Truyền thông

"Không gian mới" và một số vấn đề đặt ra cho ngành xuất bản

Phi Tử Tiêu 03/11/2024 13:35

Cách mạng công nghệ (CMCN) lần thứ tư tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian mới là không gian mạng (KGM). Trong ngành xuất bản tự nhiên xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mới, chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ số, chưa từng làm xuất bản nhưng lại có sản phẩm thay thế xuất bản. Chủ yếu là ở trên không gian mới - KGM.

Tóm tắt:

CMCN 4.0 thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra không gian mạng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số thamgia vào ngành xuất bản.
- Ngành xuất bản cần đổi mới sáng tạo trong cách làm sách, phân phối, mô hình kinh doanh và hợp tác để thích ứng.
- Xuất bản điện tử đang ngày càng phổ biến, sách điện tử và sách nói thu hút nhiều độc giả.
- Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư trọng điểm, xây dựng hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực.
- Sự cần thiết của việc thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo và hợp tác để ngành xuất bản phát triển bền vững

Đổi mới sáng tạo để mở ra tương lai mới cho ngành xuất bản

Khi có cuộc CMCN mới sẽ có doanh nghiệp mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm thay thế nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Có thể thấy rằng, hiện nay ngành xuất bản đang lâm vào khó khăn bởi chưa tìm được hướng đi mới trước sự thay đổi “thần tốc” của cuộc cách mạng công nghệ. Để tìm được hướng đi mới đòi hỏi ngành xuất bản ngoài sự nỗ lực, bền bỉ thì cần phải “đổi mới sáng tạo” (ĐMST).

Vậy, ĐMST đối với ngành xuất bản là gì? Đó chính là ĐMST về cách làm sách, phân phối sách, mô hình kinh doanh, hợp tác mới. Mỗi nhà xuất bản phải có một bản sắc riêng. Cần tiếp tục xây dựng nền tảng số cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động, thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, giới thiệu truyền thông, phân phối đa nền tảng, thu thập phản hồi của độc giả, phân tích dữ liệu. Nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách. Vì thế, xuất bản cần mở rộng hợp tác, nhất là với các công ty công nghệ...

khong-gian-moi-1.png

Trước hết ta thấy trên thế giới hiện nay, xuất bản phẩm điện tử đã trở thành một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Sách điện tử (ebook) đang ngày càng thu hút được một bộ phận lớn thanh, thiếu niên tham gia vào việc đọc, thúc đẩy văn hoá đọc phát triển; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử, kỹ thuật số qua các thiết bị cá nhân như: điện thoại thông minh, Ipad, Kindle, Nook...; khả năng cung cấp Internet ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn đã tác động mạnh mẽ đến phương thức đọc. Hiện nay, đứng đầu trên thế giới là 5 nền tảng xuất bản sách điện tử đó là: Amazon.com (Mỹ), BN.com Nook (Mỹ), Apple iBooks (Mỹ), Kobo. com (Canada), Google Play Books (Mỹ). Trong đó, Amazon có thị phần lớn nhất cả về doanh số và doanh thu, chiếm 71% thị phần.

Doanh thu sách điện tử toàn cầu vẫn đang trên đà tăng trưởng liên tục hàng năm. Trong đó, nhờ có sự góp mặt của thị trường Mỹ, khu vực Bắc Mỹ có doanh thu lớn nhất thế giới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của thị trường Tây Âu và châu Á - Thái Bình Dương lại có xu hướng tăng cao hơn. Người dùng tin ở Mỹ ưa thích đọc sách điện tử bằng máy tính bảng nhất, các nước châu Âu lại có thiên hướng sử dụng máy đọc sách hơn. Trong khi đó, các nước châu Á lại chủ yếu đọc sách điện tử bằng các thiết bị đa chức năng như điện thoại thông minh.

Tại Việt Nam, hiện có nhiều nền tảng để độc giả chọn lựa như Ebook.vn, DTV ebook. Một số ứng dụng sách nói (Audiobook) như Fonos, Voiz FM, Waka... cũng đã trở nên quen thuộc với độc giả, nhất là sau thời kỳ đại dịch COVID-19, sách nói đã trở thành công cụ tiện ích cho nhiều người khi muốn tiếp cận với tri thức.

Có thể nhận thấy rằng, những năm qua các đơn vị làm sách ở Việt Nam đã có sự thay đổi hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa. Nếu như năm 2020 chỉ có 6/57 nhà xuất bản (NXB) hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử thì đến hết năm 2023, có 24/57 NXB tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBI&PH) - Bộ TT&TT, năm 2022 số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là hơn 2.300 xuất bản phẩm, đến năm 2023, xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4%). Đặc biệt, một số NXB xây dựng nền tảng riêng cho sách số, trong khi nhiều đơn vị kết hợp với Waka, Fonos, VoizFM... để phát hành sách điện tử, sách nói. Điều này cho thấy việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong ngành đang được đẩy mạnh.

Điều đó cho thấy các NXB đã chủ động tìm hướng đi và chuyển đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn. NXB Chính trị quốc gia Sự thật hiện nay đang tiếp tục triển khai xuất bản, phát hành sách điện tử trên trang sachquocgia.vn, kết hợp tuyên truyền và bán sách theo nhu cầu của bạn đọc. Trên trang thuviencoso.vn, có gần 700 ấn phẩm lý luận, chính trị dành do cán bộ, đảng viên ở cơ sở được phát hành hoàn toàn miễn phí.

Trên hệ thống stbook.vn, NXB đã xây dựng 11 tủ sách điện tử với trên 600 ấn phẩm, có nhiều ấn phẩm phát hành miễn phí; NXB Trẻ cũng cho biết, đơn vị có kênh phát hành sách điện tử (ebook) - sachso.com.vn. Hiện nay, với số đầu sách được phát hành gần 500 tựa, NXB Trẻ đang chào bán cho các thư viện, tổ chức có nhu cầu.

Ở mảng sách nói (audiobook), NXB phát hành các sách của mình thông qua nền tảng của đối tác cung cấp dịch vụ. Tính đến nay, doanh số sách điện tử, sách nói - dù không chiếm tỉ trọng đáng kể trong doanh số chung của NXB nhưng sự tăng trưởng hằng năm là tín hiệu đáng mừng... Cũng theo thông tin từ Cục XBI&PH, doanh thu sách nói tăng trưởng tốt, số liệu báo cáo của các doanh nghiệp (DN) trong thời gian năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.

Như vậy, có thể thấy rằng các NXB đều nhận thức rất rõ và cũng rất biết cách để thúc đẩy phát triển đơn vị cũng như nâng cao chất lượng xuất bản phẩm. Nhưng có một thực tế là hiện số lượng NXB đủ tiềm lực để triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Còn đại đa số các NXB đều trong tình trạng khó khăn hoặc vô cùng khó khăn, thậm chí có NXB còn lâm vào tình trạng nợ nần (không có khả năng chi trả) do thuê đất, thuế đất...Bởi vậy, trong KGM hiện nay, ngành xuất bản muốn dịch chuyển bứt phá thì còn rất nhiều việc phải làm.

“Những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới. Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi. Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, cần hoàn thành vai trò “nhạc trưởng” để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững”

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Những vấn đề đặt ra cho ngành xuất bản

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Đây là yếu tố tiên quyết để tháo gỡ cũng như tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất bản.

Nhưng ta thấy Luật Xuất bản 2012 đã ra đời trên 10 năm và đã đến lúc cần xây dựng bộ luật mới, phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012 các đại biểu đã nhận định: việc thi hành Luật Xuất bản vẫn còn hạn chế. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản, đề án triển khai thực hiện luật, có nhiều vấn đề mới, phức tạp liên quan đến việc đổi mới về cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, có những vấn đề lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở nước ta (như xuất bản và phát hành xuất bản điện tử) dẫn đến việc chậm triển khai một số quy định của Luật trong thực tế và chưa hiệu quả.

Việc phối hợp trong công tác xây dựng các văn bản giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng, thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính phức tạp của hoạt động xuất bản trong điều kiện mới. Năng lực của một bộ phận lãnh đạo các đơn vị xuất bản còn hạn chế...

Đặc biệt các đại biểu kiến nghị sửa đổi một số Điều của Luật Xuất bản theo hướng bổ sung quy định cho phép cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước căn cứ vào mô hình hoạt động của doanh nghiệp NXB quyết định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không đồng thời (hoặc đồng thời) là Tổng Giám đốc (Giám đốc) NXB để phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với Luật Doanh nghiệp.

Đồng thời, đại biểu cũng nêu ý kiến, cần bổ sung thêm các quy định cho các dạng xuất bản phẩm điện tử về cách thức thực hiện: từ khâu xuất bản đến khâu phát hành xuất bản phẩm điện tử và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

khong-gian-moi-3.png

Việc xây dựng luật cần lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ, đặc biệt là từ các DN ngành xuất bản, in và phát hành - đối tượng quản lý của nhà nước (QLNN), tránh sự sơ sài, hình thức, duy ý chí, cân bằng giữa sự quản lý nhà nước và phát triển của các đối tượng chịu sự tác động của bộ luật, đặc biệt là ý kiến đóng góp của các chuyên gia am hiểu về mặt luật pháp, về quản lý nhà nước và quản trị DN. Luật Xuất bản mới phải đáp ứng yêu cầu đi trước, tạo điều kiện cho DN chứ không phải đi sau thực tế cuộc sống, tránh việc phải ban hành và điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Tại khoản 1, Ðiều 7 Luật Xuất bản 2012, quy định: “Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản”.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa nội dung luật định thành cơ chế có hiệu lực trong thực tế hiện còn khá chậm trễ. Cụ thể, hiện nay, công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho NXB chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị nguồn nhân lực lãnh đạo cho các nhà xuất bản. Vì vậy các đại biểu đã kiến nghị Bộ TT&TT trong vai trò quản lý, phát triển hoạt động xuất bản cần có kế hoạch tổ chức đa dạng, linh hoạt các lớp đào tạo, bồi dưỡng kết hợp trải nghiệm thực tế về công tác xuất bản hiện nay ở trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị nguồn lực cho ngành xuất bản, nhất là dành cho đối tượng quản lý xuất bản...

