Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh tham gia khám, chữa bệnh từ xa

Vân Anh| 24/09/2020 13:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Hướng dẫn về bảo mật thông tin trong tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế yêu cầu, không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như họ và tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân…

Đảm bảo tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh

Bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là 1 trong 3 nội dung chính của Hướng dẫn và quy định tạm thời việc tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vừa được Bộ Y tế ra quyết định ban hành.

Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh tham gia khám, chữa bệnh từ xa - Ảnh 1.

Nội dung hướng dẫn và quy định tạm thời của Bộ Y tế được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước có đăng ký khám chữa bệnh từ xa. (Ảnh minh họa)

Cùng với nội dung về bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa, bản hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế còn quy định thiết lập Phòng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.

Với hướng dẫn bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế cho biết, yêu cầu đặt ra là quá trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện đúng Điều 8 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, bao gồm: Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Cụ thể, theo hướng dẫn, những thông tin được chia sẻ trong quá trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa gồm có tóm tắt hồ sơ bệnh án và diễn biến ca bệnh cần hội chẩn (bệnh sử, tiền sử, kết quả thăm khám, cận lâm sàng, chẩn đoán sơ bộ, quá trình điều trị, yêu cầu hội chẩn và các thông tin khác với mục đích phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh) và biên bản hội chẩn sau khi kết thúc buổi hội chẩn.

Để hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế được yêu cầu áp dụng các biện pháp như: Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như họ và tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định danh người bệnh bằng bất cứ hình thức nào.

Trường hợp buổi hội chẩn cần sự hiện diện của bệnh nhân, phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che, hoặc làm mờ hình ảnh mặt bệnh nhân. Đồng thời, không thực hiện tường thuật trực tiếp – “Live stream” các buổi hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc hình thức khác mà có thể làm lộ thông tin cá nhân, hình ảnh mặt bệnh nhân và tình hình sức khỏe của người bệnh cùng những người tham gia buổi hội chẩn, hoặc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Cơ sở y tế phải thiết lập cơ chế bảo vệ mạng nội bộ

Hướng dẫn về bảo mật thông tin của Bộ Y tế cũng nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hội chẩn,khám chữa bệnh từ xa.

Trong đó, ngoài việc phải thực hiện đúng quy trình tổ chức hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn có trách nhiệm ban hành quy chế nội bộ của đơn vị để thực hiện hoạt động tổ chức hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, quản lý đăng nhập hệ thống, sao lưu dữ liệu của hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa, bảo mật thông tin, chống phần mềm độc hại, xử lý khẩn cấp khi xảy ra sự cố bảo mật, hệ thống thông tin mạng bị tấn công…

Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các thiết bị tin học lưu trữ dữ liệu, không cho phép di chuyển, thay đổi vị trí khi chưa được phép của người có thẩm quyền; quản lý và phân quyền truy cập phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của người sử dụng; thiết lập cơ chế bảo vệ mạng nội bộ bảo đảm an toàn thông tin khi có kết nối mạng nội bộ với mạng ngoài…

Cán bộ y tế tham gia hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa có trách nhiệm giữ bí mật và không chia sẻ thông tin người bệnh, người tham gia hội chẩn trong quá trình thực hiện hoạt động hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Đảm bảo tuân thủ nghiêm các nội dung của Hướng dẫn này và quy chế nội bộ của cơ sở nơi làm việc.

Với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tham gia quản lý, cung cấp, vận hành, khai thác, ứng dụng CNTT trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm an toàn và bảo mật dữ liệu trong lưu trữ và thực hiện hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp tự ý tiết lộ thông tin cá nhân và thông tin sức khỏe của người bệnh tham gia tư vấn khám, chữa bệnh từ xa…

Tháng 6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025”. Đề án hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; và người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Thời gian qua, Đề án này đã được Bộ Y tế và các cơ sở y tế tích cực triển khai. Dự kiến, ngày 25/9 tới, Bộ Y tế sẽ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh tham gia khám, chữa bệnh từ xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO