Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo có thể tổ chức này sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm các dự báo kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo Hoa Kỳ và Trung Quốc rằng cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu sự phục hồi từ đại dịch coronavirus.
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, đã nói tại một sự kiện trực tuyến do Viện Đại học Châu Âu tổ chức, rằng dữ liệu kinh tế gần đây cho nhiều quốc gia thậm chí còn ở dưới mức dự báo bi quan - mức giảm 3% kinh tế toàn cầu vào năm 2020.
Nếu không có giải pháp y tế ngay lập tức, các kịch bản bất lợi hơn nữa có thể sẽ xảy ra đối với một số nền kinh tế, theo bà Georgieva. Ẩn số về diễn biến của loại virus này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự báo.
Dự báo tháng 4 của IMF về sự thu hẹp 3% nền kinh tế toàn cầu sẽ đánh dấu sự suy thoái mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. IMF cũng dự báo sự phục hồi một phần sẽ diễn ra vào năm 2021, nhưng họ cảnh báo rằng kết quả có thể tồi tệ hơn nhiều, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch.
Nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa trên diện rộng nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của virus. Dữ liệu của Chính phủ Hoa Kỳ được công bố vào ngày 8/5 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 14,7% vào tháng trước. Nhà Trắng cho biết tình trạng thất nghiệp có thể đạt 20% trong tháng 5.
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19 bằng cách áp thuế quan mới, và trước đó cũng đe dọa kết thúc thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ
Các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc cho biết họ sẽ thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại ban đầu, nhưng một số nhà quan sát cho rằng, việc mua hàng hóa Hoa Kỳ của Trung Quốc khó có thể để đạt được mục tiêu năm đầu tiên là tăng 77 tỷ USD.
Vào ngày 5/8, bà Georgieva cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể làm suy yếu triển vọng phục hồi toàn cầu tại một thời điểm quan trọng. Khi được hỏi bà lo ngại như thế nào nếu căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu, Georgieva nói: "Điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là chống lại xu hướng chạy theo chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới".
"Ổn định thương mại thế giới là rất quan trọng để đảm bảo phục hồi kinh tế toàn cầu", bà nói. "Nói cách khác, chi phí tăng lên, thu nhập giảm xuống và chúng ta sẽ ở trong một thế giới kém an toàn hơn".
Bà Georgieva cho biết IMF đã cung cấp tài trợ khẩn cấp cho 50 trong số 103 quốc gia đã yêu cầu viện trợ. Các nước nghèo vẫn có nguy cơ cao khi kiều hối giảm mạnh và giá hàng hóa giảm, ngay cả khi tỷ lệ tử vong do virus thấp hơn so với một số nước giàu hơn.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, Gita Gopinath, đã nói trong một sự kiện do Hội đồng Quan hệ đối ngoại tổ chức hôm 7/5 rằng tình hình đã xấu đi kể từ tháng 3 - khi IMF dự đoán rằng các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển sẽ cần 2,5 nghìn tỷ USD để tài trợ cho việc quản lý sức khỏe và kinh tế.
"Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ kéo dài hơn", bà Gita nói. "Vì vậy, nhu cầu vốn sẽ tăng lên, thậm chí cao hơn con số (2,5 nghìn tỷ USD) đó".