Còn nhiều các điều khoản cần sửa đổi trong Luật Xuất bản 2012 như: phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo các điều kiện thành lập của NXB; công tác bổ nhiệm chức danh lãnh đạo NXB cũng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; công tác định hướng kế hoạch xuất bản hàng năm; công tác chỉ đạo thực hiện tôn chỉ mục đích, phương hướng hoạt động của NXB, giám sát NXB thực hiện đúng theo quy định của pháp luật... điều đó cho thấy, để hoàn thành vai trò “nhạc trưởng”, nhà quản lý ngành xuất bản, cụ thể là Bộ TT&TT cần xây dựng những nội dung phù hợp với thực tế, đi trước đón đầu để đưa vào Luật Xuất bản, để khi trình Chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất bản.

Đầu tư có trọng điểm

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhận định: “Xuất bản thì vừa chính trị, vừa văn hóa, vừa kinh tế. Nhuần nhuyễn 3 cái này thì xuất bản sẽ thành công. Chính trị thì có sự trợ giúp của Nhà nước, văn hóa thì có sự trợ giúp của Nhân dân, kinh tế thì có sự trợ giúp của thị trường. Hãy khai thác và kết hợp thật khéo 3 cái này”.

Như ta thấy, hiện nay cả nước có 57 NXB, nếu để đảm bảo được cả 3 yếutố Chínhtrị - Vănhóa - Kinh tế thì rất ít NXB có thể thực hiện được. Bởi muốn đảm bảo cả 3 yếu tố này thì đòi hỏi NXB phải có tiềm lực mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy, các NXB hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Hàng năm, Nhà nước có chính sách hỗ trợ các NXB thông qua các chương trình Mục tiêu quốc gia, Sách Nhà nước đặt hàng. Tuy vậy hiệu quả thực tế vẫn chưa cao, bởi các NXB mà nguồn lực thấp không thể đáp ứng được yêu cầu của các chương trình này, nguồn kinh phí lại tiếp tục chảy vào vài “ông lớn”.

Để “tự lực cánh sinh”, hoạt động liên kết xuất bản đang được các NXB và các đơn vị làm sách tư nhân đẩy mạnh. Hoạt động liên kết diễn ra vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy thị trường xuất bản phát triển nhanh chóng như hiện nay. Tuy nhiên sự phát triển quá nhanh này khiến các nhà quản lý lúng túng, không thể bắt kịp với xu thế của thời đại, hệ lụy là có quá nhiều sách kém chất lượng, sách giả, sách lậu, sách vi phạm bản quyền tràn lan trên thị trường. Thậm chí có những con phố ngay tại Thủ đô Hà Nội từng được mệnh danh là “thiên đường” của sách lậu như phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Hoàng Quốc Việt...

Đã đến lúc ngành xuất bản cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, phân định rõ ràng NXB nào cần đầu tư nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, NXB nào cần nguồn xã hội hóa để đầu tư có trọng điểm thì mới có hiệu quả.

Bên cạnh đó còn các vấn đề quan trọng như: xây dựng hạ tầng số cho ngành xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, xuất bản sách bestseller... cũng đòi hỏi ngành xuất bản phải ra sức thực hiện.

khong-gian-moi-2.png

“Hãy nghĩ ngược lại và làm khác đi. Những khó khăn và thách thức lớn, kéo dài thì thường chỉ được giải quyết khi nghĩ khác đi. Trong không ít trường hợp thì nghĩ nhỏ sẽ không làm được nhưng nghĩ lớn thì lại có thể làm được, vì nghĩ lớn thì mới thay đổi cách làm, thay đổi cách tiếp cận. Bởi vậy, rất có thể đổi mới đầu tiên của ngành xuất bản là nghĩ lớn hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:
1. https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/
2. https://mic.gov.vn/
3. https://m.antoanthongtin.vn/
4. https://dantri.com.vn/van-hoa/bo-truong-nguyen-
manh-hung-nguoi-viet-dang-doc-sach-nhieu-
hon-20240401135720998.htm
5. https://dangcongsan.vn/

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Không gian mới" và một số vấn đề đặt ra cho ngành xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO