Các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực để hồi sinh chủ nghĩa đa phương nhằm phối hợp, cùng nhau đối đầu với cuộc khủng hoảng COVID-19. Bên cạnh đó, họ cũng cần phải nhận thức rõ ràng về nhiều khía cạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu. Trước hết và quan trọng nhất, chúng ta cần đảm bảo một hệ thống thương mại toàn cầu mở và bền vững.
Đại dịch COVID-19 đã đưa thế giới vào vùng nguy hiểm. Hơn một nửa dân số toàn cầu đang ở dưới một số hình thức cách ly xã hội. Tất cả các nền kinh tế, giàu và nghèo, đều đang rơi vào suy thoái và chỉ có thể thoát khỏi khủng hoảng bằng cách phối hợp với nhau.
Trung Quốc - tâm chấn đầu tiên của đại dịch - cho thấy cái nhìn sâu sắc về nhu cầu phối hợp giữa các nền kinh tế. Chỉ một quốc gia vượt qua đại dịch sẽ chẳng có nghĩa lý gì.
Việc đóng cửa kéo dài hàng tháng của tỉnh Hồ Bắc, cùng với các hạn chế di chuyển nghiêm ngặt trên cả nước, khiến lợi nhuận công nghiệp giảm gần 40% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ. Các nhà máy, mặc dù đã bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 3, nhưng vẫn phải đối mặt với việc hủy đơn hàng, hoãn và trì hoãn thanh toán, bởi các khách hàng nước ngoài vẫn đang tiếp tục đấu tranh để đối phó với các tác động của đại dịch.
Vì vậy, ngay cả khi sức khỏe cộng đồng đang phục hồi, tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc ít nhiều vào phần còn lại của thế giới. Điều này sẽ đúng với mọi quốc gia: ngay cả khi đại dịch được kiểm soát tại một nơi nào đó, nhưng nó vẫn còn hoành hành ở những nơi khác trên thế giới, thì vẫn có khả năng các đợt bùng phát tiếp theo sẽ cản trở sự phục hồi.
Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ là một câu chuyện tương tự. Ngay cả trước đại dịch, chuỗi cung ứng đã "thấm đòn" của hai năm tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bây giờ, họ đang phải đối phó với sự trì hoãn của nhiều điểm sản xuất, gián đoạn trong khâu vận chuyển và sự suy giảm mạnh nhu cầu toàn cầu.
Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ước tính rằng thương mại toàn cầu có thể giảm tới 32% trong năm nay. Trong khi đó, thất nghiệp đang tăng vọt ở nhiều nền kinh tế: trong 4 tuần qua, 22 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã được nộp tại Mỹ - một con số kỷ lục.
Đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng thế giới đã kết nối và phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc như thế nào. Không một quốc gia nào có thể đơn phương giành chiến thắng.
Cách duy nhất để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch là đoàn kết. Để bảo vệ người dân của họ, chính phủ các quốc gia phải hợp tác để phát triển các giải pháp có lợi cho tất cả mọi người. Bước đầu tiên là xóa bỏ thuế quan bảo hộ và các rào cản thương mại khác, qua đó đảm bảo rằng các loại hàng hóa quan trọng - đặc biệt là vật tư và thiết bị y tế, cũng như thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác - có thể được giao bất cứ khi nào cần thiết. Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn.
Đoàn kết cũng có nghĩa là bảo vệ việc làm, thu nhập và sinh kế ở mọi nơi. Điều này đòi hỏi các biện pháp thiết thực để giữ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động - một điểm mà Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) gần đây đã nhấn mạnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một phần đáng kể các công việc ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Họ cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ chúng ta sử dụng hàng ngày. Để đảm bảo rằng sự đình trệ nói chung không gây ra thiệt hại cấu trúc lâu dài, các công ty này phải được bảo vệ.
Khi vạch ra con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, chúng ta nên đặt mục tiêu tạo ra một tương lai tốt hơn. Không phải là sự cạnh tranh, không phải việc "vũ khí hóa" các chính sách thương mại, mà là các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, làm nền tảng cho sự thịnh vượng chung.
Điều này có nghĩa, trước hết, đảm bảo thương mại toàn cầu mở và bền vững. Thương mại toàn cầu đã được nhiều nhà kinh tế học và các lý thuyết kinh tế chứng minh là một phương tiện cho phép tất cả các nước - lớn và nhỏ, giàu và nghèo - cùng đạt được tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thương mại cũng củng cố hòa bình và ổn định toàn cầu, bằng cách cho mọi người tham gia vào cùng một hệ thống trên toàn thế giới.
Việc thiết lập một hệ thống như vậy đòi hỏi nhiều hơn là việc loại bỏ thuế quan. Chúng ta cần phải loại bỏ cả các trở ngại hành chính và các biện pháp phòng thủ thương mại sau biên giới. Các quốc gia phải công nhận rằng tất cả chúng ta đều sẽ chiến thắng nếu mọi người ở khắp mọi nơi có tiếp cận các công cụ cần để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển các ngành công nghiệp và đổi mới. Nếu không làm được việc đó, tất cả chúng ta đều gánh những hậu quả tồi tệ hơn.
Việc mở cửa thương mại sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính thương mại, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Tài chính thương mại và đầu tư hiện nay đang là không đủ để tiếp cận các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt khó khăn. Thiếu vốn sẽ cản trở khả năng mở rộng hoặc đổi mới trong thời kỳ ổn định và khó để tồn tại trong thời kỳ khủng hoảng. Đó là lý do tại sao ICC đã kêu gọi các ngân hàng tăng cường tài trợ cho các công ty để giảm thiểu những tác động xấu nhất của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Để đảm bảo sự phục hồi bền vững từ cuộc khủng hoảng này cũng như kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế toàn cầu kiên cường hơn và toàn diện hơn trong dài hạn, tài chính thương mại phải chiếm một vị trí cố định trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Hồi sinh chủ nghĩa đa phương và đảm bảo thương mại mở cửa là những mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Các mục tiêu này không yêu cầu luật mới hoặc nguồn lực bổ sung, chỉ cần có sự cam kết và đoàn kết.
Viện trợ nhân đạo từ lâu đã tỏ ra bất lực trong thời kỳ khủng hoảng. Bây giờ, giữa một cuộc khủng hoảng đang bao trùm toàn bộ thế giới, tất cả chúng ta phải nhận ra tầm quan trọng của "thương mại nhân đạo".