Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu và các đại biểu đại diện các Ban bộ ngành và quốc tế, giảng viên, cựu sinh viên của Học viện đã về dự Lễ kỷ niệm.
Không ngừng khẳng định vị thế đi đầu trong đào tạo các lĩnh vực mới
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực và tâm huyết của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện. Qua chặng đường 25 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Học viện đã không ngừng phát triển trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành TT&TT nói riêng, cũng như các ngành kinh tế, kỹ thuật khác của đất nước.
Bộ trưởng khẳng định: "25 năm qua, Học viện đã đào tạo và cung cấp hàng vạn cán bộ ưu tú cho ngành và cho đất nước. Nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế của Học viện đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển của ngành TT&TT".
Trải qua 25 năm, với tinh thần vượt khó, dám nghĩ và dám làm, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Học viện đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của một đơn vị luôn đi đầu trong các lĩnh vực mới. Học viện đã tiên phong trong gắn kết nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ; tiên phong trong đào tạo theo nhu cầu xã hội và tự chủ giáo dục Đại học; tiên phong trong mở ngành đào tạo theo xu thế phát triển mới và tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS) giáo dục. Sự tiên phong ấy chỉ có thể có được ở một tập thể có sự thống nhất nhận thức, đoàn kết và sáng tạo".
Cơ hội lớn cho Học viện từ CĐS
Bộ trưởng nhận định: "Chuyển đổi xanh và CĐS sẽ là hai cuộc chuyển đổi lớn nhất và quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ này. Nhưng muốn "xanh" thì phải "số". Bởi vậy mà CĐS sẽ là động lực chính của sự phát triển. Mọi sự đổi mới của Học viện phải xoay quanh CĐS. Chỉ có CĐS đại học (ĐH) mới giải quyết được bài toán nhân lực số Việt Nam. Học viện hãy đi đầu về CĐS toàn diện và trở thành ĐH số hàng đầu. Lãnh đạo Bộ đặt niềm tin vào Học viện và sẽ đồng hành cùng Học viện".
Theo Bộ trưởng, CĐS thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi là trọng tâm. Chuyển đội nội dung, cách dạy, cách học, cách thi, cách nghiên cứu, cách hợp tác nghiên cứu, cách quản trị ĐH hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sinh viên ra trường. Công nghệ số là phương tiện phục vụ cho việc chuyển đổi thành công. Công nghệ không bao giờ là mục tiêu.
Bộ trưởng cho rằng: Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) sẽ tạo ra điểm gãy trong tiến trình phát triển. Tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Những ước mơ lớn của Học viện sẽ có cơ hội để thực hiện. Ước mơ càng lớn thì càng có cơ hội để thực hiện. Công nghệ số của cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ mở rộng giới hạn của Học viện. Những khó khăn lớn và kéo dài của Học viện nhiều chục năm nay sẽ được giải quyết bằng những cách tiếp cận mới. Thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận có thể biến một việc rất khó, không khả thi thành việc khả thi. Ước mơ lớn và góc nhìn mới là dấu hiệu và cũng là điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo thời CĐS.
Theo Bộ trưởng, cơ hội CĐS là cơ hội 50 năm mới có một lần, cơ hội trăm năm mới có một lần. Mỗi thế hệ phải kế thừa quá khứ, mở ra tương lai. Chỉ có như vậy dòng chảy của Học viện mới liên tục. "Học viện đang có một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ, nhiệt huyết, đoàn kết và có khát vọng. Hãy đi con đường của mình và viết nên câu chuyện của mình. Hãy đến một đích mới, tìm ra thế hệ kế tiếp và rời đi để cho một thế hệ khác viết nên một trang mới nữa của Học viện".
Học viện đang hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là sự xuất hiện của các công nghệ đào tạo mới, của các mô hình đào tạo mới mang tính đột phá. Địa lợi là công nghệ số đã trở thành kỹ năng thiết yếu của mỗi người, nhu cầu thiết yếu của toàn bộ xã hội, tức là thị trường của Học viện rất lớn. Nhân hoà là Học viện đang có được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, còn lại bây giờ là một giấc mơ.
Theo đó, Bộ trưởng mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên Học viện tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, đi đầu và 10 chữ vàng: "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" của Ngành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 của Học viện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện với sứ mệnh mới, niềm tin mới và năng lượng mới sẽ luôn được an vui, mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp phát triển của Học viện, của Ngành và của đất nước.
Trở thành ĐH số hình mẫu
Cũng tại Lễ kỷ niệm, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT cho biết được kế thừa truyền thống trường Bưu điện thành lập từ năm 1953, kế thừa nền tảng đào tạo ĐH của trường ĐH Thông tin Liên lạc giai đoạn 1965 - 1982, cách đây 25 năm (17/09/1997), Học viện Công nghệ BCVT đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập trên cơ sở 04 đơn vị: Trung tâm Đào tạo BCVT 1, Trung tâm Đào tạo BCVT 2, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện Kinh tế Bưu điện thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khoá 8 với mô hình 3 gắn kết giữa đào tạo nghiên cứu và sản xuất kinh doanh (SXKD).
