Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
(Mic.gov.vn) - Ngày 19/11/2014, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ TT&TT phối hợp với Cơ quan truyền thông đa phương tiện Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách về kế hoạch hành động chiến lược để giải quyết những thách thức của kết nối ASEAN”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của dự án hợp tác ASEAN được triển khai năm 2014 của Quỹ CNTT&TT ASEAN và đối tác đối thoại Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT&TT từ 7 nước thành viên ASEAN gồm Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam và các chuyên gia của hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự Hội thảo. Phát biểu tại Hội thảo, ông Lã Hoàng Trung, Viện phó Viện Chiến lược TT&TT cho biết hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến xu thế phát triển băng thông rộng, tác động tiêu cực của ứng dụng băng rộng tại các nước thành viên ASEAN và đề xuất kế hoạch hành động để ngăn ngừa các tác động tiêu cực. Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo cho biết hiện nay, băng rộng là một trong những vấn đề chính trong hợp tác ICT ở các nước ASEAN. Đây là một hội thảo quan trọng để chia sẻ các thực tiễn phát triển băng rộng hữu ích và hiệu quả từ các nước thành viên ASEAN, từ đó đóng góp vào kế hoạch tổng thể ASEAN về ICT. Theo các thông tin từ các nước thành viên ASEAN, băng thông rộng ở các nước đang tăng trưởng rất nhanh về hạ tầng băng rộng (cố định, di động), số thuê bao, nhu cầu về các ứng dụng giải trí trực tuyến, nhu cầu về công nghệ mới/các ứng dụng (Internet của vạn vật, dữ liệu lớn…),nhu cầu về các ứng dụng chính phủ phủ điện tử mới, kinh doanh (TMĐT, thương mại di động)… Hội thảo cũng đã đánh giá các tác động tới sự phát triển hạ tầng băng rộng như đầu tư lớn của các nhà khai thác viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ Internet; sự cạnh tranh quyết liệt về tần số và thiết bị đầu cuối công nghệ cao; tác động của các ứng dụng Internet, đặc biệt với băng thông rộng; an ninh mạng; sự riêng tư; sự phổ biến, sự bùng nổ của thông tin; vấn đề bản quyền… Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị đề xuất về sự phát triển hạ tầng băng rộng gồm: thỏa thuận ngắn hạn về tần số, thỏa thuận giữa nhà cung cấp OTT và viễn thông, dịch vụ băng rộng được xem như là dịch vụ phổ cập, băng rộng khi lái xe, cấm các trò chơi trực tuyến từ nửa đêm, kế hoạch an ninh mạng quốc gia và hợp tác quốc tế./.