Hội nhập kinh tế ASEAN – Huyền thoại hay thực tế?

An Nhiên| 12/09/2018 15:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Một ASEAN thống nhất chắc chắn là một khái niệm hấp dẫn. Trong năm 2015, số liệu thống kê cho thấy về tổng thể, ASEAN có tổng dân số 628 triệu người với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 2,4 nghìn tỷ đô la Mỹ. Với mức tăng trưởng dự kiến, ASEAN dự kiến sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030.

ASEAN-Economic-Community

Trong những năm gần đây khi khối khu vực hoạt động hướng tới tầm nhìn ASEAN 2020, các nhà quan sát thị trường đã đặt câu hỏi về tính khả thi của một nền kinh tế thống nhất vì dường như nó đang phải đối mặt với một số vấn đề đang diễn ra.

Tan Sri Datuk Dr Rebecca Fatima, thành viên chính sách cao cấp tại Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình trong hội thảo chuyên đề về hội nhập kinh tế ASEAN: Huyền thoại hoặc thực tế, được tổ chức tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew.

Thực tế tăng trưởng thông qua hội nhập kinh tế

Ngay từ ban đầu, ASEAN đã có những tiến bộ ổn định và liên tục hướng tới hội nhập kinh tế từ năm 1975. Các hợp tác kinh tế tiếp tục được phát triển và mở rộng qua nhiều năm từ việc bổ nhiệm các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM), việc ra đời của Hiệp định Thương mại Ưu đãi (từ những năm 1980), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) trước khi Kế hoạch chi tiết cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thiết lập, tập trung chủ yếu vào thương mại và từ từ mở rộng đến những nhân lực có tay nghề cao và thậm chí bao gồm cả các luồng đầu tư, làm nổi bật sự quyết tâm và tự tin để có thể biến sự hội nhập trở thành hiện thực trên nhiều trụ cột kinh tế.

Sự hình thành của kế hoạch chi tiết cộng đồng kinh tế ASEAN

Trong năm 2007, các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau thiết lập Kế hoạch chi tiết AEC, cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn để trở thành một khu vực năng động, hội nhập và cạnh tranh, cho phép lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tài chính, công nhân lành nghề và đầu tư. Ban đầu, năm 2020 là thời hạn quy định, tuy nhiên các nhà lãnh đạo khẳng định niềm tin và cam kết mạnh mẽ của họ bằng cách đẩy nhanh việc thiết lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Nền tảng cho sự thành công

Thị trường ASEAN thống nhất được khởi động và dần dần trở thành hiện thực thông qua Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, cho phép loại bỏ cả thuế quan và hàng rào phi thuế quan, bao gồm hội nhập và hài hòa các tiêu chuẩn và thủ tục một cách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại được diễn ra nhanh hơn và được hưởng ưu đãi giữa các quốc gia. Một thành tựu nữa được thiết lập chính là việc cho ra đời với cơ chế một cửa ASEAN (ASEAN single window), khi các luồng dữ liệu, thông tin và quy trình ra quyết định, được thiết kế để đẩy nhanh tiến độ thông quan, giảm thời gian giao dịch và chi phí và cuối cùng tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho thương mại bên trong ASEAN, khối khu vực cũng đặt các thành viên trên cơ sở bình đẳng trong đàm phán với các đối tác thương mại của mình thông qua Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm sáu quốc gia - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Các cuộc thảo luận RCEP bao gồm đàm phán thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng cộng, 16 nước tham gia RCEP có dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, đóng góp khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn một phần tư giá trị xuất khẩu toàn thế giới, do đó đảm bảo việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ được cải thiện.