"25 năm là quãng thời gian không dài trong lịch sử nhưng 25 năm cũng đủ làm thước đo chặng đường phát triển của một trường ĐH", Giám đốc Đặng Hoài Bắc khẳng định.
Sau khi thành lập, Học viện còn nhiều khó khăn, phòng thí nghiệm sơ khai và số lượng sinh viên còn khiêm tốn là hơn 40. Năm 1998, Học viện tuyển sinh khoá đầu tiên với 200 sinh viên cả 02 miền Nam Bắc. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo cao nhất ngành Bưu điện tại thời điểm đó. GS. TSKH. Đỗ Trung Tá và các thế hệ lãnh đạo, Tập đoàn VNPT, sự đồng lòng của các cán bộ, giảng viên nghiên cứu viên đã định hình tổ chức bộ máy đào tạo bậc ĐH và trên ĐH của Học viện với mô hình trực thuộc doanh nghiệp (DN), tiên phong gắn kết đào tạo, nghiên cứu SXKD giúp cho Học viện có những bước đi đầu tiên ổn định phát triển.
Đến năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện đã hình thành mô hình ĐH số và tự hào là một trong những trường ĐH đầu tiên trên cả nước tiên phong về CĐS Giáo dục ĐH, đã lan toả đến hơn 20 trường ĐH cao đẳng trên cả nước.
Trong 1/4 thế kỷ, với 03 lần tiên phong, từ trường chỉ có 1-2 ngành đào tạo năm 1997, 1998 với vài trăm sinh viên, ngày nay Học viện đã có quy mô hơn 15.000 sinh viên với 15 ngành đào tạo trong đó có nhiều ngành đào tạo mới theo kịp xu thế CĐS như công nghệ đa phương tiện, truyền thông đa phương tiện, khoa học máy tính, kỹ thuật dữ liệu, thương mại điện tử, marketing số, công nghệ tài chính, báo chí số, nằm trong top 20 trường ĐH lớn của Việt Nam và top 5 trường ĐH công nghệ hàng đầu quốc gia, tăng trưởng công bố quốc tế gần 400% trong vòng 10 năm tính đến năm 2021.
Điểm chuẩn xét tuyển ĐH được công bố ngày 16/9, với mức điểm những ngành đào tạo chính của Học viện từ 26 - 27,25 điểm, thuộc top 3 các trường ĐH về ICT toàn quốc thể hiện sức hút đào tạo của Học viện đối với xã hội. Các sản phẩm khoa học công nghệ của Học viện đã được triển khai trên 40 địa phương của cả nước, hợp tác nghiên cứu với 20 tổ chức quốc tế, mang lại doanh thu hơn 20% tổng doanh thu.
Các thế hệ sinh viên của Học viện cũng đã có mặt tại 63 tỉnh, thành, hơn 40 quốc gia và nguồn nhân lực chủ chốt cho các tập đoàn lớn trong nước như VNPT, Viettel, FPT, CMC, MobiFone, các tập đoàn quốc tế như Samsung, LG, Toshiba, HCL… Một số cựu sinh viên đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số địa phương. Đặc biệt, một số cựu sinh viên đã tạo lập công ty doanh thu hàng trăm đến nghìn tỷ đồng như VMO, Edupia.
"Những đóng góp của Học viện về đào tạo nhân lực cho sự phát triển của các tập đoàn công nghệ, của ngành ICT và của đất nước 25 năm vừa qua dù chưa định lượng đầy đủ nhưng rất vinh dự và vẻ vang, được xã hội công nhận", PGS. TS. Đặng Hoài Bắc khẳng định.
PGS. TS. Đặng Hoài Bắc cũng nhấn mạnh: "Học viện của tương lai phải thật sự là hình mẫu ĐH số, quốc gia số thu nhỏ đào tạo ra những công dân số tiêu biểu, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực số của đất nước và của khu vực, là trường ĐH hàng đầu khu vực và châu Á về công nghệ số có vai trò quan trọng trên bản đồ khoa học đào tạo và có trọng số trong công cuộc CĐS đất nước."
Khẳng định về định hướng phát triển thời gian tới của Học viện, GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết sẽ hiện thực hoá chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng để trở thành ĐH số hàng đầu.
Tiếp nối truyền thống đơn vị tiên phong, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, GS. TS. Từ Minh Phương cho biết Học viện sẽ nỗ lực, sáng tạo, năng động hơn nữa để xây dựng Học viện, trở thành trường ĐH có quy mô và chất lượng hàng đầu về công nghệ số, tiếp tục đóng góp nhân lực, tri thức và chuyển giao công nghệ, phục vụ CĐS quốc gia, phấn đấu là đơn vị tiên phong trong CĐS đào tạo, có hệ sinh thái số gắn kết chặn chẽ với nhà trường, sinh viên, DN và xã hội với mô hình quản trị thông minh, thân thiện và chuyên nghiệp./.