Hợp tác, chia sẻ và hành động thiết thực - Yếu tố tiên quyết chuyển đổi số thành công

Minh Thiện| 08/08/2019 21:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp (DN) cần đi vào những công việc cụ thể, cùng nhau hợp tác, chia sẻ thì mới đảm bảo chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh chóng và hiệu quả.

Xu hướng toàn cầu và cơ hội của Việt Nam

“Chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội của nhiều quốc gia khác. Trong cuộc đua tranh này, nếu Việt Nam không tận dụng được cơ hội, nó sẽ biến thành thách thức với chúng ta. Đây không phải là lần đầu tiên CNTT mang lại cơ hội cho Việt Nam. Từ những năm 90, chúng ta đã nói về kỷ nguyên thông tin, kinh tế tri thức, chính phủ điện tử, còn bây giờ chúng ta nói đến chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo trong phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 diễn ra sáng ngày 08/08/2019 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo trong phiên khai mạc

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của trên 700 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, Bộ và các cơ quan ngang bộ; các cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 47 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 13 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo DN, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đồng tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019. Phó Thủ tướng cho rằng: Suy cho cùngthì cái cốt lõi vẫn là ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho DN, hiệu quả lớn hơn cho tổ chức và cơ hội cho mỗi người dân. Việt Nam từng thành công khi mạnh dạn số hoá ngành nông nghiệp. Tuy vậy, cũng có không ít cơ hội bị bỏ qua, rất nhiều đề án, mục tiêu vẫn chưa làm được. Bây giờ chúng ta phải làm sao để cơ hội được tận dụng một cách tốt nhất”

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” và xác định đây là Diễn đàn của hành động, Vietnam ICT Summit 2019 đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam. CĐS không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. 

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Digitization - Chuyển thông tin sang dạng số, Digitalization - Ứng dụng CNTT và Digital Transformation - Chuyển đổi số, là ba cấp độ số hoá. Thí dụ về Digitization là số hoá văn bản để lưu trữ và xử lý. Thí dụ về Digitalization là ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động của một tổ chức được hiệu quả hơn. Digital Transformation, hay chuyển đổi số, là quá trình chuyển các hoạt động kinh tế và xã hội sang môi trường số. Thí dụ về chuyển đổi số là dịch vụ gọi xe Grab/Uber/Be, hay đào tạo trực tuyến.

Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người. Đây là lần đầu tiên loài người bước vào thế giới ảo. Không chỉ một phần, mà toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực”.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng nhấn mạnh: Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng DN, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cũng khẳng định: “Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, DN. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người sử dụng và nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành”.

Ông Bình đưa ra một loạt ví dụ về mô hình mới đã được áp dụng rất thành công trên thế giới: Amazon cả tập đoàn chỉ có 6 kế toán, người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng, vào cửa hàng, scan, nhặt đồ và ra về, các thủ tục về thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng Amazon Go.

Từ bất kỳ đâu trên thế giới chỉ cần có điện thoại di động, Wi-Fi là có thể học trực tuyến từ các giảng viên xuất sắc nhất trên thế giới trên ứng dụng học trực tuyến của coursera; các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh tế chia sẻ, được hình thành từ việc sử dụng các công nghê mới đã tạo nên Uber, Grab, Airbnb...

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA

Tại Việt Nam, đề án Chuyển đổi số Quốc gia do Bộ TTTT xây dựng cũng nhận định CĐS đang tác động ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu: Thay lao động chân tay bằng tự động hóa; thay vốn bằng tri thức và dữ liệu; thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp; thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội.

Đến năm 2030, Việt Nam chuyển đổi số toàn diện

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, đơn vị thường trực Đề án Chuyển đổi số Việt Nam đã trình bày bản cập nhật mới nhất của Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Bộ TTTT đang xây dựng, nhằm thu hút thêm những ý kiến và đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện công trình này.

Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết: Tầm nhìn chiến lược của Chuyển đổi số là Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; Mọi người có thể tham gia, không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số; Giữ gìn những giá trị cơ bản của con người.

Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TTTT

Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030, Việt Nam thuộc Top 20 thế giới và Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; Top 50 về Chỉ số chính phủ điện tử. Đến năm 2030, 100% người dùng di động sử dụng dịch vụ tiền di động; 100% người dân có Internet băng rộng, điện thoại thông minh.

Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển DN công nghệ số theo định hướng “Make in Viet Nam” (Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); 10-20 DN công nghệ lớn, làm chủ R&D. Hàng ngàn DN ICT làm các nền tảng; 50.000 DN khởi nghiệp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong mọi mặt kinh tế - xã hội; Phát triển hàng trăm các DN khởi nghiệp số.

Ngoài ra còn đặt mục tiêu phát triển chuyên gia công nghệ số; Tạo môi trường học tập suốt đời cho người Việt Nam (Lifelong Learning); Chương trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số (reskill, upskill); Đổi mới chương trình đào tạo ICT từ phổ thông.

Với Việt Nam, áp lực từ công cuộc CĐS đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của nhiều DN. Những hiệu quả mà CĐS mang lại không chỉ là việc nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, gia tăng các trải nghiệm của người  mà còn là yếu tố giúp DN xây dựng được năng lực cạnh tranh, bắt kịp thời đại và dẫn đầu xu hướng.

Tại Diễn đàn, “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam” đã chính thức được ra mắt với sự tham gia của các DN lớn làm nòng cốt cho Liên minh như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, Hài Hoà, Mobifone, BKAV… thể hiện sự cam kết đồng hành của các Dn Việt Nam với Chính phủ trong thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng các thành viên “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam”

Việc xây dựng các nền tảng ứng dụng (platform) phục vụ nhu cầu CĐS của các cơ quan, tổ chức, DN và người dân là một giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh CĐS tại Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, CĐS còn bao hàm rất nhiều mảnh ghép khác để tạo nên một quy trình toàn diện và toàn lực giúp cá nhân tổ chức thực hiện thực sự tạo nên những bứt phá. Do đó, CĐS cho chính phủ, tổ chức, DN không cần và không phải là một phong trào với công thức chung cho mọi lĩnh vực, cơ quan, bộ ngành, địa phương… 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rằng: “Để CĐS thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, DN/tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “Điểm Đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành CĐS. Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức/DN đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở”.

Việc Xây dựng trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn là một ví dụ cho điều này. Với quyết tâm cao của địa phương và những tư vấn từ các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm về CĐS, đây sẽ là nơi thu hút nhân tài khu vực miền Trung, đào tạo mới cũng như hội tụ đội ngũ nhân sự tài năng về trí tuệ nhân tạo để cung ứng cho công cuộc CĐS tại Việt Nam. Các địa phương, tổ chức, DN khác cũng có thể từ những thông tin, kiến thức thu được từ Diễn đàn có thể tìm ra những định hướng riêng cho mình.

Hai phiên thảo luận chuyên đề đã diễn ra vào buổi sáng. Các diễn giả và đại biểu đều cho rằng: Với mục tiêu “CĐS vì một Việt Nam hùng cường”, yếu tố tiên quyết để CĐS thành công đó là sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, DN và cộng đồng công nghệ. 

Phiên thảo luận chuyên đề

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, khẳng định: “Có thể nói, đến nay, các DN, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp các giải pháp cho CĐS. Với những nền tảng mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu, sự thấu hiểu quy trình - kinh nghiệm CĐS cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, đây sẽ là động lực để Việt Nam có thể bứt phá và bắt kịp tốc độ công nghệ vũ bão của thế giới”. 

Hãy bắt đầu từ những việc cụ thể và thiết thực

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các ý kiến được chia sẻ tại diễn đàn sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp đóng góp vào Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Việt Nam sắp sửa tuyên bố. Chúng ta sẽ cùng nhau tiếp thu ý kiến để Đề án được thực hiện đúng tinh thần, đề ra được những mục tiêu cụ thể và bằng các hành động cụ thể. 

Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh so với khu vực và thế giới. Nhưng chúng ta xuất phát chậm nên phải nhanh hơn. Công trình lớn hay lâu đài nguy nga đều phải được xây bằng từng viên gạch nhỏ. Do vậy, trước khi nghĩ đến chuyện vượt, trước hết Việt Nam phải bằng được nước khác và phải nỗ lực hơn thiên hạ gấp nhiều lần. 

“Chúng ta phải xác định được một số việc làm ngay và làm đến cùng. Đây chính là đầu bài cho giới CNTT, là nhiệm vụ cho các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước. Giới CNTT và các cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao để người dân khi đã cung cấp dữ liệu thì 1 lần và chỉ 1 lần. Những lần sau, khi tiếp cận dịch vụ như vậy, người dân sẽ không phải khai báo lại nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Hay một nhiệm vụ khác là làm sao để tất cả người dân Việt Nam đều có smartphone, để mọi người dân đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta có thể đề ra các chương trình quyên góp điện thoại cũ, trang bị điện thoại smartphone cho tất cả mọi người. Chúng ta phải tìm ra một số công việc để tập trung đồng bộ giải quyết”

Các vị đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Vietnam ICT Summit 2019

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý để DN có được sự hỗ trợ của nhà nước và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Bên cạnh đó, phải có chính sách về thuế, cơ chế phân bổ tài nguyên để không chỉ DN CNTT mà ngay cả các doanh nghiệp khu ứng dụng công nghệ mới cũng được hưởng những lợi ích thiết thực về mặt vật chất.  

Cùng quan điểm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hành động cụ thể như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, các giải pháp nền tảng và Đào tạo. Đồng thời, Bộ trưởng kêu gọi các DN ICT, mỗi người phải “nhận lấy” một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác, chia sẻ và hành động thiết thực - Yếu tố tiên quyết chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO