Kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN: Thực trạng và giải pháp chính sách

05/05/2022 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Hỗ trợ kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt đối với các sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN.

Hằng năm, Bộ KH&CN tổ chức nhiều sự kiện KH&CN như kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (Techfest)... Các sự kiện này đã tạo hiệu ứng lan tỏa về kết nối giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế với sự tham gia của doanh nghiệp (DN) nước ngoài. 

Tuy nhiên, việc hỗ trợ kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến sau các sự kiện chưa được đẩy mạnh, nhiều sáng chế, sáng kiến tham gia sự kiện chưa được đưa vào ứng dụng mặc dù có tiềm năng thương mại hóa cao. Do đó, việc đưa ra giải pháp hỗ trợ kết nối đầu tư đối với các sáng chế, sáng kiến sau khi tham gia các sự kiện KH&CN là cần thiết, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Thực trạng kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến tại các sự kiện KH&CN

Các sáng chế, sáng kiến thường được giới thiệu thông qua các sự kiện KH&CN như Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest), ICTcom, GrowTech và các sự kiện xúc tiến phát triển thị trường KH&CN được tổ chức tại các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN.

Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ đã tổ chức 13 sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, qua đó đã lựa chọn và giới thiệu được hơn 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 viện nghiên cứu, trường đại học, DN trong nước và quốc tế; xây dựng cẩm nang công nghệ gồm 2.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân (DN trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN, các nhà sáng chế không chuyên...); hỗ trợ kết nối 142 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ với tổng giá trị đạt hơn 2.250 tỷ đồng (tỷ lệ các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện sau ký kết đạt 41,5%); hỗ trợ 10 dự án được giao quyết định chủ trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư của tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí 19.928 tỷ đồng.

Theo Cục phát triển thị trường và DN KH&CN (2020): Giai đoạn 2015-2018 đã có hơn 1.200 hợp đồng được ký kết với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Trong các năm từ 2016 đến 2018 đã tổ chức 1.000 phiên kết nối cung cầu, kết nối đầu tư cho hơn 5.000 tổ chức thông qua các hoạt động xúc tiến trong nước và các sự kiện xúc tiến hợp tác với các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào; hơn 1.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm và kết quả nghiên cứu đã được lựa chọn và tổ chức giới thiệu, kết nối; cơ sở dữ liệu (CSDL) với hơn 3.500 nhà khoa học, chuyên gia tư vấn đã được xây dựng và đi vào hoạt động. 

Thông qua CSDL quốc gia về KH&CN (http://db.vista.gov.vn/) có thể tiếp cận thông tin về các công bố KH&CN của Việt Nam (265.515 công bố), thông tin về kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp (35.101kết quả nghiên cứu), thông tin về nguồn cung công nghệ (20.142 thông tin công nghệ), thông tin về sở hữu trí tuệ (365.619 sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý).

Kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN: Thực trạng và giải pháp chính sách - Ảnh 1.

Đối với tài sản trí tuệ (không tính quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng), trong giai đoạn 2015 - 2018 đã có 2.267 hợp đồng chuyển nhượng giữa các DN, cá nhân Việt Nam và 206 hợp đồng chuyển nhượng giữa DN, cá nhân Việt Nam với nước ngoài, tương ứng với 4.026 và 792 đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển nhượng. 

Bên cạnh đó, nhóm dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ thuộc Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 đã hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa được trên 50 sản phẩm, công nghệ từ khối các viện, trường và DN (giai đoạn 2017-2020), trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, thủy sản, cơ khí chế tạo, điện tử, nano, y dược. 

Các công nghệ, sản phẩm tạo ra được đăng ký sở hữu trí tuệ 100%, cũng như hoàn chỉnh công nghệ để đảm bảo đủ tiêu chuẩn thương mại hóa, tạo thêm hàng hóa phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo sản phẩm có nhiều đặc tính kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường.

Kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến đã thu hút hút được sự quan tâm của các tổ chức sự kiện, đặc biệt là sự kiện Techfest (https://techfest.vn/). Sự kiện Techfest 2020 đã thu hút hơn 6.500 lượt người tham gia trực tiếp như nhà sáng chế, sáng kiến, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và trên 50.000 lượt tham dự trực tuyến tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư đạt hơn 14 triệu USD, chưa kể tới kết quả của hoạt động kết nối đầu tư riêng tại các vườn ươm khu vực tư nhân, các làng công nghệ. 

Techfest 2021 đã được tổ chức với hơn 120 sự kiện (trực tiếp và trực tuyến), các chuỗi sự kiện đã thu hút khoảng 2,5 triệu lượt tham dự với hơn 500 diễn giả trong và ngoài nước, đã thu hút 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương, có 150 nhà đầu tư và quỹ đầu tư tham gia sự kiện. Đặc biệt, Techfest 2021 đã hình thành Làng sáng chế và DN ĐMST với các hoạt động chính như vinh danh ngôi sao sáng chế, tổ chức cuộc thi giải pháp thương mại hóa sáng chế, tổ chức các hội thảo, tập huấn và triển lãm sáng chế, công nghệ được vinh danh.

