Khi startup thành “người hùng” của doanh nghiệp

Thuỳ Trang| 12/07/2022 06:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở không chỉ là xu hướng, mà nó còn là xu thế tất yếu khi tất cả cùng phát triển trên cơ sở hợp tác, mở cửa.

DN cần giải pháp để dẫn đầu cuộc chơi sau COVID-19

Lịch sử đã chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng có thể đóng vai trò kích thích sự tăng trưởng đáng kể, và cũng là một sự thanh lọc đối với các tổ chức không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với những sự thay đổi của thị trường. Do đó, dịch COVID-19 được coi là một phép thử về tính "kiên cường" (resilience), tính thích ứng (agility) và cả sự phù hợp (relevance) của mọi DN và mô hình kinh doanh.

Thực tế cho thấy vẫn có rất nhiều tổ chức đang nắm bắt rất tốt các xu hướng hiện tại và tận dụng các cơ hội mà cuộc khủng hoảng này tạo ra để chuyển mình và tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Một số xu hướng trong đó được kích hoạt bởi những thay đổi lớn trong xã hội, hành vi con người và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta trong một thời gian dài.

Theo các chuyên gia, ĐMST mở là cách mà DN, tập đoàn mở cửa để nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm không còn chỉ nằm trong nội bộ mà đến từ bên ngoài như công ty khởi nghiệp (startup), đội ngũ chuyên gia hoặc bất cứ cá nhân nào trong cộng đồng. ĐMST mở là cách thức giúp cho những DN, dù đã lớn hay còn ở giai đoạn khởi nghiệp, có thể dễ dàng hoà cùng với dòng chảy xu hướng ĐMST. Kodak và Nokia đã từng phải trả giá đắt khi chậm chân trong các bước đi ĐMST, không sẵn sàng thực hiện các ý tưởng ĐMST đột phá. Trong khi đó, đây chính là thế mạnh của startup.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT của Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP chia sẻ rằng: "Thực chất, thuật ngữ "ĐMST mở" còn khá mới mẻ tại Việt Nam. ĐMST mở là sự "mở" hệ sinh thái của tổ chức để đón nhận, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp sáng tạo mới để hoạt động hiệu quả và năng động hơn. Theo đó, DN có thể tiết kiệm nguồn lực đầu tư vào R&D cũng như ĐMST."

Một trong những xu hướng nổi bật trên thế giới hiện nay nhằm thúc đẩy xu hướng trên là sự ra đời của các nền tảng kết nối ĐMST mở (open innovation platform) ví dụ như PlugandPlay, BambuUP, Idea Connection…. Về cơ bản, các nền tảng ĐMST mở sẽ là bên thứ 3 cung cấp nguồn thông tin về các giải pháp ĐMST mới nhất và uy tín để quá trình tìm kiếm ĐMST mở của DN trở nên dễ dàng hơn, cũng như hỗ trợ startup trong quá trình lan tỏa ý tưởng, tìm kiếm khách hàng, nhà đầu tư cho sản phẩm của mình. 

Các nền tảng này sẽ giúp cập nhật các xu hướng ĐMST mới, các nhà cung cấp ý tưởng, giải pháp, sản phẩm ĐMST và kết nối cung cầu về ĐMST trên thị trường. Các nền tảng cũng đều sở hữu một mạng lưới chuyên gia các lĩnh vực để hỗ trợ các DN và startup trong quá trình hiện thực hóa những ĐMST một cách tối ưu nhất.

Ở Việt Nam, nền tảng ĐMST mở còn là khái niệm xa lạ với hầu hết DN và bản thân các nền tảng ĐMST mở ở Việt Nam còn đang ở những bước phát triển đầu tiên. Tuy nhiên, một nền tảng kết nối số để thúc đẩy sự hợp tác ĐMST giữa các chủ thể bao gồm startup với DN và startup với nhà đầu tư, không bị những hạn chế về phạm vi địa lý và thời gian sẽ là công cụ không thể thiếu trong hành trình phát triển theo hướng ĐMST của DN.

Cách Delta Trainer cứu Anytime Fitness, một trong những chuỗi phòng tập lớn nhất thế giới

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho Anytime Fitness, một trong những chuỗi phòng tập lớn nhất trên thế giới với hơn 4,2 triệu hội viên và 4.800 phòng tập, bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều hội viên có nguy cơ rời bỏ.

Việc hợp tác với DeltaTrainer, một startup cung cấp ứng dụng kết nối huấn luyện viên với người tập để huấn luyện 1:1, giúp Anytime Fitness duy trì được hoạt động và lợi ích của hội viên thời kỳ dịch bệnh phải đóng cửa các phòng tập.

Khi startup thành “người hùng” của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Việc hợp tác với DeltaTrainer giúp Anytime Fitness duy trì được hoạt động và lợi ích của hội viên thời kỳ dịch bệnh phải đóng cửa các phòng tập.

Matt Spettel, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của DeltaTrainer, cho biết mối quan hệ hợp tác này diễn ra sau khi startup này phát triển đáng kể trong đại dịch COVID-19. Spettel cho biết khi các phòng tập thể dục trên khắp thế giới đóng cửa do đại dịch, nền tảng của DeltaTrainer đã tìm thấy một lượng khán giả mới. 

Hợp tác với Delta Trainer, Anytime Fitness - chuỗi phòng tập lớn nhất tại Mỹ này đã có cơ sở để kiến tạo nền tảng mới nhằm để tăng trải nghiệm khách hàng, tương tác và giữ chân khách hàng tốt hơn trong giai đoạn dịch bệnh. Riêng với DeltaTrainer, việc hợp tác này cũng giúp họ tiếp cận hơn 4.2 triệu khách hàng của AnyTime Fitness trên toàn thế giới.

