Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực
Đầu năm 2019, UBND tỉnh xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm là 1,36%, tương đương 4.050 hộ nghèo. Thực hiện nhiệm vụ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương xây dựng các giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng vùng, đối tượng để áp dụng triển khai.
Từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã phân bổ hơn 98,6 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về vốn vay ưu đãi, các mô hình sinh kế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được triển khai sâu rộng. Những chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin cũng được thực hiện kịp thời.
Theo đó, trong năm 2019, tỉnh đã chi hơn 64,7 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS), người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân xã đảo và bãi ngang ven biển; hỗ trợ hơn 500 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai các kế hoạch và chính sách về giảm nghèo, năm 2019, toàn tỉnh đã giảm được 4.896 hộ nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,9% (vượt 0,54% so với kế hoạch), đưa tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 3,06%, đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng yếu thế, người nghèo từng bước được cải thiện. Trong 3 năm (2016 - 2019), toàn tỉnh đã giảm được 17.249 hộ nghèo, bình quân mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 1,66%.
Cơ sở hạ tầng của tỉnh ngày càng được đầu tư nâng cấp; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Chính sách giảm nghèo sẽ góp phần giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Baokhanhhoa)
Đặc biệt, nhiều năm qua, công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS và miền núi cũng luôn được tỉnh quan tâm sát sao với hàng loạt chính sách được ban hành. Trong đó, chính sách hỗ trợ sản xuất do Ban Dân tộc tỉnh triển khai tại 40 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã mang lại hiệu quả tích cực.
Phần lớn những mô hình sản xuất đã phát huy hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giảm từ 5 đến 6% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh còn 10.143 hộ nghèo với 28.779 nhân khẩu và 20.811 hộ cận nghèo với 81.829 nhân khẩu. Năm 2020, toàn tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,88%, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 2,18%.
Nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đồng bộ các chính sách; triển khai lồng ghép công tác giảm nghèo với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tập trung triển khai kịp thời đưa vốn tín dụng ưu đãi đến từng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để giúp họ có điều kiện đầu tư làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo.
Đồng bào DTTS huyện Khánh Sơn chăm sóc cây mía tím. (Ảnh minh họa: Baokhanhhoa)
Ban Dân tộc cũng tiếp tục thực hiện các chính sách cho vay vốn ưu đãi để mở rộng mô hình kinh tế hộ sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tuy nhiên, để mô hình kinh tế đạt hiệu quả hơn nữa, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, hộ gia đình để hỗ trợ và nhân rộng; tăng cường theo dõi và quản lý chặt chẽ việc sản xuất. Khi triển khai các chương trình, dự án, các địa phương cần chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức tự lực, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, UBND tỉnh, các ngành chức năng và địa phương cũng cần vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.