Sự kiện tuần lễ Kết nối công nghệ và ĐMST năm 2020 (TechDemo - Techmart - Growtech - Startup - Job fair) với sự tham gia của hơn 200 gian hàng với hơn 1000 sáng chế, giải pháp, công nghệ đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, DN, nhà khoa học, nhà sáng chế trong nước và các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Techmart 21 (www.techmart.techport.vn) đã thu hút hơn 320 công nghệ của 110 DN, viện trường tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và công nghệ sinh học. Sự kiện này đã có tác động tích cực tới việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ, ĐMST cũng như thúc đẩy quá trình tương tác, trao đổi mua bán, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và công nghệ sinh học.

Đến nay, các sự kiện KH&CN đã mang lại nhiều tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, sau mỗi sự kiện - còn một số hoạt động chưa được làm tốt:

- Chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá đầy đủ để trả lời câu hỏi liệu có bao nhiêu sáng chế, sáng kiến có tiềm năng thương mại hóa trong tổng số các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, công nghệ tham gia sự kiện cần tiếp tục được đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

- Chưa hình thành được CSDL sáng chế, sáng kiến có tiềm năng khai thác, thương mại hóa trên cơ sở đánh giá, nhìn nhận của nhà đầu tư và DN có khả năng ứng dụng.

- Chưa tích hợp một cách đồng bộ, xuyên suốt các sáng chế, sáng kiến có tiềm năng thương mại hóa với CSDL quốc gia về KH&CN, cơ sở dữ liệu của các sàn giao dịch công nghệ ở cấp độ quốc gia và địa phương;

- Chưa hình thành được tổ chức trung gian chuyên nghiệp của thị trường KH&CN để hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa nhà sáng chế, sáng kiến với các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu áp dụng và nhân rộng.

Do đó, hoạt động kết nối đầu tư sau các sự kiện KH&CN đối với các sáng chế, sáng kiến chưa mang lại hiệu quả cao và lan tỏa như kỳ vọng; chưa có nhiều sáng chế, sáng kiến được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để phổ biến, nhân rộng nhằm thúc đẩy phát triển nguồn cung, cầu của thị trường KH&CN theo Khoản 2, Điều 42 Luật Chuyển giao công nghệ “Mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho DN áp dụng, phổ biến cho công chúng”.

Kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN: Thực trạng và giải pháp chính sách - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất của Vinamit đã được công ty này đăng ký bảo hộ sáng chế ở Mỹ. Ảnh: nld.com.vn

Giải pháp chính sách về hỗ trợ kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN

Thứ nhất, xây dựng tiêu chí đánh giá tiềm năng thương mại hóa sáng chế, sáng kiến nói chung và các sáng chế, sáng kiến tham gia các sự kiện KH&CN nói riêng. Sáng chế, sáng kiến có tiềm năng thương mại hóa có thể xem xét ở ba nhóm tiêu chí sau:

- Tiêu chí về kỹ thuật/công nghệ, được thể hiện ở các chỉ tiêu như khả năng xuất hiện của các sáng chế tương tự trên thị trường; tính ưu việt của sáng chế trong việc hoàn thiện sản phẩm, công nghệ hiện có; khả năng dễ dàng sao chép, giải mã mức độ phức tạp khi đưa sáng chế vào áp dụng; mức độ sử dụng hạ tầng hiện có khi áp dụng sáng chế; khả năng tương thích của sáng chế; phạm vi, quy mô áp dụng sáng chế; tốc độ lỗi thời của sản phẩm, công nghệ khi áp dụng sáng chế; lợi thế cạnh tranh cốt lõi về kỹ thuật khi áp dụng sáng chế.

- Tiêu chí về kinh tế/thương mại, được nhìn nhận ở các khía cạnh như sự cạnh tranh trong ngành mà sáng chế được áp dụng; vị thế của người áp dụng sáng chế; sự sẵn sàng nguồn cung sáng chế (tương tự) trên thị trường; lợi ích thu được bằng tiền (kỳ vọng), hay phi tiền (danh tiếng) khi áp dụng sáng chế; các loại chi phí khi áp dụng sáng chế; chi phí huy động nguồn lực để áp dụng sáng chế, làm chủ công nghệ; khả năng chiếm lĩnh thị trường sản phẩm/công nghệ do áp dụng sáng chế; lợi thế cạnh tranh cốt lõi về thương mại khi áp dụng sáng chế.

- Tiêu chí về rủi ro trong quá trình thương mại hóa, được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như các rủi ro về việc giải mã, khai thác sáng chế (về kỹ thuật/công nghệ); các rủi ro trong toàn bộ quá trình phân tích tính kinh tế/thương mại; rủi ro từ môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế; rủi ro trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức, kiểm soát và phối hợp trong hoạt động thương mại hóa sáng chế.

Thứ hai, hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) sáng chế, sáng kiến có tiềm năng khai thác, thương mại hóa, đồng thời hỗ trợ việc hình thành CSDL của các nhà đầu tư, DN có nhu cầu ứng dụng sáng chế, sáng kiến.

- Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá, cần hình thành nhóm chuyên gia trong từng lĩnh vực để đánh giá mức độ thương mại hóa của các sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN, từ đó xác định được các ưu điểm, nhược điểm, xu hướng phát triển của sáng chế, sáng kiến để làm đầu vào tham khảo cho các tổ chức, DN khi quyết định đầu tư. Các thông tin này sẽ giúp DN, các nhà đầu tư tìm kiếm đối tác kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp và nguyên liệu, giúp DN theo dõi hoạt động của đối thủ cạnh tranh hiện tại và sự xuất hiện của các đối thủ tiềm năng, xác định được phân khúc thị trường mục tiêu, đồng thời giúp DN phòng ngừa, tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Tiếp tục bổ sung các sáng kiến có tiềm năng thương mại hóa vào CSDL thông qua các cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng”. Cuộc thi đã được Bộ KH&CN, Tạp chí Cộng sản và một số đơn vị đã phối hợp tổ chức vào các năm 2015, 2017 và 2020 nhằm mục đích tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân đưa ra các sáng kiến, ý tưởng, dự án sáng tạo hỗ trợ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; kết nối các sáng kiến có tiềm năng với DN, các tổ chức để áp dụng vào thực tiễn; đồng thời đánh giá và cập nhật các sáng kiến, sáng chế của nhà sáng chế không chuyên được hỗ trợ và tổ chức hàng năm. 

Cùng với đó là hỗ trợ việc tra cứu nhanh để xác định tính khả thi trong việc đăng ký bảo hộ sáng chế, cũng như đăng ký để được công nhận là sáng kiến theo Thông tư 18/2013/TT-BKHCN về hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP Chính phủ.

Thứ ba, đẩy nhanh việc tích hợp có CSDL sáng chế, sáng kiến nói chung, các sáng chế, sáng kiến có tiềm năng thương mại hóa nói riêng với CSDL quốc gia về KH&CN, CSDL của các sàn giao dịch công nghệ ở cấp độ quốc gia và địa phương. Do đó, việc xây dựng, xử lý, cập nhật CSDL quốc gia về KH&CN để đảm bảo tính thống nhất là cần thiết; đồng thời các tổ chức, cá nhân, DN, nhà đầu tư có quyền tiếp cận, truy cập và sử dụng miễn phí CSDL quốc gia về KH&CN như danh mục tổ chức, DN KH&CN; thông tin thư mục về nhiệm vụ KH&CN đã và đang triển khai; thông tin sáng chế, sáng kiến, sở hữu trí tuệ; thông tin tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thông tin về chuyên gia KH&CN; thông tin, tư liệu thống kê về sáng chế, sáng kiến; thông tin về danh mục công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; thông tin về KH&CN của Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. 

Bên cạnh đó, cần phổ biến, tuyên truyền nội dung của Nghị định số 11/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN, Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN.

Thứ tư, đẩy nhanh việc hình thành các tổ chức trung gian chuyên nghiệp của thị trường KH&CN để hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa nhà sáng chế, sáng kiến với các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu áp dụng và nhân rộng. Khuyến khích hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, hỗ trợ đánh giá, định giá sáng chế, sáng kiến, công nghệ. Các tổ chức này hoạt động độc lập, khách quan trong quá trình đánh giá, định giá để đưa ra giá tham khảo, tiệm cận với giá của thị trường. 

Đặc biệt việc định giá này cần được các tổ chức tín dụng, ngân hàng chấp nhận để cấp tín dụng, cho vay với tài sản đảm bảo là sáng chế, sáng kiến, công nghệ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sáng chế, sáng kiến tạo được nguồn tài chính phục vụ cho khai thác, thương mại hoá sáng chế, sáng kiến.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả của việc tổ chức các sự kiện KH&CN hằng năm (Techdemo, Techmart, Techfest); đồng thời đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó có nội dung về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025; Quyết định 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Quyết định 1158/QĐ-TTg học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2020, 2021), Khoa học và Công nghệ Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

2. Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Kỷ yếu hội thảo “Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 và đề xuất giải pháp phát triển KH&CN cho giai đoạn tới 2021-2030, Hà Nội.

3. Cục Sở hữu trí tuệ (2019, 2020), Báo cáo hoạt động thường niên, Hà Nội.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kết nối đầu tư sáng chế, sáng kiến đã tham gia các sự kiện KH&CN: Thực trạng và giải pháp chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO