một thực tế là nguồn nhân lực nghiên cứu đầu đàn bị thiếu hụt, hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng phổ biến do thiếu đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng.
- Một số doanh nghiệp chưa coi trọng công tác tiêu chuẩn hóa ở cơ sở, cũng như hoạt động quản lý chất lượng, còn rất hạn chế trong đầu tư cho các phòng thử nghiệm phục vụ đánh giá sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là đánh giá trong lĩnh vực truyền hình và CNTT.
- Các hoạt động KHCN của các doanh nghiệp CNTT-TT chưa được kết hợp để tạo thành sức mạnh tổng thể.
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động KHCN
1) Đối với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về KHCN
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KHCN, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN; hệ thống pháp luật về chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường KHCN, sở hữu trí tuệ; cơ chế cấp phát kinh phí, thủ tục thanh quyết toán đổi với các đề tài, nhiệm vụ KHCN, chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ làm công tác KHCN...
- Tăng cường hoạt động quản lý KHCN của Bộ: Đổi mới về chỉ tiêu, phương pháp đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học; áp dụng cơ chế khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KHCN; đưa tiêu chí hoạt động khoa học vào bình xét khen thưởng;
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý chuyên ngành trong quá trình xác định, thẩm định các dự án, đề án; quản lý việc áp dụng các kết quả nghiên cứu đã được đánh giá tốt, có triển vọng và hiệu quả thực tiễn.
- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động KHCN: Sớm triển khai các chương trình và các quỹ hỗ trợ về công nghệ cao để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực hiện việc triển khai, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao về viễn thông, CNTT…
2) Đối với các tổ chức nghiên cứu KHCN, doanh nghiệp CNTT-TT
- Chú trọng đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN, cần dành một tỷ lệ kinh phí phù hợp từ doanh thu để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp mình; duy trì các phòng nghiên cứu phát triển (R&D) để phục vụ công tác nghiên cứu KHCN. Coi trọng nguồn nhân lực về KHCN; tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc cho cán bộ làm công tác KHCN.
- Đẩy mạnh ứng dụng, triển khai CNTT phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tham gia phản biện, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về các chính sách phát triển CNTT.
- Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa ở cơ sở, chú trọng công tác đo kiểm chất lượng, đầu tư các phòng thử nghiệm phục vụ đo kiểm chất lượng mạng và chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng.
- Đẩy mạnh hoạt động quốc tế về KHCN; tích cực là thành viên và tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế
Với tinh thần không ngừng đổi mới, hoạt động KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT vừa qua đã có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào hoạt động chung của một Ngành được coi là có những đặc thù riêng, phát triển nhanh và đa dạng về công nghệ và là lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới mong muốn rằng hoạt động KHCN sẽ tiếp tục gắn liền với sự phát triển của Ngành và sẽ linh hoạt với sự thay đổi chính sách, cơ chế của nhà nước, từng bước đi vào nền nếp đồng thời tạo môi trường để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.
(Bài đã đăng TC kì 2/5/2014)