Đây được coi là một ví dụ điển hình mà ĐMST mở đã giúp DN có thể mở rộng thị trường, tăng trưởng bài toán kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của COVID-19.

Toyota mở cửa đón ý tưởng từ startup để phát triển sản phẩm

Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã cùng với Denso - nhà cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu "bắt tay" với Aurora, một startup công nghệ xe tự lái của Mỹ. Sự hợp tác này nhằm tiến tới sản xuất thành công dòng xe taxi tự lái. Các công ty này đang bắt đầu phát triển và thử nghiệm trên xe tải nhỏ Toyota Sienna với phần mềm tự lái của startup Aurora. Sau khi hoàn thành thử nghiệm, công ty sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt cho các hoạt động gọi xe.

Trong mối quan hệ hợp tác này, Aurora được tiếp cận với chuyên môn kỹ thuật và sản xuất hàng loạt của Denso cũng như danh tiếng của Toyota. Đồng thời, Toyota tiết kiệm tiền và nỗ lực nghiên cứu để tự phát triển một hệ thống lái tự động. Bằng cách hợp tác với hai gã khổng lồ ô tô Nhật Bản, Aurora chắc chắn sẽ tiếp cận mục tiêu cuối cùng của mình một cách hiệu quả hơn.

Khi startup thành “người hùng” của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Trước khi Fonos ra đời, sách nói ở Việt Nam chưa phát triển và thiếu nhiều điều kiện để phát triển.

Ứng dụng sách nói bắt tay với loạt hệ thống nhà sách tại Việt Nam

Fonos là ứng dụng sách nói, được thành lập năm 2020 bởi Oscar Jesionek và Xuân Nguyễn. Ứng dụng này đã nhanh chóng phát triển trên thị trường sách nói tại Việt Nam dựa trên chất lượng âm thanh từ các giọng đọc chuyên nghiệp. Để rồi, năm 2021, các nhà xuất bản (NXB) truyền thống như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà,... đã ký kết hợp tác cùng Fonos, về việc phát hành sách nói trên nền tảng ứng dụng này.

Tháng 5/2021, Fonos gọi vốn thành công 1,1 triệu USD qua 2 vòng tài trợ hạt giống, do Angel Central Syndicate có trụ sở tại Singapore dẫn đầu cùng các nhà đầu tư khác là HustleFund, iSeed và Shark Thái Vân Linh.

Chia sẻ trên truyền thông, bà Xuân Nguyễn, đồng sáng lập ứng dụng cho biết, trước khi Fonos ra đời, sách nói ở Việt Nam chưa phát triển và thiếu nhiều điều kiện để phát triển. Ngoài việc hầu hết sách nói lúc đó đều không có bản quyền, tôi thấy cách mọi người đang làm là dùng sách nói để lấy lưu lượng (traffic) và bán những thứ khác, ví dụ cho nghe sách nói miễn phí rồi bán quảng cáo, bán khoá học… Một cuốn sách nói được sản xuất bằng những cách sao cho nhanh, cho rẻ nhất và cũng vì thế mà hầu hết sách nói trên thị trường lúc đó miễn phí hoặc phí rất thấp.

Với tác giả và NXB, mỗi cuốn sách là một đứa con tinh thần và họ nâng niu sách đến từng chi tiết, Fonos cảm nhận được điều đó và phải chứng minh rằng chúng tôi cũng hướng đến chất lượng sản phẩm và mong muốn phát triển sách nói thông qua hai việc. 

Thứ nhất, Fonos tập trung đầu tư vào đội ngũ sản xuất sách nói chất lượng với quy trình khép kín chưa bao giờ có trước khi Fonos xuất hiện. 

Thứ hai, mô hình kinh doanh của chúng tôi tập trung vào việc phát triển thị trường sách nói có bản quyền và bán sách chứ không dùng sách để bán sản phẩm khác. Vậy, nên tôi nghĩ đó là lý do các NXB và tác giả đã có được niềm tin để chọn đồng hành với chúng tôi.

Nếu như trước kia, nhắc đến startup, mọi người thường nghĩ đến những DN nhỏ bé, mới ra đời thì giờ đây, startup đồng nghĩa với những mô hình kinh doanh thú vị, với giải pháp mới lạ - độc đáo, công nghệ mang tính cập nhật, nhằm giải quyết bài toán mới trên thị trường.

Các công ty công nghệ, startup đã từng bước khẳng định mình thông qua sự nhanh nhạy và linh hoạt nổi bật, trở thành đối thủ trực tiếp với các mô hình truyền thống, ngại ĐMST. Do đó, ĐMST đã sinh ra như một giải pháp tất yếu, để mô hình startup có cơ hội vươn vai, mang giải pháp đột phá ra thị trường. Còn DN thì gặp được "người hùng" của mình, đẩy nhanh tốc độ ĐMST của đơn vị mình.

Tuy nhiên, để tiến hành ĐMST mở, DN cần bắt đầu từ bước nắm bắt được 2 chìa khóa, thứ nhất là nguồn dữ liệu tổng hợp, cập nhật về xu hướng công nghệ trong ngành hàng của mình. Thứ hai là cơ sở dữ liệu về startup với giải pháp đột phá phù hợp, để từ đó có chiến lược ĐMST mở hiệu quả. DN có thể theo dõi các bản tin khởi nghiệp trên thế giới, cập nhật các báo cáo về toàn cảnh ngành hàng, báo cáo về công nghệ, ĐMST mở,... để tiếp tục phát triển vượt bậc trong giai đoạn bình thường mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khi startup thành “người hùng” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO