Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ươngNguyễn Hồng Vinh và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương - ông Nguyễn An Tiêm chủ trì Hội nghị.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu tham dự, đại diện cho các cơ quan báo chí văn nghệ; các Đài phát thanh, truyền hình trong cả nước; một số cơ quan báo chí có chuyên trang văn nghệ và một số cơ quan, báo chí văn nghệ trung ương, địa phương trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Hồng Vinh và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương - ông Nguyễn An Tiêm chủ trì Hội nghị.
Trong những năm qua, cùng với báo chí cả nước, báo chí văn nghệ đã luôn bám sát định hướng thông tin, tuyên truyền; đảm bảo chất lượng tư tưởng và nghệ thuật; phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Cả nước hiện có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành. Trong đó, các báo, tạp chí thuộc Hội Văn học, Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của các Hội chuyên ngành, như: Điện ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu… chiếm số lượng lớn. Điều đáng chú ý là báo chí chuyên ngành văn hóa, văn nghệ chủ yếu đăng tải các sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật nên luôn có phong cách cách trình bày đẹp, độc đáo, đã tạo được những đặc thù và dấu ấn riêng trong bạn đọc và công chúng.
Điều đáng ghi nhận là hiện nay, số cơ quan báo chí văn nghệ xuất bản được báo, hoặc trang tin điện tử đã tăng lên, nên đã duy trì được thường xuyên việc cung cấp thông tin và công bố tác phẩm cho hội viên. Bên cạnh đó, mặc dù lượng phát hành của báo chí chuyên ngành văn nghệ không cao, nhưng lại tương đối ổn định so với báo chí thuộc các lĩnh vực khác.
Đến nay, trong khối báo chí chuyên ngành văn học, nghệ thuật dẫn đầu về số lượng phát hành vẫn là một số rất ít ấn phẩm báo chí văn nghệ trung ương với khoảng trên dưới 5000 bản/kỳ, còn lại các báo, tạp chí văn nghệ thuộc các Hội văn học, nghệ thuật địa phương lại có số lượng phát hành thấp, hầu hết chỉ dao động trong khoảng 1000 đến 2000 bản/kỳ; thậm chí, có những Tạp chí có số lượng phát hành rất thấp, chỉ 500 đến 700 bản/kỳ, như: Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, Tạp chí Văn nghệ Cà Mau, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình...và phát hành chủ yếu ở các đô thị, trung tâm một số tỉnh, thành phố, thị xã hoặc trao đổi giữa các Hội Văn học, Nghệ thuật và cơ quan báo chí.
Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, diện phủ sóng các chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng được nâng cao, đồng nghĩa với số lượng người dân được tiếp cận với các chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng nhiều. Trên các kênh chương trình phát thanh, truyền hình được phát sóng quảng bá đều có các chương trình, chuyên mục về các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, ca nhạc... chiếm tỷ lệ và thời lượng phát sóng khá lớn.
Số lượng các chương trình văn hóa, văn nghệ được phát sóng trực tiếp, thời lượng phim Việt trên sóng ngày càng nhiều. Các kênh chương trình chuyên đề về văn hóa, văn nghệ, như phim, ca nhạc và các games show giải trí trên truyền hình được đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn lôi cuốn được người xem, người nghe.
Xu hướng liên kết, xã hội hóa trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, đặc biệt ở các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, chương trình ca nhạc,… có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình; hình thành nhiều kênh chuyên đề, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng, chuyên biệt của người dân. Nhiều chương trình thi tài năng văn nghệ, tìm hiểu văn học, nghệ thuật được các đài chú ý xây dựng và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, nhiều đài phát thanh, truyền hình địa phương đã tổ chức phát sóng chương trình bằng tiếng dân tộc thiểu số của địa phương mình để phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hóa đặc trưng, góp phần giữ gìn phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
“Một số cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng còn chậm, chưa bắt kịp xu thế, chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Vấn đề định hướng xã hội còn hạn chế, chưa tạo được tiếng nói quyết định trong việc mở rộng, định hướng nhận thức chung cho xã hội về những vấn đề trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn chưa có sự thống nhất hoặc đang tranh cãi. Trang báo văn nghệ của các cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí của các bộ, ngành chưa thực sự đầu tư chiều sâu để tạo ra bản sắc riêng cho ấn phẩm, trang báo của mình. Một số chương trình văn nghệ trên một số đài truyền hình, biên tập cẩu thả, đăng phát nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá của dân tộc. Một số báo điện tử, đặc biệt là các chuyên trang dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên tính định hướng thẩm mỹ, định hướng tư tưởng xã hội chưa được các ban biên tập thực sự chú ý. Việc tiếp sóng, phát sóng quá nhiều các chương trình nước ngoài, kênh nước ngoài; khai thác chương trình trò chơi truyền hình nước ngoài; nhập khẩu phim nước ngoài để phát sóng đã góp phần vô tình “cổ súy” cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền văn hóa Việt Nam. Đây chính là thực tế đang làm giảm hiệu quả của báo chí văn nghệ trong công tác tuyên truyền xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận xét tại hội nghị.
Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc năm 2015 diễn ra trong không khí sôi nổi, ấm áp với sự đóng góp của hơn 10 tham luận đại diện cho các báo chí Văn nghệ. Bên cạnh việc nêu ra những thành tựu của báo chí Văn nghệ còn có những hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động. Tham luận của Báo Văn nghệ, Báo Nhân dân, Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài HTV…được đánh giá là những tham luận có nhiều nhận xét đúng, gần gũi, thiết thực với đời sống báo chí Văn nghệ.
Hội nghị cũng thống nhất một số phương hướng, nhiệm vụ của báo chí văn nghệ trong thời gian tới để cùng thống nhất hành động, tạo ra những tác phẩm báo chí văn nghệ mang đậm hơi thở của cuộc sống, nhất là trong thời gian toàn Đảng đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng.
Thùy Dương
Cục Công tác phía Nam