Tăng cường huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động thông tin đối ngoại
Năm 2024, Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN) đã thành công việc đưa TTĐN lên không gian mới - không gian mạng - với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, có việc thí điểm thành công trong huy động những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (MXH) cùng chung tay trong thực hiện nhiệm vụ cơ bản thứ hai của TTĐN đó là quảng bá hình ảnh quốc gia.
Mở rộng phạm vi huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động TTĐN, trong năm 2025, Cục Thông tin cơ sở và TTĐN tiếp tục trao sứ mệnh mới cho lực lượng KOLs trong công tác phủ xanh thông tin trên không gian mạng - góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng lĩnh vực TTĐN lên tầm cao mới.
Tóm tắt:
- Năm 2024, Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN) thí điểm thành công huy động những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (MXH) tham gia quảng bá hình ảnh quốc gia.
- Các nội dung cơ bản của TTĐN bao gồm:
+ Thông tin, giới thiệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế.
+ Giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp, những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước; tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế về mọi mặt giữa Việt Nam với các đối tác.
+ Đấu tranh với những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
+ Chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; thông tin tình hình quốc tế đến nhân dân trong nước.
- Công tác TTĐN cần thực hiện tốt khâu “phòng” bằng biện pháp “phủ xanh thông tin” để bảo vệ không gian mạng an toàn trước các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
- Việc huy động lực lượng KOLs phủ xanh thông tin trên không gian mạng vừa là cơ hội vừa là thách thức.
- Thuận lợi:
+ Hoạt động của KOLs đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP.
+ Cục TTCS và TTĐN đã có sự chuẩn bị cơ bản để mở rộng hoạt động của KOLs sang nhiệm vụ “phủ xanh thông tin”.
- Thách thức:
+ Hoạt động của KOLs còn tự phát, chưa gắn liền với kế hoạch, chiến lược của quốc gia.
+ Cần bồi dưỡng, định hướng cho KOLs về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
+ Trang bị cho KOLs năng lực nhận diện và lựa chọn thông tin, tránh phát tán thông tin xấu độc.
+ Chuyển tải nội dung chính sách, quy định pháp luật “khô khan” thành những thông điệp hiệu quả là một thách thức.
- Một số kiến nghị, đề xuất:
+ Xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng KOLs cụ thể.
+ Bồi dưỡng, đào tạo KOLs về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
+ Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho KOLs tham gia các hoạt động phủ xanh thông tin.
+ Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cơ quan để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.
Nội dung cơ bản của TTĐN
Nội dung cơ bản của hoạt động TTĐN được quy định cụ thể tại Nghị định số 72/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các nội dung cơ bản xuyên suốt qua các thời kỳ trong mọi hoạt động của TTĐN bao gồm:
Thứ nhất, thông tin, giới thiệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế.
Thứ hai, giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp, những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước; tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế về mọi mặt giữa Việt Nam với các đối tác.
Thứ ba, đấu tranh với những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Thứ tư, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; thông tin tình hình quốc tế đến nhân dân trong nước.
Như thế, cùng với cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về Việt Nam, TTĐN còn phải thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử, lợi dụng các vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân tộc... nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín Đảng, Nhà nước ta, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng những biến động khó lường với tốc độ lan tỏa thông tin nhanh chóng trên môi trường số hiện nay, công tác TTĐN cần phải thực hiện tốt ngay từ chốt chặn đầu tiên là khâu “phòng” trước khi bắt tay vào công tác “chống” lại các thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật của các thế lực phản tiến bộ. Một trong những biện pháp đó là “phủ xanh thông tin”, lấy cái tốt, cái tích cực đẩy lùi, áp đảo các thông tin phiến diện một chiều chống phá sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ta.
Kinh nghiệm huy động nguồn lực KOLs trên không gian mới của TTĐN
Có thể nói, năm 2024, Cục TTĐN đã thành công việc đưa TTĐN lên không gian mới - không gian mạng - với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó có việc thí điểm thành công trong huy động những người có ảnh hưởng lớn trên MXH cùng chung tay trong thực hiện nhiệm vụ cơ bản thứ hai của TTĐN đó là quảng bá hình ảnh quốc gia.
Nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ TT&TT giao cho Cục TTĐN bắt đầu từ việc triển khai hướng dẫn số 155/KH/BTGTW ngày 14/5/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, Bộ TT&TT giao cho Cục TTĐN (nay là Cục Thông tin cơ sở (TTCS) và TTĐN thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH-TT&DL) thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và sử dụng KOLs (Key of Opinion Leaders - những người dẫn dắt dư luận)1 trên không gian mạng như một lực lượng tuyên truyền miệng theo phương thức mới.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục TTĐN đã tiến hành nghiên cứu và phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) rà soát các quy định đối với việc quản lý, sử dụng KOLs tại Việt Nam cũng như tổ chức hội nghị vào ngày 26/7/2024 có sự tham gia của đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo công tác TTĐN Trung ương, Vụ Tuyên truyền, Vụ TTĐN và Hợp tác quốc tế của Ban Tuyên giáo (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương).
Tuy nhiên, vì Việt Nam chưa có chế tài riêng vì việc quản lý, sử dụng, khai thác lực lượng KOLs, các nội dung quản lý còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, chưa thể bổ sung KOLs như một lực lượng tuyên truyền miệng chính thức. Mặc dù nhu cầu sử dụng KOLs trong công tác thông tin, tuyên truyền, TTĐN và hiệu ứng truyền thông của KOLs là rất lớn. Đại diện các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục TTĐN thống nhất: triển khai thí điểm sử dụng lực lượng KOLs theo từng chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam và có biện pháp quản lý các KOLs được mời tham gia.
Cục TTĐN đã báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT về kết quả làm việc với các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị Lãnh đạo Bộ cho phép Cục TTĐN tiếp tục sử dụng và tăng cường hợp tác, khai thác lực lượng KOLs. Cục TTĐN đã xây dựng Kế hoạch số 05/KH-TTĐN ngày 31/7/2024: “Kế hoạch xây dựng, quản lý và sử dụng KOLs trên không gian mạng như một lực lượng tuyên truyền miệng theo phương thức mới” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch 05) và Kế hoạch số 06/KH-TTĐN ngày 16/9/2024 về “Kế hoạch chi tiết nhiệm vụ xây dựng, quản lý và sử dụng KOLs trên không gian mạng như một lực lượng tuyên truyền miệng theo phương thức mới” để triển khai Kế hoạch 05.
Về hoạt động trực tiếp phối hợp với KOLs, Cục đã xây dựng cơ chế hợp tác, quản lý, sử dụng KOLs [2]. Trong đó, Cục đã dành nguồn lực đáng kể trong thí điểm sử dụng các KOLs đồng hành trong công tác quảng bá hình ảnh quốc gia.
Trên cơ sở ký kết các thoả thuận hợp tác với các công ty, cá nhân KOLs, Cục TTĐN đã phối hợp với KOLs triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam trong năm 2024 với nhiều hoạt động của lĩnh vực TTĐN gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước.
Cụ thể, vào tháng 4/2024, có sự kiện Văn hóa đọc sách, thu hút hơn 200.000 lượt xem. Tháng 5/2024, có sự kiện lễ ra mắt tranh 3D Mapping Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hà Nội, với 50 nội dung trên các nền tảng MXH đạt hơn 3 triệu lượt xem; sự kiện Lễ Diễu binh tại Điện Biên Phủ với hơn 70 nội dung trên các nền tảng MXH, thu hút hơn 20 triệu lượt xem; sự kiện quảng bá du lịch tại TP. Hạ Long, thu hút hàng triệu lượt xe

Tháng 6/2024 với sự kiện quảng bá du lịch cho huyện Pù Luông tại Thanh Hóa thu hút hàng triệu lượt xem. Tháng 7/2024, sự kiện lan tỏa hình ảnh, cuộc đời, sự nghiệp, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lễ Quốc tang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút hàng chục triệu lượt tương tác tích cực trên MXH. Tháng 10/2024, Cục tiếp tục kết hợp cùng Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Tiktok Vietnam trong hoạt động Quảng bá du lịch Hà Nội, gắn liền hình ảnh áo dài với các địa danh lịch sử nổi tiếng của Hà Nội.
Sự kiện được ghi hình tại quảng trường trước cổng Đoan Môn, nhân sự VTC+ nhân sự Vitamin và các người mẫu trình diễn áo dài cùng nhau tạo hình ngôi sao và số 70 (năm) với trang phục chủ đạo là áo dài, vẫy cờ hoa. Tháng 12/2024, hỗ trợ nhóm Schannel tác nghiệp tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam, đạt 20 triệu lượt xem; hỗ trợ kênh Check in Vietnam tác nghiệp tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế đạt 1 triệu lượt xem; hỗ trợ kênh Cô gái Lào Mayssa tác nghiệp tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế đạt gần 2 triệu lượt xem; hỗ trợ kênh Blog của Rọt tác nghiệp tại Địa đạo Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội; hỗ trợ kênh Check in Vietnam tác nghiệp tại Cột cờ Hà Nội lan tỏa quảng bá nét văn hóa Hà Nội. Đưa nội dung quảng bá hình ảnh Việt Nam do KOLs sản xuất lên Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam Vietnam.vn, thu hút hàng triệu lượt xem.
Đặc biệt, tháng 09/2024 với chiến dịch “Hướng về lá cờ Tổ quốc” ngày 02/9 đã gây được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Chiến dịch trên được Lãnh đạo Bộ đánh giá cao và tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho Cục TTĐN và Công ty CP quảng cáo và dịch vụ Schannel đã có thành tích xuất sắc trong chiến dịch “Hướng về lá cờ Tổ quốc”, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia.
Huy động lực lượng KOLs phủ xanh thông tin trên không gian mạng - cơ hội và thách thức
Trong quản lý nhà nước (QLNN), yêu cầu liên tục bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo kịp sự phát triển của “đối tượng quản lý” luôn là thách thức to lớn đối với chính phủ các nước, nhất là những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng như lĩnh vực TT&TT trong thời đại số hiện nay. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đặt ra cho Ngành được ghi nhận tại Thông báo kết luận hội nghị giao ban QLNN tháng 02/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ngày 03/03/20253.
Chỉ đạo về công tác QLNN về báo chí và truyền thông, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm “rõ người, rõ việc”; tiếp tục quán triệt, đổi mới tư duy từ làm báo chí và truyền thông sang “QLNN về báo chí và truyền thông”; thực hiện tốt công tác tiền kiểm, hậu kiểm; công tác giải quyết thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện, đồng bộ về phương thức quản lý, cách thức điều hành phù hợp; đặc biệt chú trọng quản lý trên không gian mạng trong xu hướng phát triển truyền thông đa phương tiện, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) như hiện nay...”
Hoạt động phủ xanh thông tin ở đây được hiểu là các hoạt động đăng tải nội dung tích cực, dùng nội dung tốt, chân thực với số lượng chiếm ưu thế so với nội dung tiêu cực, dùng cái tốt để đẩy lùi cái xấu... để thực hiện mục tiêu cuối cùng là “phòng”, bảo vệ không gian mạng sạch, an toàn trước các thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc làm ảnh hưởng xấu đến dư luận trên không gian mạng.
Trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được trong nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện chính sách và thí điểm sử dụng KOLs của Cục PTTH&TTĐT và Cục TTCS và TTĐN thời gian qua, năm 2025 mở ra những thuận lợi đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ trên trong tình hình mới.
Về thuận lợi
Một là, hoạt động của KOLs đã được quy định cụ thể tại Nghị định mới - Nghị định số 147/2024/ NĐ-CP
Nhận nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, quản lý và khai thác KOLs mạng như một lực lượng tuyên truyền miệng theo phương thức mới, Cục TTĐN đã có những bước đi mang tính chất thăm dò, thí điểm. Với những nỗ lực không ngừng, đến cuối năm 2024, Cục TTĐN và Cục PTTH&TTĐT cơ bản hoàn thành các nội dung được giao, kịp thời báo cáo và tham mưu Lãnh đạo Bộ bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quản lý hoạt động của người nổi tiếng trên không gian mạng.
Cụ thể, cuối năm 2024, Cục PTTH&TTĐT đã tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Nghị định số 147/2024/NĐ- CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Lần đầu tiên có văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Nghị định đưa vào đối tượng chịu quy định pháp luật là “người nổi tiếng”. Trong đó đáng chú ý điểm mới của Nghị định đã đặt ra các yêu cầu bảo vệ người dùng là người nổi tiếng và hoạt động gắn liền với người nổi tiếng trên không gian mạng đó là hoạt động livestream. Cụ thể điểm c và điểm d khoản 6 Điều 24 của Nghị định về việc cấp phép và quản lý MXH quy định như sau:
“c) (...) Các MXH có trách nhiệm xác thực và gắn biểu tượng đã xác thực cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) có pháp nhân tại Việt Nam, người có ảnh hưởng khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân này;
d) Chỉ các MXH đã được Bộ TT&TT cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ MXH mới được cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức”.
+ Điều 27. Điều kiện về tổ chức, nhân sự, kỹ thuật đối với TTĐT tổng hợp, MXH trong nước yêu cầu về xác thực tài khoản đối với người sử dụng dịch MXH (bao gồm tổ chức, cá nhân) có quyền và nghĩa vụ: “Xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, trong trường hợp người sử dụng dịch vụ không có số điện thoại thì tổ chức, DN cung cấp dịch vụ MXH thực hiện xác thực bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử; Trường hợp người sử dụng dịch vụ MXH sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, DN, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ MXH thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử; Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên MXH; Nếu người sử dụng là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên MXH”.
+ Khoản 8, Điều 36 của Nghị định quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ MXH trong nước và MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như sau: “Tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên MXH khi cung cấp thông tin bằng tính năng livestream phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này. Trường hợp cung cấp thông tin liên quan đến các dịch vụ chuyên ngành khác thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành”.
Ngoài ra, được biết hiện nay Cục PTTTH&TTĐT đang tiến hành sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo năm 2012, trong đó bổ sung, tăng cường trách nhiệm của KOLs trong vai trò người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Hai là Cục TTCS và TTĐN đã có sự chuẩn bị cơ bản để mở rộng hoạt động của KOLs sang nhiệm vụ “phủ xanh thông tin”.
Kinh nghiệm khai thác KOLs trong quảng bá hình ảnh quốc gia năm 2024 là tiền đề để Cục Thông tin cơ sở và TTĐN tiếp tục mở rộng phạm vi huy động nguồn lực KOLs trên không gian mạng.
Với những thành công trong khai thác và sử dụng KOLs trong quảng bá hình ảnh quốc gia năm 2024, Cục TTCS và TTĐN có thể tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của KOLs góp phần phát triển lĩnh vực thông tin đối ngoại lên tầm cao mới. Một trong những nội dung trọng tâm hiện nay nhưng rất “khó” của TTĐN đó là giải thích làm rõ, đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch về Việt Nam bằng phương pháp “phủ xanh thông tin” qua lực lượng KOLs trên không gian mạng.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm liên tục đặt ra cho Cục TTCS và TTĐN yêu cầu cần nâng cao hiệu quả bằng cách làm mới với phương pháp mới, không gian mới. Từ năm 2022, Cục TTCS và TTĐN đã có nghiên cứu xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý TTĐN; rà quét, tổng hợp, phân tích dữ liệu trên không gian mạng bằng tiếng nước ngoài theo hình thức thuê dịch vụ CNTT [4].
Hàng tháng, Cục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ thực hiện điểm báo, rà quét các thông tin định kỳ và đột xuất về tình hình kinh tế văn hóa xã hội, nhân quyền và biển đảo trên báo chí và các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, cung cấp thông tin về lĩnh vực cho các bộ, ngành, địa phương, đồng thời có những phân tích, dự báo và đưa ra các kiến nghị, đề xuất phù hợp. Đây là tiền đề cơ bản để Cục chủ động lựa chọn nội dung truyền thông cho các KOLs có ký kết hợp tác với Cục, sẵn sàng “phủ xanh thông tin mạng”.
Ngoài ra phải kể đến là sự sẵn sàng vào cuộc của các bạn trẻ KOLs đã đồng hành cùng Cục TTCS và TTĐN trong suốt thời gian vừa qua. Đó là kết quả của sự khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, khát khao phụng sự vốn có ở mỗi con người Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ trao Bằng khen Bộ trưởng Bộ TT&TT, thay mặt cho đội ngũ các bạn trẻ của công ty đồng hành cùng Cục TTCS và TTĐN trong năm 2024, Tổng Giám đốc Công ty CP dịch vụ truyền thông và quảng cáo Schannel đã bày tỏ niềm vinh dự và khát khao được cống hiến cho đất nước trên mặt trận truyền thông, tinh thần xung phong “nghe tiếng gọi lên đường” đối với các nhiệm vụ Cục đề nghị đồng hành, phối hợp.
Năm 2025 là năm đất nước kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025, trọng tâm là các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025), công tác truyền thông trước, trong và sau các sự kiện đặc biệt được chú trọng. Cùng với việc sáp nhập khối báo chí, truyền thông về Bộ VH-TT&DL, không gian hoạt động cho lực lượng KOLs còn mở rộng và cần thiết hơn bao giờ hết.

Về thách thức, khó khăn
Bên cạnh những kết quả bước đầu trong xây dựng thể chế và chính sách quản lý, sử dụng KOLs, hoạt động của KOLs trong thực tế vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập. Đầu tiên phải kể đến các KOLs hiện nay đang hoạt động chủ yếu là tự phát, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, giải trí... chưa gắn liền kế hoạch, chiến lược của quốc gia trong phát triển lực lượng KOLs. Phần lớn KOLs là các bạn trẻ, cần được bồi dưỡng kịp thời và định hướng đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó mới có thể đưa ra những phát ngôn chuẩn mực, tránh hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.. trước khi dùng đến chế tài xử phạt như nhiều phát ngôn gây tranh cãi trên MXH trong thời gian qua.
Hai là, không gian hoạt động của KOLs là không gian mạng với tính chất thông tin có tính hai mặt. KOLs là những người sáng tạo nội dung đồng thời cũng là những người thụ hưởng và chịu tác động của thông tin trên môi trường mạng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trang bị cho đội ngũ KOLs năng lực nhận diện và lựa chọn thông tin, không vì chạy theo lợi ích riêng mà cổ súy hoặc vô tình phát tán các thông tin xấu độc, thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả làm ảnh hưởng xấu đến dư luận.
Ba là phải kể đến những thách thức đặt ra đối với việc chuyển tải những nội dung chính sách, quy định pháp luật vốn “khô khan” thành những thông điệp đi vào lòng người, hiệu triệu mọi con tim hướng về mục tiêu chung là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Trong khi đó, tuổi trẻ nhiệt tình sôi nổi nhưng có thể còn thiếu ổn định và chưa có độ chín trong tư duy, trong công việc còn mang tính ngẫu hứng, khó gò vào khuôn khổ... là những vấn đề cần phải lưu ý trong quá trình sử dụng KOLs đối với những nội dung chính thức, dài hơi trong thông tin tuyên truyền.
Một số vấn đề đặt ra đối với việc huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động TTĐN trong tình hình mới
Từ thực tế QLNN về TTĐN và kết quả thực hiện cơ chế hợp tác, quản lý và sử dụng KOLs thời gian qua, Cục TTCS và TTĐN có một số kiến nghị, đề xuất đối với công tác huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động TTĐN trong tình hình mới như sau:
(1) Xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng KOLs trong phủ xanh thông tin trên không gian mạng thông qua Kế hoạch cụ thể.
(2) Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo KOLs, đặc biệt về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
(3) Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các KOLs tham gia các hoạt động phủ xanh thông tin.
(4) Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cơ quan trong việc thực hiện cơ chế hợp tác, quản lý, sử dụng KOLs để đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ và hiệu quả, góp phần thúc đẩy công tác TTĐN trong tình hình mới.
1. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không đặt vấn đề phân biệt rạch ròi các khái niệm: “người nổi tiếng”, “người có ảnh hưởng lớn trên MXH” và KOLs mà chỉ đề cập đến những người có sức ảnh hưởng nói chung trên không gian mạng.
2. - Cục TTĐN (Trung tâm Hợp tác và Truyền thông quốc tế) đã tiến hành các nội dung cụ thể: (1) ký kết biên bản Ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác với 02 đơn vị quản lý KOLs, gồm: Công ty CP Dịch vụ quảng cáo và Truyền thông Schannel; Công ty CP Truyền thông và Giải trí Vitamin Việt Nam; (2) hợp tác một số kênh MXH của các tài khoản influencer như: Check in Vietnam, Amazing thing in Vietnam, Blog của Rọt; Quang Linh Vlog; Hoàng Nam; Quách Beem...; Phối hợp với Tiktok Việt Nam để trao đổi về công tác quản lý nội dung của các KOLs trên MXH, các nội dung liên quan đến chính sách cộng đồng, ưu tiên các nội dung tích cực, đặc biệt là các nội dung quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; Nội dung trọng tâm hợp tác: tăng cường trao đổi hợp tác, sản xuất nội dung số và truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử Việt Nam trên Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam: https://vietnam.vn và các kênh truyền thông MXH của các KOLs do các công ty truyền thông quản lý; Xây dựng cơ chế hợp tác với Tiktok Việt Nam phục vụ công tác phối hợp quản lý, sử dụng KOLs vào nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia.
3. Hội nghị lần đầu tiên có sự tham dự của 04 đơn vị khối báo chí và truyền thông chuyển từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Bộ VHTTDL.
4. Chuyên đề báo cáo Bộ trưởng năm 2022
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2025)