Khi trên mạng mọi người vẫn còn đang lo lắng liệu những người có hoàn cảnh khó khăn, những người sống nhờ bằng đồng lương ít ỏi làm nghề phục vụ, bưng bê, bán vé số,... sẽ ra sao trong 15 ngày cách ly toàn xã hội thì ngoài kia, người Sài Gòn đã chuẩn bị xong tất cả mọi thứ để ngay lúc này, họ xắn tay áo vác từng túi gạo, gói mì,... tặng cho những ai đang thiếu. Họ bảo: "Của ít lòng nhiều, chủ yếu gửi mọi người một ít ăn lấy thảo chứ chẳng phải cái gì quá to lớn".
Dẫu biết công sức mình bỏ ra sẽ không thể nào giúp đỡ hết mọi trường hợp, nhưng người Sài Gòn lúc nào cũng lạc quan, muốn chung sức để làm một điều gì đó còn hơn là ngồi yên một chỗ. Có người tự nguyện bỏ tiền mua hàng trăm ký gạo, vài chục thùng mì, nước mắm, muối, đường,... chia thành từng bao nhỏ nhỏ mang đi phân phát. Có người thì tự nguyện nấu ít cơm hộp, cơm phần tặng cho những ai vô gia cư hoặc người già, trẻ nhỏ mỗi ngày 2 bữa ăn cho ấm lòng.
Người thì mang mì, người chở cả xe tải gạo đến cùng góp sức giúp đỡ các ông bà cụ có hoàn cảnh khó khăn.
Các cô bán vé số nhiều ngày qua gần như không thể tự tìm thu nhập cho riêng mình và nhờ những tấm lòng nghĩa tình này đã giúp họ cảm thấy ấm ấp hơn, cùng vượt qua trong vài ngày tới.
Có mặt tại hàng cơm trên đường Ngô Quyền và Hùng Vương, chúng tôi thật sự bất ngờ về cách mà họ chuẩn bị vô cùng kỹ càng, chu đáo, ai đến trước có trước, ai đến sau thì phải đứng chờ đến lượt. Người nào đến cũng sẽ được xịt nước rửa tay sau đó mới nhận cơm nhận gạo.
Người nhận thì cũng toàn các ông cụ, bà cụ lao động tay chân, có người đi nhặt ve chai từ sáng sớm mà chẳng được gì, trên đường nghe đâu loáng thoáng có người phát gạo, đồ ăn liền đạp thật xa để tìm tới đỡ được chút tiền để còn lo cho gia đình.
Ai đến cũng trật tự rửa tay thật sạch trước khi nhận phần cơm của mình.
Đặc biệt những người đứng ra quyên góp họ cũng chẳng xem hành động mình làm là việc gì quá to tát. Anh chủ hàng cơm còn bảo: "Mình gửi cho bà con một ít ăn lấy thảo chứ có giúp đỡ được cái gì đâu. Thời điểm này ai cũng có cái khó của riêng mình, phải đồng lòng và có sự san sẻ thì mới có thể mau chóng vượt qua".
"Mỗi phần cơm chẳng đáng là bao, biếu bác ăn lấy thảo".
Dòng người đến nhận mỗi lúc một đông hơn, nhưng tuyệt nhiên không một ai chen lấn hay gây mất trật tự. Ai cũng mang khẩu trang, đứng cách xa nhau âm thầm chờ đến phần mình. Điều mà tôi vô cùng cảm động là tiếng "cám ơn con", cám ơn cháu", "cám ơn em nhiều lắm nha" mỗi khi họ nhận được dù chỉ là phần cơm nhỏ.
Có thể những người kia chẳng cần sự báo đáp hay ghi công, nhưng tiếng cám ơn này lại là thứ đáp trả vô cùng xúc động trước những điều tốt đẹp mà họ đang làm.