Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng trở nên cấp thiết
Tại tọa đàm "Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - Thực tiễn và giải pháp" do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 30/9, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đóng vai trò ngày càng nổi bật hơn trong Liên Hợp Quốc, trong ASEAN, tham gia sâu vào các tổ chức thế giới, các diễn đàn hợp tác đa phương, các hiệp định toàn cầu.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Lợi, càng phát triển và hội nhập sâu rộng, chúng ta lại càng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, về bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; các vấn đề về chính trị quốc tế đan xen, cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh địa chính trị khó lường giữa các nước lớn. Trong hoàn cảnh đó, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí càng trở nên cấp thiết.
Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông và Internet, các thế lực thù địch đã và đang nắm trong tay những công cụ rất mạnh để chống phá. Chúng sử dụng các kênh thông tin phát thanh, truyền hình như RFI, RFA, VOA, BBC, truyền hình trực tuyến làm công cụ, tạo lập diễn đàn, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước. Trong những năm gần đây, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội, lập ra hàng ngàn kênh truyền thông, trong đó có những kênh thu hút hàng trăm ngàn lượt đăng ký, lượt theo dõi, để tuyên truyền, reo rắc tư tưởng độc hại, phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Cùng nhận định, ông Chu Quốc Dũng, Báo An ninh Thủ đô cho biết giờ đây, nền tảng công nghệ 4.0 với mạng xã hội cùng các công cụ truyền thông hùa theo có thể dễ bề giúp sức các đối tượng lan truyền và tạo sóng giữa một đô thị lớn và đặc biệt như ở thủ đô Hà Nội. Nếu chúng ta chậm chân, nếu như chúng ta phản ứng kém, thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thông tin xấu - độc, thông tin giả, thông tin vu cáo sai sự thật có thể lan truyền, tạo xu hướng tiêu cực, rồi hiệp thông thêm từ các địa bàn khác tiếp tục dội ngược về Thủ đô, gây sức ép chính trị, quấy nhiễu, hoạt động điều hành của chính quyền địa phương về nhiều mặt.
Báo chí thực hiện tốt vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhận định về vai trò của báo chí trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo ra được một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo nhấn mạnh: "Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề chủ quyền biển, đảo… để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ".
Thực tiễn cho thấy báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận đã tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Nhiều tờ báo lớn đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín, viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật. Một số báo đã tổ chức tốt các diễn đàn trực tuyến, thông qua đó định hướng chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các vấn đề "nóng", phản bác các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, vu khống, định hướng đúng đắn dư luận xã hội.
Các giải báo chí về xây dựng Đảng, cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới được phát động đã thu hút rất đông các nhà báo, cộng tác viên tham gia, thể hiện rõ tư duy sắc bén, trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm của người làm báo đối với công tác xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong khi đó, báo chí địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với các đối tượng cộm cán núp bóng tôn giáo, dân chủ, đứng sau màn xúi giục, tổ chức các hoạt động phá hoại đã được các cơ quan báo chí áp dụng sáng tạo, phát huy hiệu quả. Với lợi thế thông thạo và bám sát địa bàn, báo chí địa phương luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế ở địa phương.
Khai thác lợi thế của CNTT và các nền tảng số
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một đề tài khó. Nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc. Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo.
Trao đổi về kinh nghiệm về vấn đề này, bà Phạm Thị Phong Điệp, đại diện Báo Nhân dân chia sẻ trong thời đại số hiện nay, mỗi cá nhân đều có trở thành nguồn tin khi chỉ có một tài khoản mạng. Báo Nhân Dân đã đẩy mạnh ứng dụng lợi thế của công nghệ và phát huy thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Trong vòng 2 năm trở lại đây, Báo Nhân Dân tận dụng thế mạnh của báo điện tử để tổ chức các loại bài e-magazine, longform, special tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
Fanpage Báo Nhân Dân không ngừng đổi mới về hình thức và đa dạng hóa nội dung tuyên truyền. Báo thường xuyên có các sản phẩm báo chí mới, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, đồng thời nhanh chóng đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.
Báo cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động của tòa soạn, phát huy hơn nữa vai trò của Báo Nhân Dân trong công tác tuyên truyền. Báo tập trung đẩy mạnh đổi mới nội dung và cách tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Đây cũng là biện pháp hiệu quả giúp tờ báo đến gần hơn với nhân dân, được đông đảo bạn đọc tin cậy, yêu mến, thí dụ tiêu biểu đó là nhiều status trên trang fanpage của Báo, nhiều clip trên Tik Tok của Báo thu hút hàng triệu view.
Cũng theo bà Phạm Thị Phong Điệp, Báo Nhân Dân cũng tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình trên không gian mạng, triển khai thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động phát tán những tin xấu, độc, chống lại Đảng, Nhà nước, công kích, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao, kích động biểu tình, gây rối trật tự, chống phá chế độ…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hồng, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết tuyên truyền chống lại luận điệu phản động, sai trái, thù địch là điều các nhà báo ở các cơ quan như VOV xác định phải làm liên tục, thường xuyên nhưng làm cách nào để công chúng tiếp nhận tốt nhất là điều cần quan tâm. Để tuyên truyền về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả, cần sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của lãnh đạo Đài; lập kế hoạch sớm, chi tiết, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Hiện nay, cùng với việc phát sóng trên các kênh phát thanh truyền hình, báo điện tử thì VOV cũng đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này trên tất cả các nền tảng số như: trang thông tin điện tử, web, Facebook, YouTube, Tik Tok, podcast và đón nhận được sự quan tâm của công chúng trẻ.
Trước sự phát triển ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của các mạng xã hội, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã lưu ý các hội viên nhà báo sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, chỉ tương tác, bình luận, chia sẻ, đăng tải những thông tin (bằng các loại hình) có nguồn chính thống, đáng tin cậy, có ích cho xã hội và đất nước; phù hợp với thuần phong mũ thục, chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc Việt Nam; đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với quan điểm TTXVN.
Liên chi hội nhà báo TTXVN khuyến khích hội viên nhà báo sử dụng mã xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; cổ vũ, tôn vinh những nhân tố tích cực, phê phán (với tinh thần xây dựng) đối với những nhân tố tiêu cực, hành vi sai trái; góp phần tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh… Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những thông tin đã được đăng tải trên các ấn phẩm, fanpage chính thức của TTXVN, góp phần quảng bá hình ảnh, năng cao vai trò, uy tín của TTXVN./.