Hướng tới kế hoạch chi tiết AEC 2025

Mặc dù, nhiều động lực và tiến bộ đã đạt được từ năm 2015, các mốc quan trọng đã không được hoàn thành và việc tạo ra Kế hoạch chi tiết AEC 2025 đã hỗ trợ cho việc tiếp tục và hoàn thành những nội dung quan trọng. Trong thực tế, Kế hoạch chi tiết AEC 2025 đã đặt ra những mục tiêu thậm chí còn táo bạo hơn và gắn liền với 5 định hướng chính sau:

1) một nền kinh tế hội nhập và gắn kết cao;

2) ASEAN cạnh tranh, sáng tạo và năng động;

3) một ASEAN có kết nối kinh tế tăng cường và hợp tác ngành sâu hơn;

4) một ASEAN bền vững, trọn vẹn và định hướng vào con người; và

5) một ASEAN toàn cầu.

Để đảm bảo trách nhiệm giải trình và minh bạch, cộng đồng đã thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược hợp nhất (CSAP - Consolidated Strategic Action Plan), củng cố việc thực hiện kịp thời các mục tiêu trong kế hoạch chi tiết và cũng cho phép theo dõi hiệu quả tiến độ của nó.

Mặc dù các nước ASEAN đã bắt đầu với một tầm nhìn rõ ràng và mục tiêu đầy tham vọng, việc thực hiện một cách không phù hợp các chính sách và những người hoài nghi đã đặt những câu hỏi: trên thực tế thì tầm nhìn này có thực sự đạt được hay không?

Huyền thoại có thể trở thành hiện thực?

Xem xét mức độ đa dạng về văn hóa, kiến thức, năng suất và mức độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên, AEC phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu của một nền kinh tế hội nhập:

Danh sách những việc cần làm được cho là quá tham vọng

Trong khi thiết lập Kế hoạch chi tiết AEC 2025, Kế hoạch hành động chiến lược hợp nhất là cực kỳ quan trọng vì nó đảm bảo các cam kết của tất cả các quốc gia thành viên của nó, các tài liệu cung cấp các hướng dẫn chi tiết để tiến hành thực hiện. Chỉ riêng CSAP đã bao gồm 153 biện pháp và 513 mục tiêu hành động cần được thực hiện đến năm 2025. Với nguồn lực và ngân sách hạn chế, Tiến sĩ Rebecca nhấn mạnh rằng AEC nên xem xét cơ cấu thể chế của mình để thực hiện và đánh giá các chiến lược, biện pháp và quy trình của mình để đảm bảo các mục tiêu đặt ra được thực hiện kịp thời.

Các chương trình nghị có sự xung đột giữa ASEAN và các nước thành viên

Các nước thành viên ASEAN đã cam kết trong một số vấn đề như loại bỏ các biện pháp phi thuế quan (NTM), rào cản phi thuế quan, hội nhập hải quan và áp dụng chính sách ASEAN một cửa để thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực. Trong khi những cam kết này được đưa ra trong khu vực, việc áp dụng cần phải được thực hiện bởi các quốc gia, tuy nhiên bản thân các quốc gia thành viên cũng đang phải đối mặt với các hạn chế pháp lý và chính trị trong nước và những vấn đề này là khác nhau giữa những quốc gia thành viên.

Ví dụ, Hiệp định Công nhận lẫn nhau (MRA - Mutual Recognition Agreement) được thành lập để cho phép các chuyên gia của tám ngành nghề có thể được công nhận và thực hành ở các quốc gia ASEAN khác. Các ngành nghề bao gồm y học, nha khoa, kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, điều dưỡng, du lịch, khảo sát và kế toán. Tuy nhiên, chỉ có MRA cho lĩnh vực Dịch vụ Kỹ thuật, được quy định vào năm 2005, là hoạt động. Đối với những lĩnh vực khác, tất cả vẫn đang được thảo luận và những chuyên gia này phải được sự chấp thuận của hải quan nội địa và tuân thủ các quy định pháp lý tại quốc gia đó.

Có sự khác biệt trong việc thực hiện và kết quả đạt được

AEC bao gồm các quốc gia ở các mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Do đó, một số quốc gia có thể không có đủ các nguồn lực để thực hiện chính sách cho một cuộc hội nhập kinh tế liền mạch.

Một ví dụ là chính sách ASEAN một cửa được thiết lập nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa và thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách cho phép trao đổi tài liệu điện tử giữa các quốc gia thành viên. Hiện tại, chỉ có Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan mới sử dụng chứng chỉ xuất xứ điện tử. Các nước kém phát triển có thể phải đối mặt với những thách thức về kinh phí, cơ sở hạ tầng công nghệ, khả năng và khung pháp lý để có thể thực hiện thỏa thuận này. Những hạn chế mà các quốc gia thành viên phải đối mặt đã đặt ra một thách thức trong việc thực hiện các cam kết trong khu vực.

Xác định lại các phương thức

Tiến sĩ Rebecca nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi đối với vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực bao gồm: phương pháp ra quyết định đồng thuận; vai trò của nó trong khu vực; cơ cấu để thực hiện và đánh giá cuối cùng các chiến lược và hoạt động của nó.

  • Phương pháp ra quyết định đồng thuận

Cách thức ra quyết định đồng thuận của ASEAN có thể dẫn đến con đường thành công. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đòi hỏi một cách tiếp cận mới để có thể vượt qua các bế tắc hiện tại, đòi hỏi các quy định và quy tắc nhanh hơn và dễ thích nghi hơn.

  • Vai trò của nó trong khu vực

ASEAN cũng cần phải hướng tới một trung tâm ASEAN trong các cuộc đàm phán với các đối tác đối thoại. Ví dụ, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện là cơ hội để các đối tác ASEAN làm việc với nhau như các thành viên đa dạng để đàm phán các điều khoản và giới thiệu nền kinh tế của họ trên phạm vi quốc tế. Do đó, Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP) mang đến những thách thức và cơ hội cho ASEAN để hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

  • Đánh giá lại cấu trúc của nó

ASEAN cần xem xét lại cơ cấu của mình để thực hiện, giám sát và đánh giá các chiến lược và hoạt động của mình. Tiến sĩ Rebecca tin rằng ASEAN nên có một cách tiếp cận có hệ thống hơn trong việc thực hiện các sáng kiến, và mở rộng phạm vi của họ để hợp tác với các viện nghiên cứu và thậm chí cả khu vực tư nhân. Ví dụ, thương mại điện tử đã được trích dẫn là một trong những ưu tiên của ASEAN cho năm 2018. Tuy nhiên, thương mại điện tử liên quan đến nhiều yếu tố ảnh hưởng trong trụ cột kinh tế. Nó cũng liên quan đến những vấn đề an ninh cho việc di chuyển hàng hóa và dữ liệu vật lý; và phát triển kỹ năng để cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực nhận ra các cơ hội bằng cách kinh doanh mới này. Do đó, một cách tiếp cận mới phải được áp dụng.

Đáp lại những cân nhắc này, Tiến sĩ Rebecca cho rằng ASEAN nên hình dung hội nhập kinh tế của họ một cách tổng thể, để khám phá cơ hội hợp tác giữa Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN, Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN và AEC vì tất cả hoạt động đều hướng tới xây dựng một cộng đồng kinh tế trong khu vực. Tiến sĩ Rebecca nhấn mạnh rằng toàn bộ cách tiếp cận của ASEAN sẽ điều chỉnh các mục tiêu trên toàn khu vực, và cho phép các nước có cái nhìn toàn diện về việc thực hiện các cam kết của mình đối với khu vực.

Kết luận

Không có nghi ngờ về tiềm năng của ASEAN để có thể hội nhập kinh tế. Nó sẽ trở thành hiện thực miễn là khu vực này có nền chính trị, kinh tế và xã hội thống nhất để hướng tới tầm nhìn này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập kinh tế ASEAN – Huyền thoại hay thực tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO