Đây là Hội nghị quốc tế thường niên do Hiệp hội Điện tử Viễn thông Việt Nam, Phân hội Viễn thông của IEEE khởi xướng và chủ trì và được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với chủ đề chính là “Công nghệ tiên tiến trong truyền thông”, hội nghị quốc tế ATC năm nay do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phối hợp với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức.
Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, đại diện Bộ Giáo dục đào tạo, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các hãng công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ điện tử viễn thông, công nghệ thông tin trong và ngoài nước và hơn 150 nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị ATC 2014.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, “qua 6 lần tổ chức, hội nghị quốc tế ATC đã trở thành diễn đàn quốc tế uy tín để trao đổi khoa học và công nghệ giữa các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam và trên toàn thế giới trong lĩnh vực điện tử và viễn thông”.
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xây dựng kiến trúc chuẩn hệ thống thông tin quốc gia để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ cả về nền tảng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ áp dụng trên cả nước. Đồng thời, Bộ cũng đang tổ chức xây dựng cơ chế, chính sách, kiện toàn tổ chức và triển khai các hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Những vấn đề này rất cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, tổ chức doanh nghiệp mà ở đó các hoạt động khoa học như hội nghị ATC 2014 có vai trò rất quan trọng.
Theo Ban Tổ chức, với chủ đề “Công nghệ tiên tiến trong truyền thông”, Hội nghị quốc tế ATC năm nay đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử truyền thông. Hội nghị có sự tham gia của 675 tác giả thông qua 271 bài báo khoa học đến từ 26 quốc gia (châu Á, châu Âu và châu Mỹ). Học viện Bưu chính Viễn thông đã mời khoảng 900 nhà khoa học trên thế giới tham gia phản biện các bài báo khoa học để đưa các báo cáo điển hình vào chương trình Hội thảo.
Tổng hợp đánh giá chuyên môn số lượng các bài viết, báo cáo khoa học gửi về hội nghị cho thấy, so với hội nghị lần trước, ATC 2014 có số lượng bài báo tăng gần 10% và số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà nghiên cứu, chuyên gia tham dự tăng thêm 5 quốc gia. Tỷ lệ bài của các nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các trường trường Đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam là hơn 50%. Một số quốc gia có số lượng đông các nhà khoa học tham gia Hội nghị là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Malaysia và Trung Quốc.
Đáng chú ý, tại Hội thảo năm nay, có 3 diễn giả nổi tiếng là giáo sư, chuyên gia có tên tuổi thế giới là Giáo sư Lajos Hanzo đến từ Đại học Southampton Vương Quốc Anh, Giáo sư Tetsuya Kawanishi Viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản NICT và Chủ tịch Hiệp hội anten và truyền sóng quốc tế IEEE, ông Tapan K. Sarkar. Ngay khi kết thúc phiên khai mạc, Giáo sư Lajos Hanzo đã thuyết trình về giải pháp điều chế không gian. Đây là một giải pháp tạo ra 2 tính năng cơ bản của thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng không dây (5G) đó là: tăng cường tốc độ truyền dẫn và chống nhiễu.
Hội nghị quốc tế ATC 2014 khai mạc sáng ngày 15/10/2014 tại Hà Nội.
Hội nghị ACT được diễn ra trong 3 ngày (15 - 17/10) với nhiều bài báo, báo cáo của các diễn giả khác tập trung vào chủ đề công nghệ di động thế hệ tiếp theo, một số nghiên cứu về lĩnh vực an toàn bảo mật và hệ thống mạng…