Khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính quốc gia

03/11/2015 20:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Đảng bộ Tổng công ty tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược phát triển đến năm 2020, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm mà trọng tâm là phát triển dịch vụ, mở rộng thị phần, hợp tác với các đối tác chiến lược tạo dựng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả mạng lưới, nâng cao năng suất lao động.

Đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư tặng bằng khen cho Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Năm 2013, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được tách ra hoạt động độc lập với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), trở thành đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là dấu mốc quan trọng, là nền tảng để Bưu điện Việt Nam từng bước tự khẳng định vai trò và vị thế của doanh nghiệp nhà nước chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho toàn Đảng bộ Tổng công ty, cán bộ, đảng viên, người lao động tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh - thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2020, khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực Bưu chính của Quốc gia.

Nâng cao vị thế

Được Nhà nước giao thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, bên cạnh việc phát triển kinh doanh, thực hiện mục tiêu lợi nhuận, Bưu điện Việt Nam còn đảm đương nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích cũng như các dịch vụ công ích khác theo yêu cầu của Nhà nước. Trong giai đoạn vừa qua, khi vừa mới thành lập, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế toàn cầu, sự biến động giá cả đầu vào sản xuất, việc mở cửa thị trường bưu chính cho các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài từ năm 2012 theo những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, áp lực cạnh tranh cao, những thay đổi thói quen của người tiêu dùng do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu và thuế quan... Đứng trước những thách thức và khó khăn này đòi hỏi Đảng bộ Tổng công ty phải có những quyết sách phù hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xác định mục tiêu, chiến lược, định hướng phát triển của Bưu điện Việt Nam.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban cán sự Đảng bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Tổng công ty và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2010 - 2015. Tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Kết thúc năm 2014, năm đầu tiên hoạt động trong điều kiện không còn trợ cấp công ích của Nhà nước, Tổng công ty đạt lợi nhuận xấp xỉ 100 tỷ đồng. Năng suất lao động cũng được nâng lên đạt 85 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 7%/năm. Thu nhập và việc làm của người lao động được đảm bảo, điều kiện làm việc được cải thiện.

Mạng lưới phục vụ tiếp tục được duy trì ổn định, khai thác tối đa lợi thế rộng khắp để phát triển kinh doanh, đồng thời bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho xã hội. Trong 5 năm, tổng sản lượng lũy kế dịch vụ thư cơ bản đạt 757,4 triệu cái, sản lượng lũy kế dịch vụ phát hành báo chí công ích đạt 826,3 triệu tờ. Hiện nay, số điểm phục vụ được duy trì là 13.021 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,88 km/điểm, số dân phục vụ bình quân là 7.083 người/điểm. Năm 2010 doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 1.697 tỷ đồng, đến năm 2015, dự kiến đạt 3.864 tỷ đồng, gấp 2,3 lần, tăng trưởng bình quân 18%/năm. Các dịch vụ tài chính bưu chính tiếp tục phát triển nhanh, tăng trưởng bình quân 23%/năm, nhiều dịch vụ mới được bổ sung. Các dịch vụ hành chính công, đại lý ngân hàng, thu hộ, chi hộ, chi trả BHXH... đã góp phần mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn mạng lưới, góp phần nâng cao vị thế của Bưu điện Việt Nam. Nhiều Đảng bộ cơ sở đã có những giải pháp đột phá đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm sát với yêu cầu nhiệm vụ, tiêu biểu như: Đảng bộ Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện, Đảng bộ Công ty Phát hành Báo chí T.Ư, Chi bộ Ban dịch vụ Tài chính Bưu chính.

Đồng chí Nguyễn Thành Công - Bí thư Đảng bộ - Giám đốc Công ty Phát hành Báo chí Trung ương cho biết: "Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ công ty đã phối hợp với Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, các đơn vị chức năng của Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản đi các địa phương trong cả nước, rà soát, đánh giá việc thực hiện Kết luận 29 của Ban Bí thư về: mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng. Góp phần tăng sản lượng, hiệu quả của Chỉ thị 11".

Đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp

Thực tế quá trình hình thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chính là quá trình tái cơ cấu lĩnh vực bưu chính. Đảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo hoàn thành tách bưu chính độc lập với viễn thông, hoàn thành lộ trình giảm mức thanh toán công ích của Nhà nước, xây dựng Chiến lược phát triển của Tổng công ty đến năm 2020; xây dựng và triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu mới của Tổng công ty; rà soát tổ chức lại sản xuất; tiến hành sắp xếp lại lao động; quy hoạch, làm mới lại các dịch vụ; triển khai các cơ chế kế hoạch, các cơ chế nội bộ để điều tiết hoạt động trong Tổng công ty; triển khai các phương thức quản trị mới... Đến thời điểm này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vẫn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại ngành nghề kinh doanh và thoái vốn tại các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty. Công tác chi trả lương hưu do Tổng công ty đảm nhiệm được Chính phủ và xã hội ủng hộ, đánh giá cao góp phần đổi mới công tác an sinh xã hội; nhằm tận dụng và phát huy tối đa năng lực mạng lưới, Tổng công ty tiếp tục đề xuất được tham gia thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tự nguyện, chi trả chế độ chính sách cho người có công.

Thực tiễn hoạt động của Tổng công ty trong giai đoạn vừa qua đã chứng minh hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ Tổng công ty đã có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo cũng như phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đến cấp ủy các cấp. Ngay sau Đại hội, Đảng ủy Tổng công ty đã khẩn trương xây dựng chương trình công tác toàn khóa, ban hành nghị quyết của Đảng ủy Tổng công ty về triển khai các nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Đỗ Ngọc Bình, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty khẳng định: "Trong 5 năm qua, tuy mới tách ra từ VNPT, còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ Tổng công ty đã bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên, các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, đoàn kết thống nhất trong chủ trương quyết liệt triển khai đồng bộ từ các cấp ủy đến chuyên môn, công đoàn và đoàn thanh niên tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Tổng công ty để đạt được những kết quả quan trọng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tổng công ty đã thực hiện đúng lộ trình giảm dần trợ cấp công ích của Nhà nước và kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của chủ sở hữu nhà nước; mạng bưu chính công cộng được duy trì và phát triển đáp ứng tốt yêu cầu của Nhà nước về cung ứng dịch vụ công ích cũng như phát triển, đa dạng hóa các dịch vụ kinh doanh. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của Đảng bộ và các cơ sở Đảng trong Tổng công ty được nâng cao. Công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ được quan tâm, chú trọng đúng mức đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi hoạt động của Tổng công ty. Qua đó đã giúp cho Đảng bộ Tổng công ty hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra".

Những hạn chế, yếu kém

Tuy nhiên, hoạt động của Tổng công ty vẫn còn nhiều bất cập bởi từ doanh nghiệp hoạt động có "bù chéo" sang kinh doanh phải hạch toán hiệu quả. Đây là một bài toán khó bởi tư duy bao cấp, ỷ lại, chỉ bám vào việc kinh doanh thuần túy, không phát triển giá trị gia tăng, phát triển các loại hình dịch vụ. Phó Bí thư Đảng ủy - Tổng giám đốc Tổng công ty Phạm Anh Tuấn thừa nhận: "Sự phát triển của hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp yêu cầu mở rộng quy mô của Tổng công ty. Hệ thống các bưu cục và điểm phục vụ cần được cải tạo, nâng cấp sau thời gian dài đưa vào sử dụng. Các trung tâm khai thác có quy mô lớn cần khẩn trương đầu tư và đưa vào vận hành. Các công cụ hỗ trợ, thiết bị cơ giới hóa trong khai thác còn yếu và thiếu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất mặc dù đã triển khai nhưng chưa được chuẩn hóa, bảo đảm tích hợp và tính đồng nhất trên toàn mạng lưới. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh. Các sản phẩm dịch vụ đang được Tổng công ty cung cấp còn mang tính phổ thông, phục vụ đại chúng. Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng đang thay đổi hằng ngày và phân nhóm. Cần thiết có những dịch vụ hướng tới đối tượng cao cấp, khách hàng lớn, khách hàng đặc biệt nhằm đem lại hiệu quả cao hơn cho Tổng công ty". Tổng giám đốc Phạm Anh Tuấn cho biết thêm: "Phương thức quản trị, điều hành của Tổng công ty đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên việc đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế. Tổng công ty chưa chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phương pháp quản trị khoa học. Còn thiếu hệ thống các tiêu chuẩn được cập nhật theo tiến bộ của thế giới. Hệ thống các quy định, quy chế, cơ chế của Tổng công ty có lúc chưa theo kịp sự phát triển sản xuất, kinh doanh, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý, từ đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý của người lao động".

Những hạn chế, yếu kém này đã ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh của Bưu điện Việt Nam ở thị trường trong nước, quốc tế và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ Tổng công ty tập trung thảo luận cho ý kiến nhằm đổi mới toàn diện, triệt để nhằm xây dựng Tổng công ty phát triển bền vững.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2015 - 2020

Phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ Tổng công ty trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2020. Triển khai đồng bộ ba trụ cột kinh doanh, phát huy thế mạnh mạng lưới rộng khắp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn; chuyển nhanh, mạnh tổ chức sản xuất để tham gia chuỗi logistics, thương mại điện tử, trở thành nhà phân phối bán lẻ các sản phẩm dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính rộng nhất Việt Nam làm nền tảng phát triển bền vững.

Đảng bộ Tổng công ty tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược phát triển đến năm 2020, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm mà trọng tâm là phát triển dịch vụ, mở rộng thị phần, hợp tác với các đối tác chiến lược tạo dựng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả mạng lưới, nâng cao năng suất lao động.

Phát huy truyền thống "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" kết hợp với sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong quá trình hình thành và phát triển Tổng công ty từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục lãnh đạo cán bộ, đảng viên và toàn thể người lao động trong Tổng công ty tận dụng triệt để những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Tiếp tục khẳng định vị thế Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp chủ đạo quốc gia trong lĩnh vực Bưu chính.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO