Tác động tới hoạt động toàn cầu của Intel
Intel cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh, hay còn gọi là hoạt động hạn chế phát thải trực tiếp (Scope 1) và gián tiếp (Scope 2), cho tới năm 2040. Ưu tiên của Intel là tích cực giảm lượng khí thải, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và khoa học khí hậu. Chiến lược này sẽ sử dụng lượng carbon bù đắp (carbon offset) đáng tin cậy để đạt được mục tiêu chỉ khi các lựa chọn khác đã cạn kiệt.
Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này, Intel đã đặt ra các cột mốc tạm thời sau cho tới năm 2030: Đạt được 100% tỷ lệ sử dụng điện tái tạo trong khâu vận hành toàn cầu; Đầu tư khoảng 300 triệu USD vào việc bảo tồn năng lượng tại các cơ sở sản xuất nhằm tích lũy 4 tỷ kilowatt giờ năng lượng; Xây dựng các nhà máy và cơ sở mới để đáp ứng các tiêu chuẩn chương trình LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ, bao gồm các khoản đầu tư được công bố gần đây ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á; Khởi động sáng kiến Nghiên cứu & Phát triển đa ngành để nhận diện các hóa chất bền vững có khả năng làm giảm tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như phát triển thiết bị khử trùng mới.
Những mục tiêu trên khẳng định cam kết của Intel đối với các phương thức kinh doanh bền vững, như chiến lược RISE. Trong vòng một thập kỷ qua, lượng phát thải khí nhà kính tích lũy của Intel đã đạt mức thấp hơn gần 75% so với khi không có các khoản đầu tư và hành động.
Ông Pat Gelsinger, Giám đốc Điều hành của Intel cho biết: "Tình trạng biến đổi khí hậu đã trở thành vấn nạn cấp thiết trên toàn cầu. Chúng ta rất cần những hành động kịp thời và tư duy cấp tiến về cách vận hành thế giới để bảo vệ hành tinh mình đang sinh sống".
Lợi ích và ý nghĩa đối với các hoạt động
Intel cũng cam kết giải quyết các tác động khí hậu trong chuỗi giá trị ngược dòng và xuôi dòng (upstream and downstream), hay còn được biết đến với khái niệm hạn chế phát thải Scope 3. Chiến lược Scope 3 của Intel tập trung vào việc hợp tác với các nhà cung cấp và khách hàng để chung tay hành động nhằm giảm lượng khí thải tổng thể.
Intel đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp để xác định các hướng đổi mới, bao gồm chuyển sự tập trung của nhà cung cấp sang việc bảo tồn năng lượng và tìm nguồn cung ứng năng lượng tái tạo, tăng hiệu suất sử dụng hóa chất và tài nguyên, đồng thời dẫn đầu liên kết ngành nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang chuỗi giá trị sản xuất chất bán dẫn không tạo ra khí thải nhà kính.
Để đẩy nhanh tiến độ, Intel cam kết hợp tác với các nhà cung cấp để đảm bảo lượng phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng xuống thấp hơn ít nhất 30% vào năm 2030 so với mức phát thải khi không có đầu tư và hành động.
Để hỗ trợ các mục tiêu bền vững của khách hàng và giảm phát thải khí nhà kính do việc sử dụng sản phẩm thuộc Scope 3, Intel sẽ nỗ lực cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng và tiếp tục thúc đẩy cải tiến hiệu năng theo nhu cầu của thị trường. Mục tiêu mới của Intel là tăng hiệu suất sử dụng năng lượng lên 5 lần cho từng watt, áp dụng với thế hệ CPU–GPU tiếp theo. Intel vẫn cam kết hiện thực hóa mục tiêu năm 2030 là tăng hiệu suất sử dụng năng lượng của sản phẩm lên 10 lần đối với bộ vi xử lý máy tính dành cho khách hàng cũng như máy chủ.
Giúp khách hàng đạt được mức giảm carbon
Để giúp khách hàng đạt được mức giảm carbon của nền tảng, Intel đang tạo ra những đổi mới trong các khía cạnh: Bố trí, lựa chọn và mô-đun hóa tất cả các thành phần bên trong để giảm kích thước của bo mạch chính; Tiếp tục tăng hiệu suất năng lượng của hệ thống và hiệu suất hiển thị để giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng tổng thể; Tiến hành sử dụng các bảng mạch in (printed circuit board) ứng dụng công nghệ sinh học nhằm hỗ trợ việc phân tách các vật liệu và thành phần khi tái chế, cũng như giảm thiểu rác thải điện tử.
Intel cũng đã đặt ra mục tiêu mới nhằm giảm 30% lượng khí thải liên quan đến thiết kế nền tảng tham chiếu cho sản phẩm dành cho khách hàng vào năm 2030. Những nỗ lực này đang dần trở thành hiện thực, bắt đầu với mẫu thiết kế Concept Luna của Dell, được phát triển với sự hợp tác của Intel, hứa hẹn một tương lai với rất nhiều thiết kế PC mang tính bền vững.
Tạo ra các giải pháp bền vững hơn
Intel đang hợp tác với hàng trăm khách hàng và đối tác trong ngành để tạo ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về hiệu năng điện toán theo cấp số nhân, đồng thời đảm bảo gia tăng hiệu suất cũng như tiết kiệm năng lượng. Ví dụ: Intel đang hợp tác để triển khai thí điểm công nghệ làm mát nhúng ngập bằng chất lỏng (liquid immersion cooling) cho các trung tâm dữ liệu thuộc các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông và đám mây, với các công ty như Submer. Điều này bao gồm việc áp dụng các nguyên tắc mới, bao gồm thu nhiệt và tái sử dụng thông qua tính năng làm mát nhúng ngập bằng chất lỏng.
Tăng cường khả năng tiếp cận với năng lượng tái tạo là một bước quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Intel đã phát triển một giải pháp có thể được tích hợp vào cơ sở hạ tầng lưới năng lượng hiện có, từ đó tạo ra một lưới điện thông minh hơn, có khả năng thích ứng với các nhu cầu và nguồn tiêu thụ năng lượng liên tục đổi mới. Intel và một số nhà khai thác tiện ích lớn nhất thế giới đã thành lập Hiệp hội Edge for Smart Secondary Substations để hiện đại hóa các trạm biến áp lưới năng lượng và hỗ trợ tốt hơn các nguồn năng lượng tái tạo.
Phần mềm mở và phần cứng có thể lập trình của Intel cũng cung cấp khả năng mang lại các giải pháp xanh hơn cho khách hàng. Ví dụ: trong trung tâm dữ liệu của mình có các phương tiện liên lạc 5G, nhà khai thác viễn thông Nhật Bản KDDI đã giảm mức tiêu thụ điện năng tổng thể xuống 20% trong một thử nghiệm bằng cách sử dụng bộ xử lý Intel Xeon có thể mở rộng và tính năng quản lý điện năng toàn diện của Intel cũng như tích hợp công nghệ AI, cung cấp khả năng mở rộng quy mô điện năng tiêu thụ tùy theo nhu cầu.
Intel sẽ tiếp tục cập nhật về kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 và chiến lược "xanh hóa" công nghệ điện toán trong năm nay./.